TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 22/11/2024

Để phát triển bền vững “Khó khăn” cũng phải trở thành tài nguyên

00:27 07/08/2020
Logo header Các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài, mưa dông, lốc, sét, mưa đá và xâm nhập mặn,... đây là những hiện tượng thời tiết gây thiệt hại lớn nhất cho nước ta từ đầu năm đến nay. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là những địa phương phải gánh chịu hậu quả nặng nề đến từ những hiện tượng thời tiết như vậy. Ngay từ đầu năm, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã đều đồng loạt phải công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn. Tình trạng nắng hạn, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng hơn khi khí hậu miền Nam nước ta đang vào mùa khô. Việc này đang đặt ra những yêu cầu buộc đề ra những thay đổi mang tính tổng thể để thích nghi, giữ vững ổn định xã hội và pháp triển kinh tế.

Đất nước ta có lợi thế với hơn 3000km bờ biển, các loại năng lượng phi hóa thạch như nắng, gió, sóng biển,.. rất dồi dào

Chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước, ĐBSCL vùng đất có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc với lợi thế hàng đầu là phát triển nông nghiệp. Nằm ở hạ lưu châu thổ sông Mê Kông, ĐBSCL có nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Cứ mỗi mùa nước lên phù sa mang lại từ con sông luôn mang lại mùa màng tốt tươi cho người dân nơi đây. Nói về lũ đối với người dân ĐBSCL là nói về phù sa, về tôm cá đầy đồng, sản vật phong phú, là sinh kế cho hàng nghìn hộ dân nghèo. Do đó, người dân khắp vùng đều mong chờ những “mùa lũ đẹp”. Trải qua hàng trăm năm sinh sống người dân tại đây đã có nhiều cách để thích nghi, chung sống với con lũ. Nhưng trong các năm gần đây, phân bố lũ ở ĐBSCL có xu thế tăng dần số năm có lũ trung bình và nhỏ do cả hai yếu tố tự nhiên và điều tiết hồ chứa ở thượng lưu. Nếu như trước đây lũ thường có dạng 2 đỉnh, đỉnh phụ vào tháng 8 và đỉnh chính vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, thì nay do các hồ chứa thượng lưu ở đầu nguồn sông Mê Kông, lũ đầu mùa gần như không còn. Tổng dung tích các hồ chứa thượng lưu hiện nay khoảng 43 tỷ m3, đến 2030 có thể tăng lên 100 tỷ m3 sẽ khiến lũ trung bình ngày càng nhỏ đi (trong khi lũ cực lớn vẫn có xu thế lớn hơn do các hồ xả lũ và hạn chế trong tích đỉnh lũ). Lũ nhỏ, thậm chí không có lũ trở thành nguy cơ tiềm ẩn nhất đối với ĐBSCL trong tương lai. Qua tình hình hạn - mặn lịch sử năm 2016 cho thấy lũ và lượng trữ lũ tại đồng bằng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cấp ngọt đầu mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 2. Một vấn đề đáng quan tâm nữa ở ĐBSCL trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của nước biển dâng, triều cường ngày càng có xu thế lên cao và mạnh hơn, nên ở các địa phương ven biển tuy lũ thượng lưu không lớn nhưng vẫn bị ngập sâu hơn so với trước. Mực nước cao nhất hàng năm tại ĐBSCL được ghi nhận tại các trạm Mỹ Tho, Mỹ Thuận, Sa Đéc (sông Tiền), Đại Ngãi, Cần Thơ, Long Xuyên (sông Hậu) cho thấy rõ điều này. Trong điều kiện phát triển bền vững của ĐBSCL, việc đề ra những chiến lược nhằm thích nghi, giữ vững ổn định xã hội và phát triển kinh tế trong giai đoạn tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng trở nên phức tạp và khó giải quyết hơn. 

