Diên Khánh - Khánh Hòa: Cần nâng cao trách nhiệm quản lý tài nguyên, môi trường
Đoàn Kiểm toán Nhà nước Khu vực VIII đã nêu một số tồn tại làm giảm tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa (thời kỳ kiểm toán năm 2018 và các thời kỳ trước sau có liên quan) như sau: Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Khánh Hòa chưa thực hiện các biện pháp đôn đốc thu, kiến nghị UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt về việc chậm nộp ký quỹ theo quy định của pháp luật hiện hành; Công tác quản lý nhà nước của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh còn hạn chế, do đó tính đến thời điểm ngày 31/12/2018 vẫn còn 21 trường hợp đã được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản nhưng chưa thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định. Theo đó, nhiều Công ty, doanh nghiệp bị “chỉ mặt, điểm tên” vì có những sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó đứng đầu danh sách phải kể đến Công ty TNHH Dịch vụ - Xây dựng Khánh Sơn (gọi tắt là Công ty Khánh Sơn), có địa chỉ tại thôn Đông, xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh do ông Lê Thanh Hải là người đại diện theo pháp luật. Năm 2018, Công ty Khánh Sơn được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 912/GP-UBND, thời hạn 23,5 năm cho loại khoáng sản cát san lấp làm VLXD; khu vực khai thuộc xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh có diện tích 6,6 ha. Tuy nhiên đến thời điểm Kiểm toán nhà nước làm việc (tháng 8/2019), Công ty này được xác định là chưa nộp tiền ký quỹ phục hồi môi trường các năm 2018 và 2019 (số tiền là: 161.289.975 đồng); Chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2018 (số tiền là: 993.250.788 đồng) và chưa kê khai và nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định; Quan trọng hơn cả là Công ty này chưa có hồ sơ đất đai đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Trường hợp được cho là đầy đủ thủ tục đất đai như Công ty TNHH Hiển Vinh (gọi tắt là Công ty Hiển Vinh) thì lại bị xử lý phạt vi phạm hành chính do kê khai thiếu phí bảo vệ môi trường phải nộp năm 2018 (số tiền là: 69.444.990 đồng). Tuy nhiên, đối với trường hợp này, ông Võ Thành Nhân - Trường Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diên Khánh lại cho phóng viên Tri thức Xanh biết: “Khu vực khai thác mỏ đá của Công ty Hiển Vinh đã làm thủ tục chuyển đổi theo Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp. Còn khu vực văn phòng thì vẫn đang sử dụng đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phần diện tích đất này vẫn là đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi theo quy định pháp luật”.
Theo Luật Đất đai năm 2013, thì nguyên tắc sử dụng đất phải đúng quy hoạch và không được sử dụng sai mục đích sử dụng đất đã được ghi rõ trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1,2,3 của Luật này. Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất theo khoản 1 Điều 57 bao gồm: Chuyển mục đích từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, hoặc sang đất trồng rừng, hoặc đất nuôi trồng thủy sản, hoặc đất làm muối; Chuyển mục đích từ đất trồng cây hằng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, hoặc đất làm muối, hoặc đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm; Chuyển mục đích sử dụng đất từ đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác cùng trong nhóm đất nông nghiệp; Chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thuộc nhóm đất nông nghiệp sang đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp; Chuyển mục đích sử dụng đất từ đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất; Chuyển mục đích từ đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở; Chuyển mục đích sử dụng đất từ đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng… sang đất thương mại, dịch vụ; hoặc chuyển mục đích từ đất thương mại, dịch vụ, hay đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; Theo Điều 52 Luật đất đai 2013 thì việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được phê duyệt theo đúng thẩm quyền và căn cứ vào đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất của người sử dụng đất. Cùng với đó, người muốn chuyển mục đích sử dụng đất sẽ phải thực hiện nộp phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lệ phí và thuế chuyển mục đích sử dụng đất (theo Nghị định số 45/2014/NĐ-CP). Trên cơ sở đó, các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích sẽ bị xử phạt bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai; bên cạnh đó còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật; ngoài ra còn có thể bị thu hồi đất trong trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất sai mục đích nhưng vẫn cố tình vi phạm (theo Điều 64 Luật Đất đai).
Đối chiếu với các quy định trên thì không biết Công ty Hiển Vinh sẽ bị xử lý thế nào với hành vi sử dụng đất sai mục đích?. Ông Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diên Khánh nói rằng: “Huyện chỉ quản lý về môi trường và mốc giới, còn lại việc sử dụng đất và hồ sơ đất thì thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh quản lý”(?). Như vậy, có thể thấy hoạt động của Công ty Hiển Vinh trong việc khai thác, chế biến và điều hành trên khu vực mỏ nằm tại xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh đã có biểu hiện vi phạm về việc sử dụng đất đai. Tuy nhiên theo thông tin mà Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diên Khánh cung cấp với phóng viên thì thấy công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đầu tư, khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ giữa các cấp, ngành chuyên môn. Điều này phải chăng là kẽ hở cho hoạt động của những doanh nghiệp khai thác tài nguyên trên địa bàn huyện Diên Khánh?. Được biết, hiện nay Công ty Hiển Vinh đang làm thủ tục xin nâng cấp khai thác trữ lượng tại mỏ đá đã được cấp phép, còn tỉnh Khánh Hòa thì không biết có nắm được sự việc này hay không mà vẫn tiếp tục tạo điều kiện cho Công ty này hoàn thiện các thủ tục nâng cấp, tăng công suất khai thác tại mỏ đá Bắc Hòn Ngang?
Liên quan đến công tác quản lý đất đai, đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 01/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị theo quy định pháp luật (nếu có). Đấy là còn chưa nói đến việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cũng như các vấn đề về quan trắc, bảo vệ môi trường của Công ty Hiển Vinh và các doanh nghiệp đang hoạt động khai thác khoáng sản tại địa bàn huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
(còn nữa)
Nguyễn Hân - Thu Trung
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 53 - 21
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)