Đa dạng sinh học - Cơ sở cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững
ĐDSH được hiểu là bao gồm nhiều dạng và cá thể của các loài cùng với những biến dị di truyền của thế giới sinh vật, cũng như nhiều dạng của các cấp độ tổ chức sinh giới nhất là dưới dạng hệ sinh thái ở mọi môi trường trái đất, khái niệm này cũng bao gồm cả những mức độ biến đổi trong thế giới tự nhiên mà đơn vị cấu thành là những sinh vật. Với phạm vi rộng về độ vĩ và độ kinh (kéo dài gần 16 vĩ tuyến, và trải rộng trên 7 kinh tuyến), cùng mức độ phức tạp về địa hình, khí hậu ẩm nhiệt đới, cảnh quan không đồng nhất, Việt Nam được coi là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của vùng Đông Nam Á với nguồn tài nguyên sinh vật rất đa dạng và phong phú. Do phạm vi rộng về độ vĩ và độ kinh, mức độ phức tạp về địa hình, khí hậu ẩm nhiệt đới, cảnh quan không đồng nhất, cho nên Việt Nam có nguồn tài nguyên sinh vật rất đa dạng và phong phú. Đồng thời, nước ta cũng được coi là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của vùng Đông Nam Á. Trong sinh giới Việt Nam đến nay ghi nhận có khoảng 49.200 loài sinh vật đã được xác định với khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật, khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, khoảng 10.500 loài động vật trên cạn, khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt và có trên 11.000 loài sinh vật biển. Các kết quả nghiên cứu từ trước tới nay cho thấy có hàng trăm loài, giống sinh vật mới cho khoa học ở trên cạn, trong nước ngọt nội địa được tìm thấy và mô tả lần đầu ở nước ta, thể hiện mức độ đặc hữu khá cao của khu hệ sinh vật nội địa Việt Nam. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ năm 2006 đến 2011, có tới trên 100 loài sinh vật mới cho khoa học được phát hiện và mô tả đầu tiên ở nước ta. Đặc biệt trong đó, có 21 loài bò sát, 06 loài ếch và 01 loài chồn. Các nhà khoa học dự báo còn nhiều loài sinh vật hoang dã khác ở Việt Nam chưa được biết tới và số loài sinh vật đã biết như trên còn thấp hơn nhiều so với số loài thực có trong thiên nhiên. Dù vậy, sự gia tăng dân số nhanh chóng, tốc độ đô thị hóa và đặc biệt tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên thái quá đã dẫn tới sự suy giảm nguồn tài nguyên sinh vật và động vật hoang dã bị hủy hoại, một số loài đối diện với nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn. Cùng với đó là những tác động xấu từ những biến đổi về mặt thời tiết, các vấn đề ô nhiễm môi trường càng làm tăng nguy cơ thất thoát và mai một các nguồn gen quý giá.
Để bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm, góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ngày 31/7/2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1250/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học (ĐDSH) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược có các nhiệm vụ rất cụ thể để hướng tới nhiều mục tiêu rất cụ thể để bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng. Các loài, nguồn gen nguy cấp, quý hiếm được bảo tồn và sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong số các nhiệm vụ đó, nhiệm vụ bảo tồn các hệ thống hệ sinh thái tự, củng cố và hoàn thiện hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế. Nhiệm vụ ngăn chặn sự suy giảm các loài hoang dã bị đe dọa, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm được đặc biệt quan tâm, đặt ra trong Chiến lược. Đồng thời, Chiến lược có tầm nhìn đến năm 2030 với 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái được phục hồi. ĐDSH được bảo tồn và sử dụng bền vững mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chỉ sau 03 năm đầu thực hiện, mặc dù còn nhiều khó khăn, bất cập nhưng việc triển khai Chiến lược đã nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt đến tháng 6/2016 đã có 08 khu Ramsar (Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế), 09 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 02 khu di sản thiên nhiên thế giới và 05 Vườn di sản ASEAN đã được quốc tế công nhận. Đến nay, nhìn chung các nhiệm vụ của Chiến lược đã được triển khai ở nhiều cấp từ Trung ương đến địa phương trên tất cả các lĩnh vực như bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn các loài hoang dã và các giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý, hiếm. Việc sử dụng bền vững và thực hiện cơ chế chia sẻ hợp lý lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và ĐDSH cùng với việc kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến ĐDSH ngày càng được chú trọng. Nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 1250/QĐ-TTg và định hướng cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 5154/BTNTM-TCMT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Về việc đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Báo cáo đánh giá và tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 1250/QĐ-TTg với các nội dung chính như các thông tin chung về đa dạng sinh học của tỉnh/thành phố với các nội dung cần mô tả về hệ sinh thái (Khu bảo tồn, các hệ sinh thái quan trọng: rừng, biển, đất ngập nước); loài sinh vật; nguồn gen và vai trò, lợi ích. Các địa phương, đơn vị đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược trong giai đoạn 2013-2020 về mặt tổ chức thực hiện Chiến lược như công tác chỉ đạo điều hành và giám sát thực hiện, về nguồn lực tài chính và tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Đồng thời đánh giá các kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các công tác bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn các loài hoang dã và các giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý, hiếm,… Định hướng công tác, các giải pháp ưu tiên bảo tồn ĐDSH tại địa phương trong giai đoạn 2021 - 2030 về các chỉ tiêu bảo tồn, các lĩnh vực, nhiệm vụ trọng tâm dự kiến thực hiện.
Có thể thấy rằng, bảo tồn ĐDSH có được sự quan tâm đặc biệt của Việt Nam nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng khốc liệt. Sự ra đời của Luật Đa dạng sinh học là một bước tiến lớn giúp hệ thống hóa vấn đề bảo tồn ĐDSH cùng với đó là các chính sách của Đảng, Chính phủ về bảo tồn ĐDSH ngày càng cụ thể, thích hợp với từng giai đoạn, tình hình và địa phương cụ thể và không thể tách rời của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên ĐDSH, tạo cơ sở cho phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
Nhật Thăng
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 30 - 20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)