Đứng trước thực trạng này, việc thích nghi để phù hợp với môi trường đang thay đổi là điều rất cần thiết. Là vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm việc nghiên cứu chọn tạo các giống lúa chịu mặn có ý nghĩa rất lớn đối với ĐBSCL. Ngày 12/6/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 825/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025. Theo quyết định này, nhiệm vụ chính của hội đồng là tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng và phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó cũng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều phối, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương thực hiện quy hoạch vùng, chiến lược, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng và phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, tại một buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL vào ngày 01/8/2020 đã cho rằng: “nước mặn cũng phải trở thành tài nguyên, gió, nắng cũng phải trở thành tài nguyên”. Việc phát triển bền vững phải theo hướng “thuận thiên”, dựa vào thiên nhiên, thích nghi với biến đổi khí hậu, đoàn kết cả vùng, kết nối cả vùng, cả vùng vươn lên. Những đợt thiên tai vừa là thử thách, nhưng cũng vừa là bài học để các địa phương góp thêm kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn trong công tác điều hành sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong nhiều năm trở lại đây, các giống lúa có sức chống chịu với hạn, mặn đã được các nhà khoa học trong nước tăng cường nghiên cứu. Mới đây với chương trình “Nghiên cứu chọn giống lúa xuất khẩu và lúa chịu mặn cho ĐBSCL”, vụ lúa Đông Xuân 2019 - 2020 và đã tiến hành trồng thử nghiệm 3 bộ giống trình diễn. Đó là bộ trình diễn 1 (gồm 23 giống lúa chịu mặn và chịu hạn), bộ trình diễn 2 (gồm 27 giống lúa chịu hạn và phẩm chất), và bộ trình diễn 3 (gồm 18 giống nếp). Vụ Đông Xuân 2019 - 2020, mặc dù chịu tác động bất lợi của thời tiết như hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt nhưng các tỉnh vùng ĐBSCL vẫn có một vụ lúa vượt ngoài sự mong đợi. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh ĐBSCL xuống giống 1,54 triệu ha, giảm 63.000 ha, năng suất ước đạt 6,979 tấn/ha, tăng 0,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt 10,7 triệu tấn. Song song với đó, dưới tác động ngày càng khốc liệt của hạn, mặn, việc nuôi tôm, cá thích ứng mặn là một ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp của các tỉnh thuộc ĐBSCL. Cũng theo Bộ NN&PTNT, các tỉnh ĐBSCL có tổng sản lượng 10 tháng đầu năm 2019 cao nhất cả nước xếp theo trật tự giá trị giảm dần lần lượt là Đồng Tháp đạt 393,2 nghìn tấn (tăng 8,5%), An Giang đạt 324,9 nghìn tấn (tăng 14,4%), Bến Tre đạt 174,2 nghìn tấn (tăng 1,3%) , Cần Thơ đạt 153,8 nghìn tấn (tăng 11,2%). Sản lượng tôm sú ước đạt 230 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm thẻ chân trắng lớn ước đạt 361,4 nghìn tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, tận dụng lợi thế nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, với tiềm năng nguồn năng lượng mặt trời dường như vô tận, ĐBSCL đã và đang cần phải tận dụng triệt để lợi thế này. Với trung bình 2.200 - 2.500 giờ nắng và hơn 90% số ngày trong năm đều nhận được ánh sáng mặt trời đủ mạnh để vận hành các tấm thu năng lượng mặt trời, đây thực sự là một nguồn năng lượng rất ổn định và bền vững. Ngoài ra, tận dụng địa hình, địa thế là khu vực bán đảo thấp và phẳng, năng lượng gió cũng cần phải chú ý khai thác. Với đường bờ biển và các hải đảo có tổng chiều dài xấp xỉ 700 km, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng đến 360.000 km2 có điều kiện gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5 - 6 m/giây ở độ cao 80 m, tiềm năng khai thác năng lượng gió ven bờ biển có thể đạt từ 1.200 - 1.500 MW. Chưa kể tới nguồn năng lượng từ sóng biển, năng lượng thủy triều, các nguồn năng lượng tự nhiên phi hóa thạch đều rất dồi dào ở ĐBSCL. Tuy nhiên, đến nay những “khó khăn” này vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả do nhiều lý do như thiếu những chính sách hỗ trợ, chiến lược phát triển lâu dài. Trong thời gian tới với định hướng phát triển “thuận thiên” mong rằng Nhà nước sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp giúp người dân ĐBSCL có những thay đổi mang tính tổng thể để thích nghi, giữ vững ổn định xã hội và pháp triển kinh tế.

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 22 - 20

Bình luận: 0