Cần tăng cường hiệu quả của các Trạm cân xe để lĩnh vực giao thông trở thành nòng cốt hướng tới mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia
Nhưng vấn đề luôn được quan tâm trong lĩnh vực giao thông đường bộ là việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông. Cũng chính vì vậy mà hiện nay ở nước ta đã rất tích cực trong công tác này và đang hướng đến những quy hoạch và kỹ thuật giao thông; Công nghệ và vật liệu mới trong xây dựng công trình giao thông; Quản lý khai thác công trình giao thông; Quan trắc đánh giá sức khỏe công trình giao thông; Kết cấu và kỹ thuật công trình cầu, đường để tiến tới chất lượng “giao thông xanh”.
Bản chất “giao thông xanh” là xây dựng và duy trì hệ thống giao thông phát triển bền vững nhằm làm thỏa mãn nhu cầu giao thông của mọi người, khái niệm giao thông xanh tại Việt Nam đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng nhằm mục tiêu tạo dựng một môi trường sống trong lành và bền vững. Nhưng trên thực tế của giao thông thì còn nhiều bất cập. Ví như việc đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông thì theo thiết kế cầu, đường bộ mặc dù đã có những quy định về tải trọng, nhưng ý thức tham gia giao thông của những phương tiện vận tải hàng hóa thì chưa hẳn đã chấp hành các quy định này, thậm chí còn có những thủ thuật nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Từ cách đây hơn 20 năm, Bộ Giao thông vận tải đã có trách nhiệm bảo vệ những con đường bằng việc ngăn chặn những hành vi của các phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải trọng căn cứ vào Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông… và Quyết định 455/TTg của Chính phủ về việc thành lập các trạm kiểm tra các loại xe có tải trọng lớn và xe bánh xích hoạt động trên đường bộ để kiện toàn và hoạt động thống nhất các trạm cân trong toàn quốc mà mọi người hay gọi là “trạm cân xe”.
Trạm cân xe có nhiệm vụ kiểm tra các xe chở quá tải, quá khổ giới hạn của cầu đường và xe bánh xích hoạt động không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không theo đúng quy định trong giấy phép trên đường bộ công cộng nhằm bảo vệ cầu đường để đảm bảo an toàn người và tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Trạm chỉ thực hiện nhiệm vụ cân kiểm tra tải trọng và kiểm tra khổ xếp hàng hoá của các loại xe có dấu hiệu vi phạm khả năng chịu tải và khổ giới hạn của cầu đường, xe bánh xích hoạt động trên đường. Trong quá trình kiểm tra tải trọng, khổ hàng hoá... nếu phát hiện có vi phạm những quy định khác của Nhà nước, trạm có nghĩa vụ báo cáo cho các cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Các loại xe có dấu hiệu vi phạm là căn cứ đối chiếu với các quy định hiện hành về quản lý xe quá khổ quá tải, xe bánh xích hoạt động trên đường bộ giấy phép lưu hành đặc biệt của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp. Trạm cân xe có quyền thực hiện các nhiệm vụ như được phép dừng các loại xe đang lưu hành để kiểm tra nếu xét thấy các xe đó có dấu hiệu chở hàng quá tải, quá khổ giới hạn cầu đường, các loại xe bánh xích tự hành trên đường mà không có biện pháp để tránh sự phá hoại của bánh xích trực tiếp đi trên mặt đường gây nguy hại cho cầu đường; Kiểm tra giấy phép lưu hành đặc biệt của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp; Cân tải trọng xe, đo khổ xe và hàng hoá. Xử lý vi phạm theo quy định; Buộc các lái xe phải dỡ hàng phần quá tải, quá khổ; Đình chỉ lưu hành, tạm giữ giấy phép lái xe, giấy phép lưu hành, đăng ký xe, giấy phép lưu hành đặc biệt nếu xe không chấp hành xử lý và được phép tổ chức dịch vụ cẩu, dỡ và bảo quản hàng hoá nếu có yêu cầu của chủ xe, chủ hàng hoặc lái xe theo giá quy định hiện hành của từng địa phương, khu vực.
Tuy nhiên để duy trì và đảm bảo hoạt động của trạm cân xe theo đúng mục tiêu đề ra của ngành GTVT không phải là việc đơn giản, chức năng của lực lượng Thanh tra giao thông (TTGT) trong công tác kiểm tra cũng đã phần nào bị hạn chế bởi từ năm 2016 Bộ Công an và Bộ GTVT đã có thống nhất là lực lượng CSGT không tham gia phối hợp tại trạm cân xe. Cùng lúc, lực lượng kiểm soát quân sự cũng rút quân nên các trạm cân hoạt động mỗi nơi một kiểu. Nhiều trạm cân xe đã không hoạt động hoặc hoạt động nhưng không phát huy được vai trò, nhiệm vụ khiến các con đường đang phải oằn mình chống chọi với các phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải trọng. Điều bất cập là trong khi đó thì nhiều chốt CSGT lại phải trưng dụng các trạm cân tư nhân để cân xe khi có dấu hiệu vi phạm trọng tải. Vấn đề các trạm cân xe hoạt động kém hiệu quả một phần cũng là do chức năng của lực lượng TTGT có quyền dừng xe, nhưng quyền dừng xe của TTGT không giống như quyền của CSGT.
