TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 22/11/2024

Chủ động nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra

23:35 29/10/2020
Logo header Trong những ngày qua, quân và dân cả nước đang hướng về miền Trung thân yêu, nơi đang hứng chịu những hậu quả nặng nề từ thiên tai. Chỉ chưa đầy một tháng mà đã có 03 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của đồng bào các tỉnh từ Nghệ An vào đến Quảng Ngãi, dự báo cơn bão mang tên Molave được đánh giá là rất mạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến miền đất này.

Công tác khắc phục hậu quả do thiên tai trong thời gian qua còn đang bộn bề dang dở thì người dân miền Trung lại phải chuẩn bị đón cơn bão mới

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính từ giữa tháng 9 đến nay, 08 tỉnh, thành phố miền Trung (từ Nghệ An đến Quảng Ngãi) đã liên tiếp chịu ảnh hưởng của 8 loại hình thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất) do 3 cơn bão và 2 ATNĐ, kết hợp với các hình thế thời tiết cực đoan khác, đã gây 2 đợt mưa lớn kéo dài (có nơi lượng mưa hơn 400mm/đợt). Lũ lớn xuất hiện trên 14 tuyến sông chính, trong đó có 4 tuyến sông, lũ đã vượt mức lịch sử. Các khu vực miền núi nhiều nơi đã bị sạt lở đất nghiêm trọng. Đây là một trong những ngày tháng khó khăn nhất của người dân từ ngoài Biển Đông đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi trong thời gian dài ở các tỉnh miền Trung khi bão chồng bão, mưa lũ tiếp nối mưa lũ.

Chỉ tính riêng cơn bão số 7, mưa lớn liên tục trong nhiều ngày đã khiến lưu lượng nước đổ về tạo áp lực lớn tới các hồ chứa. Đặc biệt, tại hồ Kẻ Gỗ, mực nước đã có lúc lên tới trên 33,13m và Ban chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã phải tính đến phương án xấu nhất là phải chủ động phá tràn, tránh vỡ đập chính. Cũng thật đáng buồn, chỉ trong chưa tới 20 ngày (6/10 - 25/10) thiên tai đã làm 130 người chết, 18 người mất tích, cùng với đó là thiệt hại không kể xiết về tài sản của nhân dân. Mưa lũ cùng sạt lở đã làm 885 nhà bị hư hỏng và 326 nhà bị ngập, hơn 1.400 ha lúa, gần 8000 ha hoa màu bị ngập, hư hại và đàn gia súc, gia cầm bị thiệt hại nặng nề. Hệ thống giao thông vận tải nhiều nơi bị ngưng trệ do hư hỏng vì xói trôi và sạt lở. Trước những khó khăn to lớn mà đồng bào miền Trung đang hứng chịu, đặc biệt là gia đình những người bị nạn và cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thiện nguyện, những nhà hảo tâm đang có nhiều hành động thực tiễn để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ. Trong thời gian vừa qua, Nhà nước đã xuất gạo từ lượng dự trữ gạo quốc gia để hỗ trợ cho 5 tỉnh thiệt hại nặng do bão gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo. Đồng thời, đề nghị trước mắt hỗ trợ các tỉnh này mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để sửa chữa nhà ở, khắc phục cơ sở hạ tầng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, phát huy truyền thống đoàn kết “tương thân tương ái” với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “thương người như thể thương thân” cả nước đã một lòng hướng về khúc ruột miền Trung thân yêu, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, cá nhân ở khắp nơi đã thể hiện tình cảm của mình đối với miền Trung thân yêu với số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng cùng với ngàn tấn hàng cứu trợ đã phần nào làm ấm lòng những người dân đang gặp khó khăn nơi đây. Việc cứu hộ cứu nạn tại vùng rốn lũ cũng được đặc biệt chú trọng, các lực lượng xung kích như quân đội, công an,... đã trực chiến ngày đêm ở những trọng điểm nguy hiểm nhất để kịp thời ứng cứu cho người dân. Đồng thời, lường được sự khó khăn trong liên lạc, vào ngày 19/10, được sự thống nhất của lãnh đạo 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Tổng đài 1900 1075 của Trung tâm Điều hành dịch vụ Đô thị thông minh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp nhận và chuyển tải thêm các đề nghị hỗ trợ ứng phó bão lũ của nhân dân các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình. Theo đó, người dân thuộc địa bàn 3 tỉnh khi cần hỗ trợ ứng phó với bão lũ có thể liên hệ theo số điện thoại 1900 1075 từ đó sẽ được tỉnh Thừa Thiên Huế kết nối thông tin đến các đơn vị để giúp đỡ. 

