Công ty Cổ phần phát triển đô thị Vĩnh Thái có khai thác khoáng sản trái phép dưới vỏ bọc Dự án nạo vét hay không?
Không chỉ thiếu công khai và minh bạch mà có vẻ như ông Đào Công Thiên (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016 - 2021, đã bị Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tại Quyết định số 1807/QĐ-TTg) đã ký Quyết định về việc phê duyệt phương án nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ (QĐ số 172/QĐ-UBND ngày 16/01/2019) cũng là không phù hợp quy định pháp luật; bởi lẽ Khu neo đậu tránh trú bão Sông Tắc kết hợp cảng cá Hòn Rớ (gọi tắt là Dự án Sông Tắc - Hòn Rớ) là một Dự án lớn có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ thông qua và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý. Trong nhiều lần trao đổi với cán bộ của Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, được biết Dự án Sông Tắc - Hòn Rớ hiện nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục pháp lý; toàn bộ dự án sẽ do Bộ NN&PTNT chủ trì như cấp Quyết định chủ trương đầu tư dự án; cấp Quyết định đầu tư dự án; còn Sở NN&PTNT là đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư. Dự án có mức tổng đầu tư là: 265.093.723.000 (Hai trăm sáu mươi lăm tỷ, không trăm chín mươi ba triệu, bảy trăm hai mươi ba nghìn đồng); Dự kiến tiến độ triển khai thực hiện từ năm 2021 - 2024. Vừa qua, ngày 26/4/2021, Sở NN&PTNT mới có Tờ trình số 1184/TTr-SNN gửi Vụ Kế hoạch - Bộ NN&PTNT để đề nghị xem xét, thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, trình Bộ phê duyệt chủ trương đầu tư. Như vậy, với một dự án đầu tư mà thẩm quyền quyết định từ chủ trương đến đầu tư là của Bộ mà nguyên lãnh đạo tỉnh lại “ký đại” cho doanh nghiệp làm bừa thì chỉ có thể là “quá ưu ái” cho doanh nghiệp hoặc không thì cũng phát sinh “lợi ích nhóm” ở đây?
Trong buổi trao đổi ngắn với ông Lê Hải Dũng - Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa về Dự án nạo vét khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ, phóng viên có đưa ra câu hỏi: “Trung tâm do ông Dũng điều hành và quản lý sẽ thu được gì khi thực hiện theo Quyết định số 172/QĐ-UBND? Kinh phí ở đâu để thực hiện việc này?”, thì ông Dũng cho biết: “Tất cả là do Công ty Vĩnh Thái tự thực hiện hết. Công ty này tự lo mọi thủ tục giấy tờ, tự bỏ tiền đầu tư khai thác khoáng sản khi nạo vét”. Vậy thì Trung tâm do ông Dũng quản lý chỉ là bức bình phong cho Công ty Vĩnh Thái trục lợi tài nguyên thôi hay sao? Khi mà các câu hỏi liên quan đến Dự án nạo vét nêu trên, ông Dũng đều nói rằng không biết và tất cả do Công ty Vĩnh Thái triển khai làm (?). Chiểu theo các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, đối chiều Nghị định 159/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 28/11/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2019 thì công tác nạo vét vùng nước đường thủy nội địa quốc gia kết hợp thu hồi sản phẩm (dự án xã hội hóa đầu tư) được thực hiện theo trình tự: Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lập và công bố danh mục khu vực nạo vét; trên cơ sở đó UBND cấp tỉnh lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng dự án, triển khai thực hiện dự án và bàn giao dự án theo quy định tại Nghị định. Đối với các dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa địa phương, UBND cấp tỉnh thực hiện toàn bộ các khâu, từ lập danh mục đến hoàn thành dự án. Việc lập và công bố danh mục khu vực nạo vét được quy định tại Điều 26, 27 của Nghị định này. Tuy nhiên nếu đối chiếu các quy định nêu trên, cũng như tra cứu danh mục các khu vực nào vét của tỉnh Khánh Hòa thì không hề thấy có tên Phương án nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Vậy có nghĩa là Dự án này ngoài tờ Quyết định số 172/QĐ-UBND ra thì chả có thêm bất cứ căn cứ pháp lý nào để thực hiện.