Qua việc thực hiện chuyên đề “bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông tiến tới thực hiện mục tiêu phát triển giao thông xanh”, Tri thức Xanh đã có bài phản ánh hiện trạng trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, là huyết mạch giao thông chạy dọc theo chiều dài đất nước. Để ngăn chặn tình trạng xe quá tải trên tuyến đường này, UBND tỉnh Hòa Bình đã nghiên cứu và bố trí lắp đặt trạm cân tải trọng xe TC38 tại khu vực huyện Lương Sơn bởi đây là tuyến đường “nóng” về tình trạng xe quá khổ hoạt động. Tuy nhiên, đã có chuyện xảy ra như vào chiều ngày 7/6, Trạm cân xe này đã bất ngờ bị 4 đối tượng đi mô tô che kín biển kiểm soát ném 4 túi nilon đựng chất bẩn hôi thối, khiến khu vực làm việc và các thành viên Tổ công tác dính chất bẩn, rồi bỏ chạy. Sự việc đã làm gián đoạn hoạt động, gây ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, thanh tra viên, nhân viên làm việc tại Trạm KTTTX và Sở GTVT Hòa Bình đã đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Lương Sơn điều tra, xác minh danh tính nhóm đối tượng có hành vi trên. Những khó khăn cho lực lượng thực hiện kiểm tra tải trọng, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường của các phương tiện khi tham gia giao thông nêu trên dẫn đến tình trạng rất nhiều phương tiện có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải “vô tư” chạy qua trạm cân xe.
Qua quan sát của phóng viên Tri thức Xanh thì tình trạng xe có dấu hiệu quá tải và cơi nới thành thùng, không che chắn, phủ bạt không đúng theo như quy định, làm rơi vãi trên đoạn đường này đã gây bức xúc cho người dân sinh sống trên địa bàn và người những người cùng tham gia giao thông. Tình trạng trên đã kéo dài, các phương tiện vận tải có dấu hiệu quá khổ, quá tải khi chạy qua trạm cân thường phóng nhanh vượt ẩu để tránh lực lượng chức năng nên gây ra tình trạng lấn làn, vượt ẩu, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Phóng viên đã tiếp xúc và trao đổi với anh Lê Văn C và một số người dân nơi đây thì được biết hàng ngày có rất nhiều lượt xe cơi nới thành thùng chở vật liệu xây dựng, hàng hóa không phủ bạt đúng theo quy định chạy qua trạm cân, họ tìm mọi cách để trốn tránh trạm, mặc dù có lực lượng TTGT làm việc và cho dù đã có tín hiệu dừng xe để kiểm tra theo quy định. Bám theo những chiếc xe bất chấp hiệu lệnh của trạm cân xe đến địa bàn huyện Mỹ Đức (Hà Nội) thì những xe này dừng lại một điểm, để nắm bắt rõ hơn về việc trốn trạm cân, trong vai một chủ hàng làm vận tải ở miền Trung tiếp cận với một lái xe. Anh cho biết: “Tôi là Trịnh Văn H, quê ở Thanh Hóa đã lái xe được ba năm và hàng ngày vẫn phải chạy xe chở hàng vật liệu quá khổ, quá tải trọng cho phép trên đoạn đường này và ở khu vực giáp ranh giữa Hà Nội và Hòa Bình có hàng trăm phương tiện chạy từ các mỏ đá và bãi tập kết”. Để tìm hiểu thêm, phóng viên quay lại về phía Xuân Mai quan sát, quả nhiên thấy rất nhiều xe có dấu hiệu cơi nới chở hàng vượt chiều cao. Điều bất thường ở đây là không thấy có lực lượng TTGT hay CSGT xử lý (?). Quay lại Trạm cân xe, thấy lực lượng TTGT đang yêu cầu dừng những phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm thì một số phương tiện đã quay đầu, số còn lại che BKS và cho xe chạy với tốc độ cao để vượt qua trạm. Trao đổi với phóng viên ông Dương Khánh Vũ - Cán bộ tại Trạm cho biết: “Để bắt được một xe anh em ở Trạm phải đứng chặn hai đầu mới có thể bắt được”. Phải chăng các chủ phương tiện xem nhẹ các quy định và xem thường kỷ cương pháp luật?.
Thiết nghĩ: Trong công cuộc phát triển kinh tế, lĩnh vực giao thông là định hướng mang tính chiến lược, cần có sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng. Với tư duy đúng, lộ trình phù hợp và những giải pháp sáng tạo, phát triển giao thông, đặc biệt là công tác đảm bảo TTAT giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông sẽ đóng góp một phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia…
Nghĩa Huy và Nhóm PVCĐ
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 18 - 20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)