Đã yêu cầu dừng hoạt động, nhưng HTX Thịnh Kỳ vẫn “ngang nhiên” hoạt động?
Tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, những năm gần đây đã xuất hiện hàng chục trạm cân thu mua nguyên liệu gỗ và cơ sở sản xuất gỗ dăm chưa đủ điều kiện hoạt động mặc dù đã bị xử phạt, yêu cầu dừng hoạt động vẫn bất chấp các quy định pháp luật bủa vây các nhà máy sản xuất chân chính khiến cho một số nhà máy băm dăm gỗ tại đây điêu đứng.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết tại một số xã như Bắc Sơn, Châu Lý, Châu Thái, Châu Lộc, Yên Hợp huyện Quỳ Hợp hiện nay có nhiều trạm cân thu mua gỗ keo đang hoạt động. Các trạm thu mua nguyên liệu này mặc dù không được cấp phép hoạt động nhưng vẫn thu mua nguyên liệu một cách rầm rộ. Việc thu mua gỗ tại trạm thu mua nguyên liệu tự phát này đã khiến các nhà máy chế biến dăm gỗ trong khu vực gặp khó khăn do bị chặn mua hết nguyên liệu. Trong khi đó, để có thể ổn định sản xuất, một nhà máy chế biến gỗ ngoài số tiền cần đầu tư vào trang thiết bị, nhà xưởng,... đòi hỏi các chủ doanh nghiệp phải có sự đánh giá và tính toán kỹ nguồn nhiên liệu ở nơi đặt nhà máy, bởi lẽ đây là một trong những yếu tố quyết định đến sự sống còn của nhà máy. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu bởi các trạm thu mua tự phát luôn tranh giành bằng đủ mọi cách như, liên tục đẩy giá cao hơn, ép số tài xế chở thuê phải chở vào bán… dẫn đến nhiều nhà máy đủ điều kiện hoạt động sản xuất “đói” nhiên liệu hay còn gọi là thiếu tư liệu sản xuất nên phải giảm công suất xuống còn 40% đến 50% so với thiết kế. Điển hình như những tháng vừa qua các doanh nghiệp sản xuất gỗ trên địa bàn huyện do không có nguồn cung ứng nguyên liệu đều như trước để sản xuất nên bắt buộc phải cho nhiều công nhân nghỉ việc. Hầu hết nhà máy, dây chuyền sản xuất đều trong tình trạng hoạt động cầm chừng, không thể làm việc hết công suất. Những lý do trên là do hệ lụy của việc thu gom nguyên liệu gỗ, xây dựng trạm cân không phép này. Việc này không những chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà máy sản xuất dăm gỗ chân chính, mà còn ảnh hưởng chung đến vùng quy hoạch nguyên liệu trên địa bàn.., khi những trạm cân này hoạt động, vì chưa được phép đấu nối giao thông với đường Quốc lộ nên không có biển cảnh báo đường gom nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông… hơn nữa nhiều cơ sở sản xuất gỗ tự phát này còn trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Theo một số người dân tại đây phản ánh với phóng viên thì có cơ sở thu mua, sản xuất băm dăm gỗ không đủ điều kiện hoạt động đã bị các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý, tiêu biểu như cơ sở thu mua, sản xuất, chế biến gỗ dăm tại xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An của Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Thịnh Kỳ do ông Nguyễn Quang Kỳ làm chủ nhiệm HTX thì mặc dù đã bị cơ quan Thuế truy thu và được các cơ quan chức năng yêu cầu dừng hoạt động nhưng chỉ sau ít ngày, cơ sở thu mua, sản xuất, chế biến gỗ dăm này lại hoạt động trở lại (?)
