TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 26/04/2024

Cần thay đổi công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng

17:19 07/05/2020
Logo header Từ nhiều năm trở lại đây, các quyết định, chỉ thị của Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu không nung, tiến tới dừng hoàn toàn các lò gạch thủ công đã và đang dần phát huy hiệu quả. Công nghệ sản xuất gạch cải tiến hiện đại đang dần chứng minh được tác dụng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo môi trường, bảo về nguồn tài nguyên hiện hữu cho từng địa phương. Bên cạnh đó việc đảm bảo sinh kế cho nhiều công nhân cũng dần được ổn định hơn.

Một lò gạch theo công nghệ lò vòng Hoffman tại xã Hồng Sơn, Huyện Mỹ Đức.

Công nghệ lạc hậu, nguy cơ hiện hữu.

Sản xuất gạch thủ công đã gắn liền với cuộc sống nhiều vùng miền trên cả nước từ xưa tới nay, đem lại công ăn việc làm cho người lao động tại nhiều vùng quê. Tuy nhiên do việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của nhiều người, hiệu quả kinh tế thấp so với viêc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nên các năm trở lại đây nhiều chủ trương, chính sách phát triển xã hội gắn liền với chủ trương phát triển kinh tế đất nước ta đã khuyến khích các chủ lò gạch thủ công chuyển hướng phát triển, tập trung thay đổi các công nghệ mới vào sản xuất gạch trên địa bàn.
Tuy nhiên, do nhiều chủ lò gạch còn ngần ngại trong việc bỏ ra một số tiền lớn để thay đổi công nghệ, cùng với đó là sự yếu kém trong công tác quản lý của một bộ phận cán bộ địa phương dẫn đến việc nhiều xã, huyện trong cả nước vẫn còn tồn tại các lò gạch thủ công, lò vòng công nghệ Hoffman…gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống của nhiều người.

Theo tìm hiểu của phóng viên lò vòng Hoffman do ông Friedrich Hoffman người Đức chế tạo từ năm 1858, lò vòng Hoffman được nhiều chủ lò tại nước ta chọn để thay thế công nghệ lò đốt thủ công đã có mặt cả trăm năm về trước. Tuy vậy một công nghệ được sáng chế sau gần 2 thế kỷ, đến nay công nghệ này cũng đã quá lạc hậu. Việc vẫn tiếp tục sử dụng công nghệ “lạc hậu” của thế kỷ trước đã gây ra không ít hệ lụy: Môi trường sống của nhiều sinh vật sống, hoa màu của người dân bị ảnh hưởng nặng nề do khói bụi, khí thải phát sinh từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Tài nguyên đất của nhiều địa phương cũng theo sự phát triển của lò gạch thủ công mà cạn kiệt. Theo sự phát triểu của các lò gạch, nhiều thùng vũng được tạo ra qua quá trình khai thác đất tự nhiên làm nguyên liệu sản xuất gạch, nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng tiêu biểu như vụ việc sạt lở đường dân sinh tại 3 ấp thuộc thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản tại Bình Phước vào cuối năm qua mà nguyên nhân ban đầu được cho biết là do việc khai thác đất trái phép của nhiều chủ lò gạch tại đây. Bên cạch đó cuộc sống của nhiều người dân xung quanh các lò gạch cũng bị đảo lộn, khói bụi từ các lò gạch ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Sản phẩm gạch nung đang dần được thay thế bởi gạch không nung.

Vật liệu thân thiện môi trường xu thế của tương lai

Nhận thức được tác động từ việc sản xuất gạch của các lò gạch thủ công, sử dụng công nghệ lỗi thời, lạc hậu nhiều chính sách hỗ trợ phát triển của chính phủ được kịp thời ban hành đã giúp nhiều tổ chức, nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất gạch từ lò vòng thủ công sang lò gạch Tuynel, gạch không nung. Bên cạnh đó nhiều dự án nghiên cứu phát triển, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường sẽ được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu đầu tư của Nhà nước.

