Chung tay hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục lũ lụt, ổn định cuộc sống
Tại Quảng Trị lượng mưa đặc biệt lớn làm xảy ra ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, bao gồm 71 xã. Lũ trên các sông Thạch Hãn, Bến Hải, Ô Lâu... lên nhanh, ở mức trên báo động 2, có nơi trên báo động 3; riêng sông Hiếu (đo tại Trạm thủy văn Đông Hà) vượt đỉnh lũ lịch sử 1983 là 0,11 mét. Tại khu vực cửa biển Cửa Việt có nhiều tàu bị sóng lớn đánh chìm hoặc mắc cạn, trôi dạt. Đã có 3 tàu biển chìm trên biển, gồm tàu Vietship TK12, tàu Thanh Thành Đạt 55, tàu Vietship 09 và 2 tàu mắc cạn là tàu Hoàng Tuấn 26, tàu Vietship 01. Công tác cứu hộ các tàu này đang tiếp tục được triển khai… Tại Thừa Thiên Huế, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua khiến nhiều khu vực, nhiều tuyến đường bị ngập lụt nặng. Một số tuyến đường ngập sâu như đường Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Chí Thanh, Nhật Lệ, Hàn Thuyên. QL49B đoạn qua huyện Phong Điền bị ngập, chia cắt nhiều đoạn. Các thôn Tam Lanh xã Lâm Đớt và Thôn A Hưa, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới bị ngập nước, cô lập… Tại Thành phố Đà Nẵng, mưa lũ đã gây ngập 8/11 xã của huyện Hòa Vang, trong đó, tại xã Hòa Liên, xã Hòa Bắc, nhiều khu vực nước dâng cao, cô lập người dân, với hơn 42,4 ha hoa màu bị ngập úng. Nhiều điểm trên đường ĐT 601, đường ADB5 bị sạt lở nặng. Còn tại Hà Tĩnh, mưa lớn cùng với việc Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ đã làm 4 xã trên địa bàn huyện Hương Khê là Hương Thủy, Hương Giang, Lộc Yên và Điền Mỹ bị chia cắt, cô lập. Tuyến QL15A (đoạn qua xã Phúc Trạch, H.Hương Khê) và tỉnh lộ 553 (đoạn qua xã Lộc Yên, H.Hương Khê) bị ngập sâu từ 0,5 - 1m khiến giao thông qua khu vực này tê liệt hoàn toàn. Ngoài ra, mưa lớn còn khiến nhiều đoạn trên các tuyến đường khác bị sạt lở nghiêm trọng…
Lũ lụt đã gây ra những tổn thất vô cùng to lớn. Bên cạnh những tổn thất về tính mạng người dân, về nông nghiệp, có 772 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (Quảng Trị 538 ha; Thừa Thiên Huế 225 ha); 32.500 gia cầm bị chết, cuốn trôi (Quảng Trị). Về giao thông, có khoảng 30 khu vực bị sạt lở, ách tắc; một cầu tại Quảng Trị bị hỏng, 100m đường bị sạt lở. Có 9 km bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở. Hàng chục ngàn nhà dân và các công trình công cộng chìm trong nước. Giao thông bị gián đoạn, các trường học phải đóng cửa, đời sống, sinh hoạt bị đảo lộn. Hiện tình hình lũ lụt các tỉnh miền Trung vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.
Tích cực phòng chống lụt, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng các đơn vị chức năng các địa phương đã kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó; tổ chức di dời các dân sống trong vùng nguy hiểm mưa lụt đến nơi an toàn và hiện vẫn đang tiếp tục khảo sát, kiểm tra các khu vực nguy hiểm có khả năng xảy ra lũ quét, lụt cục bộ, ngập sâu để tiếp tục triển khai lực lượng di dời người dân, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Đối với các tuyến đường bị ngập lụt, lực lượng CSGT, TT tiến hành chốt chặn, dọn dẹp các cây bị ngã, đổ, tuần tra kiểm soát nhắc nhở người dân đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Tuần tra trên sông, nhắc nhở tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn. Các trường học tiếp tục cho học sinh nghỉ học tránh lũ, tổ chức dọn vệ sinh trường, lớp, khắc phục hậu quả để chuẩn bị cho học sinh đi học lại. Đồng thời theo dõi, nắm bắt tình hình gia đình giáo viên, người lao động, học sinh, học viên, sinh viên bị thiệt hại do mưa lũ gây ra để có biện pháp hỗ trợ…
Với sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị tại địa phương, đồng bào các vùng bị lũ lụt đã nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn do lũ lụt gây ra, cố gắng vươn lên, ổn định đời sống, sinh hoạt, phục hồi sản xuất, song do phải gánh chịu nhiều thiệt hại từ những hậu quả nặng nề của lũ lụt, đồng thời hiện tại, tình hình lũ lụt của miền Trung vẫn còn diễn biến phức tạp, nên đồng bào vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Vừa phải khắc phục hậu quả, vừa phải ra sức tiếp tục chống chọi với lũ, nên khó khăn càng chồng chất thêm...
Người Việt Nam chúng ta luôn có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, có truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”… hơn lúc nào hết, đồng bào miền Trung thân yêu đang rất cần những sự chung tay giúp sức của đồng bào cả nước, của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, doanh nhân, bà con kiều bào, bạn đọc gần xa. Sự chung tay góp sức quý báu đó chính là những nghĩa cử đáng trân trọng, góp phần động viên, chia sẻ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho đồng bào miền Trung thân yêu có thêm sức mạnh, động lực để khắc phục khó khăn, cố gắng vươn lên, tiếp tục phục hồi sản xuất và ổn định cuộc sống trong thời gian tới.
Đào Nguyên Lan
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 32 - 20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)