TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 23/11/2024

Dự án an ninh năng lượng đô thị Việt Nam

14:44 29/07/2021
Logo header Ngày 30/6 vừa qua, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND TP. Đà Nẵng đã khởi động Dự án hỗ trợ kỹ thuật An ninh năng lượng đô thị Việt Nam. Đây là một trong những nội dung nằm trong Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam được triển khai thực hiện từ năm 2019 - 2023.

Việt Nam đang trải qua giai đoạn tăng mạnh về nhu cầu năng lượng và tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng, do đó các nguồn năng lượng sạch hơn, đáng tin cậy hơn đang ngày càng trở nên cần thiết cũng như đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn hơn để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo này. Dự án An ninh Năng lượng Đô thị Việt Nam do USAID tài trợ là dự án 4 năm (2019-2023) với ngân sách 14 triệu đô la và có mục tiêu thúc đẩy triển khai các giải pháp năng lượng phân tán tiên tiến ở các khu vực đô thị tại thành phố Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. Dự án sẽ hỗ trợ Việt Nam đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng và giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại các khu vực đô thị thông qua phối hợp với chính quyền các thành phố và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp. Trong 5 năm qua, USAID đã cam kết hơn 40 triệu USD hỗ trợ lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và dự định sẽ cam kết thêm 36 triệu USD trong 5 năm tới.

Những nội dung chính của Dự án bao gồm cải thiện các khung hỗ trợ, huy động đầu tư và tăng cường áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo cho lĩnh vực năng lượng phân tán, tiên tiến. Mục tiêu chung của Dự án là “triển khai các giải pháp năng lượng phân tán tiên tiến để tăng khả năng thích ứng của hệ thống cung cấp năng lượng và an ninh năng lượng đô thị” tại Việt Nam. Khi hoàn thành, Dự án hướng tới các kết quả mong đợi như sau:

1. Triển khai các hệ thống năng lượng phân tán tiên tiến với tổng công suất đạt ít nhất 400 megawatt (MW) tại các thành phố đã chọn;

2. Huy động được tối thiểu 600 triệu đô la đầu tư công và tư vào các hệ thống năng lượng đô thị phân tán, tiên tiến;

3. Thí điểm hoặc ứng dụng thương mại được ít nhất 20 giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng và môi trường đô thị.

Kể từ năm 2017, USAID và Bộ Công Thương đã hợp tác để hiện đại hóa các cơ chế, chính sách năng lượng quốc gia bao gồm đưa vào áp dụng cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) và tăng cường mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo và khí thiên nhiên trong Quy hoạch Phát triển Điện 8 (PDP8). Năm 2017, USAID đã trao tặng Bộ Công Thương phần mềm PLEXOS và phần cứng đi kèm nhằm giúp Bộ Công Thương mô phỏng hoạt động vận hành của các nhà máy điện trong một khoảng thời gian nhiều năm nhằm đặt ra những mục tiêu tối ưu về sản xuất và truyền tải năng lượng.

Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam hiện đang gia tăng 10% mỗi năm (đặc biệt khu vực  công nghiệp và khu vực thương mại tăng lần lượt là 11% và 12%) khiến cho việc sử dụng các công nghệ năng lượng sạch và hiện đại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để có thể duy trì đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng và bảo vệ sức khỏe con người và môi trường của Việt Nam. Để thúc đẩy việc thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (EE&C), năm 2019, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3). VNEEP3 đề xuất một loạt các mục tiêu tham vọng, bao gồm mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng trong các lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng; thành lập và thí điểm Quỹ Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; trình diễn giải pháp huy động tài chính, chứng nhận các giải pháp hiệu quả năng lượng; vận hành mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO); thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp; nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực về các vấn đề năng lượng.VNEEP3 cũng yêu cầu thành phố phân bổ nguồn lực tài chính để thực hiện và tăng cường thực thi chương trình, nghiên cứu và ban hành cơ chế, chính sách cũng như huy động nguồn lực tài chính phù hợp, v.v. để thực hiện các hoạt động theo kế hoạch đề ra.

Để thực hiện VNEEP3, ngày 16/12/2020, Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020 - 2030 (EEAP), xác định các hoạt động và mục tiêu tiết kiệm năng lượng. EEAP bao gồm hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, hướng dẫn ngân sách nhà nước hiện hành cho các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chẳng hạn như Thông tư 142/2007/TTLT/BTC-BCT, Thông tư 45/2014/TTLT-BCT-BTC-BKHĐT, đã hết hiệu lực, do đó các hoạt động trong khuôn khổ EEAP, đặc biệt là ở phía chính quyền địa phương, vẫn chưa được triển khai hiệu quả. Tháng 5 năm 2021, Sở Công Thương Đà Nẵng đề nghị Dự án hỗ trợ Sở Công Thương xây dựng cơ chế tài chính và chính sách nhằm thúc đẩy và thực thi thành công EEAP trên địa bàn thành phố.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật an ninh năng lượng đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng được thực hiện với các mục tiêu đặt ra là :

Thứ nhất: Triển khai được ít nhất 40 MW điện từ các hệ thống năng lượng phân tán tiên tiến.

Thứ hai: Huy động được tối thiểu 60 triệu đô la đầu tư công và tư cho các hệ thống năng lượng đô thị phân tán tiên tiến.

Thứ ba: Giới thiệu và/hoặc thương mại hóa ít nhất 5 giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề về năng lượng đô thị và môi trường.

Dự án được kỳ vọng sẽ đưa ra những giải pháp về năng lượng tái tạo và các giải pháp năng lượng hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố, thu hút đầu tư xanh và trực tiếp mang lại lợi ích cho người dân với môi trường sống trong sạch hơn. Bên cạnh đó, các giải pháp này cũng sẽ góp phần giảm thiểu trong dài hạn các tác động của biến đổi khí hậu đối với Thành phố và người dân. Những Kế hoạch hành động của Dự án là Kế hoạch hành động phát triển điện mặt trời mái nhà, Kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, và Đề án phát triển trạm sạc xe điện và Kế hoạch hành động về hiệu suất và bảo tồn năng lượng.

USAID hiện đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Sở Công Thương TP. Đà Nẵng để triển khai các chiến lược này, trong đó bao gồm:

Thành lập nhóm làm việc về phát triển năng lượng sạch để hỗ trợ Sở Công Thương cũng như Công ty Điện lực trong việc cải thiện khả năng thích ứng năng lượng đô thị và an ninh năng lượng.

Thành lập Giải thưởng về Hiệu suất năng lượng để chính quyền thành phố ghi nhận những doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.

Thực hiện một nghiên cứu đánh giá các quy định, chính sách và cơ chế ở cấp quốc gia và cấp địa phương để triển khai và thực thi Kế hoạch Hành động sử dụng năng lượng hiệu quả giai đoạn 2020 - 2030.

Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock khẳng định “USAID đang hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng có khả chống chịu tốt hơn thông qua động lực là năng lượng tái tạo. Chúng tôi rất mong phối hợp với TP. Đà Nẵng để thúc đẩy lĩnh vực năng lượng sạch tại địa phương, tiếp cận chuyên môn kỹ thuật và giúp Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo toàn cầu và hiện thực hóa các mục tiêu về năng lượng tái tạo”.

Võ Huyền (tổng hợp)

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 72 - 21

 
Bình luận: 0