Đến nay, mặc dù những ảnh hưởng của cơn số 8 còn chưa dứt thì, thông tin về cơn bão số 9 (tên quốc tế là Molave) được dự báo có mức độ rủi ro thiên tai cấp 4 đã xuất hiện trên biển Đông, nhiều khả năng đạt cường độ khá cao khi vào đất liền, tiếp tục gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven bờ miền Trung. Vào lúc 13 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão Molave chỉ cách đảo Song Tử Tây khoảng 550km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115 - 135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, cơn bão sẽ đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Đến 13 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão sẽ nằm đất liền khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên. Theo dự báo, từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200 -400mm/đợt, Bắc Tây Nguyên 100 - 200mm/đợt. Các ngày từ 28 - 31/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Nghệ An có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200 - 400mm/đợt, riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến 500 - 700mm/đợt. Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của cơn bão này, ngay trong sáng 26/10, cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp chỉ đạo các địa phương ứng phó với bão. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, các địa phương cần bám chủ trương của Chính phủ, không được để nhân dân chịu cảnh màn trời chiếu đất, đói rét. Kịp thời cung cấp cứu nạn cứu hộ, hỗ trợ cho 5 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của các cơn bão trước. Không được mất cảnh giác, chủ động phòng chống tốt nhất, để bão vào cũng đỡ thiệt hại cho nhân dân. Theo dự báo bão số 9 sẽ gây ra gió mạnh sẽ kéo dài từ ngày 27 - 28, nhất là chiều 28/10 nên các địa phương cũng cần tập trung đảm bảo an toàn cho người cả trên bờ, trên tàu và trên lồng bè. Áp dụng tốt phương châm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Kêu gọi tàu bè, di dời dân, đưa ngư dân lên bờ, đưa người trên lồng bè lên bờ. Đồng thời, sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý nghiêm nếu chủ lồng bè không cho ngư dân lên bờ. Thủ tướng đã yêu cầu, sau bão, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cần hỗ trợ nhân dân và cứu giúp người dân sau bão không để người dân bị đe dọa tính mạng. Ngành điện cần đảm bảo năng lượng, nhất là hệ thống điện cao áp, giao thông cần đảm bảo thông suốt. Cùng ngày 26/10, Thủ tướng Chính phủ cũng lập tức có Công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan triển khai ứng phó khẩn cấp với Bão số 9. Qua đó, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo để chủ động ứng phó với bão, hạn chế thiệt hại.

Trong thời gian Bão số 9 đổ bộ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi khu vực Trung Bộ có nguy cơ xảy ra từ cao đến rất cao, do vậy, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến cụ thể của cơn bão rất mạnh này để chủ động phòng tránh. Nhiều khu vực, mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng do hoàn lưu bão lớn, nhất là các khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định vẫn cần đề phòng nước dâng do bão. Do ảnh hưởng của hiện tượng LaNina, dự báo từ tháng 10 đến hết năm 2020, có từ 5 - 7 cơn bão sẽ ảnh hưởng tới nước ta. Trong đó có khoảng 3 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Điều này càng chứng tỏ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, do đó, việc dự báo thời tiết cho từng vùng, từng khu vực cụ thể của nước ta cần được quan tâm hơn nữa và công tác tăng cường nhận thức của cộng đồng, người dân về trách nhiệm và tác động của biến đổi khí hậu là quan trọng nhất để có thể giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra trong tương lai. 

Xuân Linh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 34 - 20

 
 
Bình luận: 0