TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
chủ nhật, 08/09/2024

Doanh nghiệp trước bài toán nhân lực thời công nghiệp 4.0 (kỳ 2)

13:04 23/05/2022
Logo header Doanh nghiệp muốn vận hành được thì cần phải có sự phối kết hợp giữa nhiều nhóm lao động khác nhau, với những trình độ chuyên môn khác nhau và phụ trách các nhiệm vụ khác nhau, dưới thời đại CN 4.0 đều phải chịu tác động theo nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên hiện nay việc doanh nghiệp tham gia đào tạo lao động lại đang còn nhiều điểm bất cập.

Kỳ 2: Doanh nghiệp với công tác đào tạo nhân lực 

 Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động trong doanh nghiệp

Theo như khảo sát, có đến gần 80% doanh nghiệp đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động, trong đó phần lớn là tự đào tạo cho lao động trong doanh nghiệp (chiếm,73,8%) và số ít doanh nghiệp bên cạnh việc đào tạo cho nhân lực trong doanh nghiệp còn thực hiện đào tạo nhân lực cho xã hội (chiếm tỷ lệ 5,7%). Việc tỷ lệ doanh nghiệp đã thực hiện đào tạo bồi dưỡng cho người lao động trong doanh nghiệp cao, một mặt cho thấy sự chủ động của doanh nghiệp trong việc xây dựng lực lượng lao động phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của riêng mình, nhưng mặt khác cũng cho thấy chất lượng của nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu và buộc nhiều doanh nghiệp phải đào tạo lại cho người lao động. Báo cáo PCI năm 2020 của VCCI đã cho thấy, trung bình chỉ có khoảng 47% DN đánh giá giáo dục dạy nghề tại các địa phương có chất lượng tốt, hàng năm trung bình mỗi doanh nghiệp vẫn phải dành khoảng 5,5% chi phí kinh doanh cho đào tạo lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp cũng chiếm khoảng 58%.
Tỷ lệ doanh nghiệp không đào tạo cho người lao động tại các DNNVV cao hơn gần 4 lần so với các DN lớn, đồng nghĩa với phần trăm doanh nghiệp thực hiện đào tạo cho DN hoặc đào tạo cho cả DN và XH thấp hơn. Ngoài ra, một số ít các DN lớn (2,6 %) thực hiện các phương án đào tạo khác như đào tạo theo đề xuất hay theo đơn đặt hàng. Như vậy, trùng khớp với sự phân tích bên trên, DN lớn đang cho thấy là nhóm doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn tới việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động. 
Trong số các hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động trong doanh nghiệp đã được một số doanh nghiệp áp dụng, chiếm tỷ lệ cao là hình thức doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo với 76,1%. Điều này cũng rất dễ hiểu bởi hình thức doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo mang về rất nhiều ưu điểm, trong đó quan trọng nhất là tạo sự thuận tiện và giúp tiết kiệm chi phí đào tạo cho doanh nghiệp do tận dụng được những nguồn lực sẵn có trong doanh nghiệp (như cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia lành nghề), chủ động được giáo án và chương trình đào tạo, nội dung đào tạo gắn liền với thực tế công việc,… Tuy nhiên, đào tạo theo hình thức này cũng có nhiều mặt hạn chế nhất định, bao gồm việc thiếu đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo có thể không bài bản,… bởi vậy nên một số doanh nghiệp cũng đã thành lập hẳn cơ sở đào tạo riêng để đào tạo lao động cho doanh nghiệp một cách bài bản (19,6%). Ngoài ra có khoảng hơn 1/5 số doanh nghiệp đào tạo lao động thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bên ngoài bằng cách đặt hàng hoặc liên kết với các tổ chức này. Như kết quả khảo sát PCI đã chỉ ra, trung bình chỉ có khoảng 47% DN đánh giá giáo dục dạy nghề tại các địa phương có chất lượng tốt, đây có thể là một trong những lý do mà tỷ lệ doanh nghiệp liên kết hoặc đặt hàng các cơ sở giáo dục đào tạo lao động còn thấp. Bên cạnh có thể có nguyên nhân liên quan đến cơ chế phối hợp đào tạo lao động giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo bên ngoài chưa thuận lợi, khiến doanh nghiệp phải tự đứng ra tổ chức đào tạo lao động cho doanh nghiệp mình.
Thực trạng hợp tác với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lao động của doanh nghiệp
Như phân tích ở trên, tỷ lệ doanh nghiệp có hợp tác với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng lao động bên ngoài vẫn còn hạn chế (chiếm khoảng 20%) và doanh nghiệp thường hợp tác để đào tạo kỹ năng mới, nhất là các kỹ năng liên quan đến CN 4.0. Kết quả khảo sát cũng cho thấy những doanh nghiệp thực hiện hợp tác trong đào tạo đã đạt được những kết quả tương đối khả quan và cho thấy tiềm năng trong việc phát triển hình thức kết hợp này trong tương lai. Trong số các doanh nghiệp đã tham gia hợp tác, có đến 68% doanh nghiệp đánh giá kết quả hợp tác trong đào tạo lao động đáp ứng CN 4.0 ở mức hiệu quả (48,6%) và thậm chí là rất hiệu quả (19,4%). Chỉ có 29,2% doanh nghiệp đánh giá kết quả hợp tác này ở mức trung bình và 2,8% doanh nghiệp nhận thấy sự hợp tác nay chưa hiệu quả. Điều này cho thấy, mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở đào tạo bên ngoài còn ít, nhưng một khi đã hợp tác, kết quả hợp tác thường đạt được mục tiêu kỳ vọng của doanh nghiệp.


