Những dòng chữ động viên nhau đầy cảm xúc của các chiến sĩ tuyến đầu.
Ở vị trí tiên phong, trực tiếp đương đầu với loại vi-rút quái ác này là lực lượng y tế, được gọi với cái tên thân thương và đầy lòng biết ơn “các chiến sĩ áo trắng”. Cùng với họ, trên tuyến đầu chống dịch còn có lực lượng bộ đội, công an, biên phòng, tình nguyện viên…
Rất nhiều những tấm gương đẹp đẽ, từ cao cả đến bình dị của các chiến sĩ ngành y đã được lan tỏa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những chàng trai, cô gái trẻ cắt đi mái tóc duyên dáng của tuổi thanh xuân, khoác lên người tấm áo blu trắng, mang nụ cười tỏa nắng đi vào tâm dịch. Những bác sĩ đã về hưu, ở tuổi U80 vẫn xung phong “tái ngũ” với quyết tâm nếu có mệnh hệ gì thì xin được ở bên người bệnh đến phút cuối cùng.
Tấm lưng “cháy nhiệt” của một nam bác sĩ do mặc áo bảo hộ y tế quá lâu trong tiết trời nóng gắt lên đến 40oC, gây xúc động mạnh trong cộng đồng; những nữ y tá lả đi vì sốc nhiệt và kiệt sức…
Mỗi người trong số họ hẳn đều có một gia đình, một hậu phương và hoàn cảnh riêng. Không chỉ gác lại việc học tập, phấn đấu, họ phải hy sinh cuộc sống đời thường với bao lo toan như chăm sóc cha mẹ già, hạnh phúc vợ/chồng, nuôi dạy con cái… Đây chính là hiện thực sống động và đặc biệt chứa đựng cả thân phận và số phận con người, có thể xây dựng thành những hình tượng nghệ thuật đắt giá, thúc giục và cũng là đòi hỏi người nghệ sĩ sáng tạo nên tác phẩm phục vụ cuộc sống.
Thế nhưng thời gian vừa qua, hiện thực ấy mới chỉ được phản ánh một phần qua những bài thơ nhỏ lẻ, lác đác trong một số truyện ngắn, truyện ký, một vài bài hát, bức tranh, vở kịch, phim truyền hình...
Thành thực mà nói, công chúng chưa được thưởng thức một tác phẩm nào đáng kể về cuộc sống và chiến đấu khốc liệt trong đại dịch Covid-19 của các chiến sĩ trên mọi mặt trận, nhất là các y, bác sĩ. Một cuộc chiến cam go diễn ra trong không gian và thời gian đặc biệt, những nguy hiểm thường trực đe dọa tính mạng con người; một cuộc chiến liên biên giới, liên lãnh thổ, không ai có thể đứng ngoài cuộc. Ngay như trong lĩnh vực văn học, vốn được coi là một ngành chủ lực của các bộ môn nghệ thuật, có vẻ như các nhà văn đang “nhường” đất cho báo chí và truyền thông hoặc mới làm công việc “thông tấn” chứ chưa thật sự sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có tầm vóc tương xứng với những gì đang diễn ra trong cuộc sống.
Lẽ ra, văn học, nghệ thuật với chức năng nắm bắt nhạy bén hiện thực, phải bám sát cuộc sống, nhanh chóng khắc họa bức tranh sinh động về ngày hôm nay, với nhân vật trung tâm là những bác sĩ - chiến sĩ ngày đêm can đảm và kiên cường chiến đấu trong đại dịch Covid-19. Với đặc thù của mình, văn học, nghệ thuật có khả năng đi sâu vào số phận của nhân vật, vừa khái quát, vừa cụ thể, sáng tạo những tác phẩm có sức lan tỏa sâu xa, có giá trị thẩm mỹ cao, mang lại những cảm xúc tích cực cho cộng đồng, tác động làm thay đổi nhận thức xã hội. Có thể ai đó cho rằng, để sáng tạo tác phẩm nghệ thuật có giá trị cần độ lùi về thời gian? Điều này chưa hẳn đúng. Thực tế là vẫn có những sáng tác mang tính thời sự nhưng đã trở thành tác phẩm để đời.
Nhà thơ Giang Nam viết bài thơ “Quê hương” chỉ trong một đêm ngay sau khi nghe tin vợ và con gái mình bị địch sát hại. “Bức thư Cà Mau”, tập truyện ngắn và bút ký của nhà văn Anh Đức từ miền nam gửi ra, sáng tác trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh nhưng có sức lay động mạnh mẽ. Nhà văn Nga Nekrasov viết tác phẩm “Trong chiến hào Stalingrad” ngay tại chiến trường, phục vụ kịp thời những người lính và cuốn sách đó ngay lập tức trở thành tác phẩm kinh điển về chiến tranh… Những thí dụ nêu trên cho thấy, việc chưa có nhiều tác phẩm và chưa có tác phẩm hay về cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở nước ta là một sự đáng tiếc, và các văn nghệ sĩ đang “nợ” những chiến sĩ quên mình chiến đấu với bệnh tật vì sự an toàn của cộng đồng, cũng là nợ bạn đọc và cuộc sống.
Chúng ta ghi nhận thời gian vừa qua, nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đã trực tiếp quyên góp, cũng như bằng sức ảnh hưởng của mình đã kêu gọi công chúng đóng góp những khoản vật chất có giá trị cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên điều công chúng mong đợi hơn nữa ở các văn nghệ sĩ là tác phẩm có sức lay động về con người, cuộc sống và những gì đang diễn ra trong giai đoạn đặc biệt này. Đây vừa là thiên chức, vừa là mệnh lệnh cuộc sống dành cho các văn nghệ sĩ.