Cụ thể, Nghị định 24a/2016/NĐ-CP về Quản lý vật liệu xây dựng do Chính phủ ban hành ngày 5/4/2016 đã nêu rõ về các trường hợp được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước tại Điều 38: “1. Dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển vật liệu xây dựng Tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, Tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. 2. Các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất vật liệu xây không nung đảm bảo quy mô công suất: a) Dự án sản xuất vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000 kg/m3) có công suất cho một dây chuyền từ 50.000 m3/năm trở lên; Dự án sản xuất gạch bê tông (gạch xi măng - cốt liệu) có công suất cho một dây chuyền từ 10 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên. 3. Các dự án đầu tư xử lý, sử dụng phế thải của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón hóa chất, nhà máy luyện kim để làm vật liệu xây dựng đảm bảo quy mô công suất: a) Dự án xử lý, sử dụng tro, xỉ có công suất từ 100.000 tấn/năm trở lên; b) Dự án xử lý, sử dụng thạch cao có công suất từ 50.000 tấn/năm trở lên. 4. Dự án đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt khí thải trong sản xuất xi măng để phát điện. 5. Dự án đầu tư xử lý, sử dụng rác thải sinh hoạt để làm nhiên liệu trong sản xuất vật liệu xây dựng có công suất từ 200 tấn/ngày trở lên. 6. Dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng khác có tính năng Tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, Tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường vượt trội so với chủng loại vật liệu xây dựng cùng loại; Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các dự án được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu đầu tư tại Khoản này”.

Sản phẩm từ tự nhiên được áp dụng trong việc xây dựng các công trình.

Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, nhiều tổ chức, cá nhân đã thay đổi tư duy  mạnh dạn góp vốn, đầu tư công nghệ sản xuất gạch từ lò gạch sử dụng nhiên liệu đốt hóa thạch, lò vòng Hoffman sang việc sản xuất gạch Tuynel. Việc sử dụng gạch Tuynel tại nhiều công trình, nhà ở dân sinh đang được nhiều người ưa chuộng vì khả năng chịu nhiệt lớn, màu gạch bắt mắt. Tuy vậy, quá trình sản xuất gạch Tuynel vẫn phải trải qua 1 quá trình đốt nóng với nhiệt độ cao lên tới 1000 độ C, không chỉ vậy gạch Tuynel khi sản xuất vẫn cần sử dụng tài nguyên đất dẫn đến việc nhiều nơi vẫn cần khai thác đất sét để làm nguyên liệu sản xuất gạch làm hao hụt tài nguyên đất tại nhiều địa phương.

Hiện nay bên cạnh những sản phẩm gạch Tuynel, gạch không nung cũng là một sản phẩm được nhiều người lựa chọn làm vật liệu xây dựng. Các nguyên vật liệu để sản xuất nên gạch không nung khá đa dạng và phong phú, nó đều có sẵn ở trong nước như mạt đá, cát vàng, xi măng… từ đó tạo ra các sản phẩm gạch block, gạch bông, gạch men khá đa dạng. Ưu điểm vượt trội hơn gạch nung do không cần qua quá trình đốt nóng sử dụng nguyên liệu hóa thạch nhưng nguyên liệu để sản xuất gạch buộc phải sử dụng nguyên liệu khó có thể phục hồi trong tự nhiên dẫn đến việc khai thác làm thay đổi bề mặt địa hình. Do đó vẫn có nhiều người đặt ra nghi vấn: Liệu gạch gạch không nung đã là vật liệu xây dựng tối ưu nhất hiện nay chưa?

Trong các năm vừa qua với sự phát triển của công nghệ, cùng với nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra nhiều kiến trúc sư (KTS) trong và ngoài nước đã lỗ lực tìm kiếm cho ra những vật liệu xây dựng hoàn toàn mới, có sẵn trong tự nhiên, đảm bảo tiêu chí thân thiện môi trường. Từ đó nhiều công trình xanh của các KTS Việt Nam đã và đang vang tầm thế giới tiêu biểu như KTS.Võ Trọng Nghĩa với nhiều công trình sử dụng tre là vật liệu xây dựng chính như Sơn La Dome, nhà hàng Bamboo Wing…, hay ngay trên thế giới nhiều công trình công cộng cũng được xây dựng từ các vật liệu tái chế như công viên tái chế tại Rotterdam, Căn nhà siêu bền từ rác tái chế tại Taos, Chùa Wat Pa Maha Chedi Kaew.... Phải chăng việc sử dụng những vật liệu xuất phát từ thực vật hoặc những sản phẩm tái chế, những vật liệu thân thiện với môi trường có khả năng phục hồi tốt trong tự nhiên đang là một xu thế cho việc lựa chọn vật liệu xây dựng trong tương lai. Những lựa chọn của chúng ta hiện nay đang hướng con người tới một cuộc sống xanh, trong một ngôi nhà xanh, giúp ta hòa nhập hơn với thiên nhiên, có một cuộc sống lành mạnh hơn.

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 09 - 20

Bình luận: 0