TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 22/11/2024

Chủ động thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại ĐBSCL trong mùa khô 2020-2021

14:50 24/09/2020
Logo header Từ đầu mùa lũ năm 2020 đến nay, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông thiếu hụt từ 30 đến 40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy sông Mê Kông ở mức rất thấp; Biển Hồ (Campuchia) - nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng mùa khô hiện mới trữ được gần 9 tỷ m3 nước, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 23 tỷ m3 nước, thấp hơn năm 2015 khoảng 8 tỷ mét khối và thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỷ mét khối nước. Để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021, Đồng bằng sông Cửu Long cần triển khai nhiều biện pháp cấp bách ngay từ bây giờ.

Vào mùa khô năm 2019 - 2020 khu vực Hạ lưu vực sông Mê Kông (gồm lãnh thổ của Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên có rất ít mưa, với tổng lượng mưa mùa khô giảm khoảng 30% so với tổng lượng mưa trung bình nhiều năm trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam giảm tới 65%. Nguồn  nước mùa khô năm 2019 - 2020 về vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn nhiều so với những năm trước đó do nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt. Trong khi đó, mực nước thủy triều luôn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Sự cộng hưởng của 2 yếu tố trên đã là nguyên nhân làm xâm nhập mặn xuất hiện sớm vào các nhánh sông Cửu Long và duy trì ở mức rất cao. Mùa khô 2019 - 2020 được coi là mùa khô bị xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử ghi nhận được ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hạn mặn đã khiến nhiều diện tích lúa, cây ăn trái, canh tác thủy sản, rau màu bị thiệt hại, cả hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân đều chịu tác động tiêu cực. Theo ghi nhận tại Chợ Cái Lách là huyện nằm xa biển nhất của tỉnh Bến Tre nhưng độ mặn đo được tại nhiều tuyến sông và kênh rạch trên địa bàn trong đợt hạn mặn năm nay đã đạt mức rất cao, từ 4 đến 6 phần nghìn. Trong khi đó tại các khu vực khác của tỉnh Bến Tre như cù lao Tiên Lợi, xã Tiên Long thuộc huyện Châu Thành thì xâm nhập mặn đã ở mức 7 đến 10 phần nghìn. Tại tỉnh Hậu Giang, độ mặn tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Long Mỹ và TP. Vị Thanh từ cuối tháng 12/2019 cũng được ghi nhận có nơi đã lên đến hơn 18 phần nghìn. Hạn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Bến Tre, ước tính khoảng 5.200 ha lúa tại hai huyện Ba Tri và Giồng Trôm có khả năng mất trắng do không có nước tưới; ngoài ra ước tính còn khoảng 20 nghìn ha cây ăn trái, hơn 72 nghìn ha dừa, gần 1.500 ha rau màu, hơn 100 nghìn cây giống, hoa cảnh cũng có nguy cơ chịu ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn gây cản trở quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, gây xáo trộn và mất cân bằng trong quá trình hấp thu nước và các chất dinh dưỡng cho cây. Không những vậy, nước mặn còn phá huỷ cấu trúc đất, khiến đất bị nén chặt, giảm khả năng phát triển của rễ cây, giảm khả năng thẩm thấu và thoát nước trong đất, gây thiếu khí cho sự phát triển của bộ rễ. Sử dụng nước nhiễm mặn để tưới cho cây trồng do đó không chỉ ảnh hưởng xấu tới đất, mà còn khiến cây bị sốc mặn, gây rụng lá, hoa, trái hàng loạt, và có thể dẫn đến chết cây.

Theo nhận định của các cơ quan nghiên cứu khoa học và cơ quan khí tượng thủy văn trong nước và thế giới, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông trong những tháng cuối năm 2020 có khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy điện thượng nguồn hiện đang ở mức thấp, các hồ thủy điện sẽ tăng cường tích nước, cùng với sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước của các nước thượng nguồn sông Mê Kông nên tổng lượng dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô 2020 - 2021 có khả năng thiếu hụt từ 20 đến 35% so với trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, theo nhận định của các chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu về nhiệt độ và độ mặn của đại đương để mô phỏng trên máy tính các mô hình tan băng ở Greenland và Nam Cực. Tình trạng băng “bốc hơi” ở Nam Cực sẽ khiến mực nước biển tăng thêm 30cm và tình trạng tan băng tại Greenland “đóng góp” thêm 9 cm. Mực nước biển tăng như vậy sẽ có tác động “hủy diệt” trên toàn thế giới khi làm gia tăng sức tàn phá của tình trạng nước dâng do bão và khiến các vùng duyên hải, vốn là nơi sinh sống của hàng trăm triệu người, liên tục chìm trong những trận lũ lụt nghiêm trọng. Tình trạng này đang ngày một ảnh hưởng nghiêm trọng tới ĐBSCL đặc biệt hơn khi tai đây đang bước vào mùa khô 2020 - 2021.

Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, trước hết là trong các tháng mùa khô năm 2020 - 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 36/CT-TTg ngày 11/9/2020 về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2020 - 2021 với các kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bao gồm cả các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra các năm 2015 - 2016, 2019 - 2020. Cần xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt. Tập trung rà soát, khoanh vùng cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn; tính toán, cân đối nguồn nước tưới cần thiết trong toàn bộ thời gian ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chủ động tích trữ nước ngọt, bảo đảm đủ cung cấp cho nhu cầu tối thiểu, tránh ảnh hưởng đến cây trồng. Thực hiện bố trí cơ cấu mùa, vụ gieo trồng phù hợp, bảo đảm xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2020 - 2021 ở các vùng ven biển nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, nhóm giống chịu mặn, phèn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt để xây dựng giải pháp và bản đồ trực tuyến cảnh báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt phù hợp với từng vùng để phục vụ xây dựng kế hoạch cấp nước, hạn chế thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra. Bên cạnh đó, cũng cần chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các khu vực không chủ động về nguồn nước, thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là ở các vùng thường xuyên có nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng vượt quá khả năng xử lý của địa phương thì cần rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại các địa phương, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định. 

Năm 2020, được dự báo tiếp tục là năm ít nước, dòng chảy lũ về Đồng bằng sông Cửu Long nhỏ, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô năm 2020 - 2021, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng. Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng, sự gia tăng khai thác nguồn nước ở các nước thượng nguồn hệ thống sông quốc tế và gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho phát triển nội tại sẽ làm tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn. Do vậy, việc thực hiện những biện pháp cấp bách trong phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo cung ứng đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất sẽ giúp ổn định xã hội cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội của toàn vùng ngày một phát triển hơn.

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 29 - 20

 
Bình luận: 0