Để có thông tin khách quan, ngày 09/10/2020 nhóm phóng viên Tri thức Xanh đã có buổi làm việc với ông Vi Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Châu Thái, tại đây ông Vĩnh cho biết: “Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Thịnh Kỳ đi vào hoạt động từ năm 2019, nhiệm vụ chủ yếu là cung cấp phân bón, cây con giống các loại... Trong thời gian trước hợp tác xã có xưởng đã đưa vào hoạt động thu mua, sản xuất dăm tuy nhiên khi nhận thấy cơ sở này không đủ điều kiện nên UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý và đã yêu cầu dừng hoạt động cho đến khi nào đầy đủ giấy tờ theo đúng quy định của pháp luật. Tất nhiên xã sẽ tạo điều kiện nhưng chỉ tạo điều kiện khi đã đủ điều kiện”. Và cũng để có được thông tin chi tiết hơn ông Vĩnh cũng đã chỉ đạo cho ông Lô Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thái cung cấp các giấy tờ liên quan đến hoạt động của Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Thịnh Kỳ và biên bản xử phạt trong thời gian qua cho phóng viên. Mặc dù vậy, khi phóng viên đưa ra bằng chứng cơ sở thu mua, sản xuất, chế biến dăm gỗ của Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Thịnh Kỳ trên địa bàn xã thời gian gần đây vẫn liên tục hoạt động, thậm chí nếu ngay lúc này vào kiểm tra vẫn có thể thấy tại đây những đống dăm gỗ tươi mới được băm nhỏ được chất đống tại đây vẫn chưa kịp vận chuyển đi nơi khác thì vị Chủ tịch UBND xã cũng chỉ ghi nhận và sẽ cho các lực lượng chức năng xuống kiểm tra lại nếu vẫn tiếp tục hoạt động khi chưa đủ giấy phép sẽ để xuất huyện xử lý triệt để.
Tiếp đến, khi làm việc với ông Lô Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thái theo chỉ đạo của ông Vĩnh để yêu cầu cung cấp những giấy tờ liên quan thì ông Phó Chủ tịch cho biết: “Hiện nay, hồ sơ lưu trữ tại UBND mới bị ẩm ướt nên hiện tại chưa thể cung cấp được ngay. Các giấy tờ về quá trình hoạt động, biên bản kiểm tra, xử phạt đổi với Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Thịnh Kỳ xin được cung cấp vào hôm khác”. Khi phóng viên đến UBND xã làm việc với đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã thì có một người đến và tự xưng là Nguyễn Quang Kỳ - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Thịnh Kỳ được ông Lô Minh Đức mời ra để có thể cung cấp thông tin cho phóng viên về các giấy phép hoạt động liên quan tới Hợp tác xã của mình. Trong quá trình trao đổi với ông Kỳ, ông này cho biết hiện nay Hợp tác xã của ông cũng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Hợp tác xã mới chỉ có Giấy đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận hợp tác xã. Về quá trình hoạt động, ông Kỳ cho biết Hợp tác xã hiện có tổng 7 người cả công nhân và xã viên. Do có xưởng nên Hợp tác xã đã tận dụng để thực hiện băm dăm. Không chỉ vậy, khi được phóng viên đưa ra các bằng chứng về việc tại xưởng chế biến gỗ dăm của Hợp tác xã vẫn đang hoạt động mặc dù đã bị xử phạt, yêu cầu dừng hoạt động thì ông này ghi nhận do khó khăn Hợp tác xã cũng đã đi vào hoạt động trở lại được hơn 10 ngày nay sau khi bị đình chỉ 3 tháng. Mọi hồ sơ, giấy tờ cũng đang được gấp rút hoàn thiện.
Như vậy, trước mặt cơ quan Nhà nước tại địa phương, cụ thể là trước mặt đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, nhưng với khẳng định đã hoạt động 10 ngày nay của chính ông Nguyễn Quang Kỳ - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Thịnh Kỳ đã hoàn toàn trái ngược ý kiến của chủ tịch UBND xã Châu Thái (?). Vậy trách nhiệm quản lý của UBND xã tới đâu khi để một cơ sở đã hoạt động không phép trong thời gian dài mặc dù đã bị xử phạt, buộc dừng hoạt động vẫn tiếp tục tái diễn sau một thời gian ngắn. Câu hỏi được đặt ra là: Ai đã “tiếp tay” cho việc hoạt động không tuân theo các quy định của pháp luật này?. Và liệu rằng nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, trong khi các cơ sở được cấp phép hoạt động thì thiếu hụt nguồn nguyên liệu, điêu đứng vì cạn kiệt vùng nguyên liệu thì các cơ sở này lại hoạt động tùy tiện, không có sự kiểm soát của các lực lượng chức năng sẽ gây thất thoát bao nhiêu tỷ đồng tiền thuế. Để khắc phục khó khăn cho các nhà máy chế biến gỗ dăm, tạo môi trường hoạt động, cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực thu mua, sản xuất, chế biến gỗ dăm trên địa bàn huyện Quỳ Hợp nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung, chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền, các ngành liên quan tại tỉnh Nghệ An cần kiên quyết xử lý những sai phạm của những trạm cân thu mua nguyên liệu gỗ, cơ sở chế biến, sản xuất dăm gỗ mở ra chưa đúng quy định để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương cũng như tránh thất thoát nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Trung Tâm và nhóm PVCĐ
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 32 - 20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)