Cũng trong buổi chia sẻ của ông Dũng và phóng viên, vị Giám đốc này luôn khẳng định rằng Dự án nạo vét chưa hề được triển khai thực hiện, Công ty Vĩnh Thái mới đang làm thủ tục giấy tờ. Vậy nhưng trên thực tế, việc khai thác cát dưới vỏ bọc Dự án nạo vét tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ đã được Công ty Vĩnh Thái thực hiện từ trong năm 2020. Sản phẩm là “cát” thu được trong quá trình nạo vét nêu trên được tập kết tạm trên 03 lô đất thuộc quyền quản lý và sử dụng của Công ty cổ phần Vinpeal, tuy nhiên, do số lượng quá lớn nên một phần sản lượng cát thu được đã vượt ra ngoài ranh giới đất do Vinpearl quản lý khiến cho những người dân sinh sống trong vùng đã gửi Đơn kiến nghị đến cấp có thẩm quyền xem xét và xử lý. Tại Văn bản trả lời công dân số 2443/STNMT-CCBVMT ngày 15/6/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với Sở Xây dựng, Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Nha Trang, UBND phường Vĩnh Nguyên và Ban quản lý Vịnh Nha Trang đã phối hợp kiểm tra thực tế tại khu vực có kiến nghị nêu trên, kết quả kiểm tra cho thấy đúng với kiến nghị của công dân. Vì thế, Sở này đã yêu cầu Công ty cổ phần Vinpeal phối hợp với Công ty Vĩnh Thái thực hiện các biện pháp để thu dọn khu vực tập kết sản phẩm nạo vét về đúng ranh giới; đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế bùn, sản phẩm nạo vét chảy tràn ra biển. Vậy mà đại diện đơn vị khai thác quản lý theo Quyết định số 172/QĐ-UBND (ông Lê Hải Dũng - Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa) lại không hay biết? Vậy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan ở đâu? Trách nhiệm của ông Dũng đối với cấp trên (UBND tỉnh) khi được giao nhiệm vụ mà không hoàn thành thì thế nào? Hay ông Dũng đang cố tình che dấu sự thật là Công ty Vĩnh Thái đang trục lợi tài nguyên trái phép?
Về phần Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, không biết do cố tình quên hay là các bộ phận chuyên môn không nắm rõ nội tình sự việc, mà mới đây Sở này đã ban hành văn bản nhằm hướng dẫn Công ty Vĩnh Thái làm thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo đề nghị của Công ty. Đây có được coi là một kiểu làm ăn “tiền trảm hậu tấu” của doanh nghiệp hay không? Thực hiện nạo vét, thu hồi khoáng sản thì từ đầu năm 2020 nhưng đến cuối năm 2020 mới nộp hồ sơ xin cấp giấy phép khoáng sản ở khu vực có dự án; và cho đến hiện tại thì vẫn chưa có giấy phép khai thác khoáng sản nào ở khu vực dự án nêu trên được cấp cho Công ty Vĩnh Thái. Không những vậy, Công ty Vĩnh Thái còn tiếp tục gửi văn bản đến UBND tỉnh để xin được kéo dài thời gian nạo vét của Quyết định số 172/QĐ-UBND, rồi tự cam kết rằng sẽ nộp các khoản thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vào ngân sách Nhà nước theo đúng quy định.
Thiết nghĩ: Đến giờ Giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực dự án chưa được cấp, trong khi tài nguyên khoáng sản đã được khai thác, tập kết đầy tràn các bãi tạm, thì UBND tỉnh Khánh Hòa cùng các cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ căn cứ vào đâu để tính tiền thuế, phí và các khoản tiền phải nộp khác cho Công ty Vĩnh Thái? Trong khi từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT đến chính Trung tâm được UBND tỉnh giao quản lý Dự án đều không biết Công ty Vĩnh Thái đã triển khai hút cát dưới vỏ bọc dự án nạo vét từ khi nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cấp có thẩm quyền làm rõ và thông tin tới bạn đọc trong những số ra tiếp theo.
Hiền Anh và Nhóm PVĐT
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 61 -21
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)