 
Mặc dù vẫn còn 4/5 số doanh nghiệp khảo sát chưa hợp tác với các cơ sở đào tạo trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động, nhưng gần 60% trong số các doanh nghiệp này bày tỏ mong muốn sẽ được triển khai hình thức hợp tác này trong thời gian tới. Nhìn chung, tỷ lệ doanh nghiệp có mong muốn hợp tác với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động không có sự khác biệt nhiều theo quy mô hay mức độ tham gia GVC. Sự khác biệt rõ rệt hơn giữa các DN sản xuất và phi sản xuất khi mà tỷ lệ các doanh nghiệp sản xuất mong muốn hợp tác là 61,4%, cao hơn mức 56,6% của nhóm các doanh nghiệp phi sản xuất.
Theo kết quả khảo sát, mô hình hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lao động mà các doanh nghiệp mong muốn nhiều nhất đó là hợp tác với doanh nghiệp cùng lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm 47,7%). Bên cạnh đó, gần 1/3 doanh nghiệp cũng có thể hợp tác với doanh nghiệp cùng chuỗi cung ứng trong việc đào tạo năng lực cho lao động. Điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn chú trọng nhiều hơn vào sự liên kết hợp tác với nhau để cùng đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động, vì hơn ai hết, họ là người hiểu rõ nhu cầu của DN và khả năng của người lao động trong doanh nghiệp cũng như trong chuỗi cung ứng.
Mô hình hợp tác giữa DN với các cơ sở đào tạo theo các dự án hỗ trợ của Nhà nước cũng được 38,3% doanh nghiệp quan tâm. Nếu thiếu sự hỗ trợ của nhà nước, tỷ lệ doanh nghiệp mong muốn hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề giảm đi gần một nửa, chỉ còn khoảng 20,1%
Về các hình thức hợp tác giữa DN với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực lao động hiện nay, hình thức được nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn nhiều nhất là liên kết hoặc đặt hàng cơ sở đào tạo, trong đó đào tạo chính quy (24,6%) hoặc đào tạo nâng cao năng lực (23,2%). Với những hình thức này thì sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo là rất hạn chế, chủ yếu doanh nghiệp quan tâm nhiều đến kết quả đạt được sau đào tạo. Còn lại, đa phần doanh nghiệp chưa tham gia vào các hình thức đào tạo đòi hỏi sự tham gia của doanh nghiệp nhiều hơn như tham gia xây dựng chương trình đào tạo (14,5%), cử cán bộ chuyên gia tham gia giảng dạy (14,3%) hay hỗ trợ cơ sở vật chất thiết bị cho cơ sở đào tạo (14,7%). Đáng chú ý, hình thức doanh nghiệp tham gia vào việc đánh giá, tổ chức thi tốt nghiệp của cơ sở đào tạo hiện có tỷ lệ thấp nhất với 12,4%, cho thấy vai trò hạn chế của doanh nghiệp trong khâu kiểm định chất lượng đầu ra trong đào tạo lao động của các trường nghề.
Trái với thực trạng về hình thức hợp tác doanh nghiệp đã tham gia, các doanh nghiệp kỳ vọng mong muốn tham gia nhiều hơn trong hợp tác với các cơ sở đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động. Trong đó, đa số doanh nghiệp mong muốn được tham gia theo hướng cho phép họ được can thiệp sâu hơn vào quá trình đào tạo thông qua tham gia xây dựng chương trình và tài liệu giảng dạy (43,2%), cử cán bộ chuyên gia tham gia giảng dạy (40,2%), đến khâu đánh giá kết quả đầu ra của đào tạo (37,2%). 

Phan Sáng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 160 - 04/2022

Doanh nghiệp trước bài toán nhân lực thời công nghiệp 4.0 kỳ 1

Bình luận: 0