TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ ba, 14/05/2024

Giảm thiểu tác hại của khói, bụi ở các đô thị lớn

14:49 17/09/2020
Logo header Chất lượng không khí đang là đề tài được rất nhiều người dân quan tâm, đặc biệt là tại các thành phố lớn - nơi có hàng triệu lượt xe cộ tham gia giao thông mỗi ngày, đã gây nên tình trạng không khí bị ô nhiễm khá nghiêm trọng, kéo theo chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo những tác động lâu dài của khí thải xe cơ giới có thể dẫn tới các bệnh rất nguy hiểm như vô sinh, các bệnh về tim, thận và ung thư phổi...

Đi kèm với sự ùn tắc giao thông là những ảnh hưởng nặng nề về môi trường do khói, bụi từ các loại xe cơ giới gây ra

Trong những năm gần đây, với tốc độ phát triển kinh tế tăng nhanh, số lượng các loại phương tiện tham gia giao thông cũng ngày một đông đúc. Trong gần 3 thập kỷ qua, chỉ tính riêng, số lượng xe máy tại Việt Nam đã tăng từ hơn 1 triệu xe lên tới gần 60 triệu xe, tức tăng khoảng 48 lần và đây là phương tiện giao thông chính của người dân cả nước. Một số dự báo cho rằng, với đà tăng này, đến năm 2030, số lượng xe máy ở nước ta sẽ tăng gần 1,5 triệu xe. Theo thống kê của Dự án xây dựng chiến lược An toàn giao thông với xe máy do Quỹ hội nhập Nhật Bản - ASEAN (JAIF) tài trợ, hiện Việt Nam đang đứng đầu các nước ASEAN về tỷ lệ xe máy trên tổng số phương tiện cơ giới đường bộ. Sự gia tăng này hiện đang gây nên một áp lực nặng nề lên hạ tầng giao thông - đặc biệt tại các thành phố lớn trên cả nước, dẫn đến việc ùn tắc thường xuyên và cũng là một gánh nặng lên môi trường khi mà hàng triệu phương tiện gắn máy này cùng tham gia giao thông. Trong số đó, rất nhiều xe máy cũ, không bảo dưỡng định kỳ nhưng vẫn lưu thông thường xuyên là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn. Và cũng không khó để bắt gặp trên đường phố ở các đô thị các xe máy cũ nát, xả khói đen ra mù mịt ra môi trường xung quanh khi đi trên đường. Số lượng xe máy tiêu thụ 50% lượng xăng nhưng thải ra cỡ 94% khí HC (Hydrocacbon), 87% khí CO (Cacbon monoxit), 57% khí NOx (Oxit nitơ) và 33% bụi mịn PM1O trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Các loại khí độc hại này về lâu dài sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm về hô hấp, tim mạch, vô sinh, ung thư… Đồng thời, các thiệt hại về kinh tế do khí thải xe máy cũng rất đáng kể, chỉ riêng 5 thành phố lớn nhất Việt Nam, ước tính thiệt hại đã lên tới 0,5 - 0,6% GDP. Tại TP. Hồ Chí Minh, theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT), hiện thành phố có khoảng 10 triệu phương tiện giao thông, lượng xe máy chiếm khoảng hơn 80% trong số đó, tức hơn 8 triệu xe, cộng với rất nhiều phương tiện của người dân từ các địa phương khác mang vào thành phố để đi lại. Hầu hết đây là các loại khí thải độc hại cho môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ở Hà Nội, hiện có khoảng gần 6 triệu xe máy đang tham gia lưu thông, chiếm khoảng hơn 85% lượng các phương tiện đang tham gia ở Thủ đô. 

Đã có nhiều kế hoạch, giải pháp để giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường do khói, bụi từ xe máy được đề cập. Các đề xuất như cấm xe máy ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã được đề cập, tuy nhiên, những khó khăn về cơ sở hạ tầng, vận tải công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân đã tạo thành những cản trở chưa vượt qua được. Giải pháp kiểm soát khí thải đối với các loại xe máy cũng đã được nêu lên nhưng từ trước tới nay, việc kiểm tra khí thải thực hiện theo Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 9/11/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Tuy nhiên, quy định tại thông tư này chỉ áp dụng được với các loại ô tô đang lưu hành, còn tiêu chuẩn đối với xe máy thì chưa có nên các địa phương vẫn chưa kiểm tra khí thải xe máy được vì chưa có cơ sở pháp lý thực hiện. Gần đây, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cùng Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Viện Khoa học - Công nghệ GTVT đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác thực hiện chương trình “Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố, góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí”. Với thông điệp “Kiểm tra khí thải, bảo dưỡng định kỳ giúp xe luôn khỏe, môi trường thêm xanh”, chương trình nghiên cứu này bắt đầu từ tháng 5/2020 đến tháng 9/2020, đối tượng là tất cả các loại xe máy sử dụng từ 05 năm trở lên (không phụ thuộc vào các hãng sản xuất) và có phạm vi tại một số địa bàn trên thành phố (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 và Phường 10, quận Phú Nhuận). Theo chương trình, các loại xe máy khi đến trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa sẽ được đo các thông số về khí CO, HC ở chế độ không tải. Sau khi kiểm định, các xe không đạt được mức phát thải tiêu chuẩn theo TCVN, khách hàng nhận gói bảo dưỡng. Thông qua chương trình nghiên cứu này, Sở GTVT TP sẽ đánh giá được thực trạng, mức độ ô nhiễm thực tế đến từ xe máy và khuyến khích người dân tham gia bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ sở để UBND TP đề xuất Thủ tướng cho phép triển khai thí điểm việc kiểm soát khí thải môtô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn. Mới đây nhất, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận, huyện đề xuất thí điểm chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”. Theo đó, từ tháng 9 đến tháng 12 năm nay, chủ xe máy cũ có thể được hỗ trợ đổi xe mới nếu xe quá cũ (đăng ký trước năm 2002) không đạt tiêu chuẩn khí thải ra môi trường. Cụ thể, Hà Nội sẽ lựa chọn 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, cùng các cán bộ kỹ thuật để thực hiện hoạt động này. Người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo khí thải sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300.000 đồng/trường hợp. Nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe từ 2 - 4 triệu đồng. Đây là một giải pháp được khá nhiều người dân trên địa bàn đồng tình ủng hộ. Theo tính toán, Hà Nội hiện có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đã đăng ký trước năm 2000 và hơn 700.000 xe ôtô, dự kiến sẽ có khoảng 5.000 xe máy các loại được kiểm tra khí thải trong 3 tháng triển khai chương trình. Những chiếc xe cũ sau khi đổi sẽ được chính các nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm thu hồi và xử lý theo quy định. 

Hy vọng, những nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khói, bụi, đặc biệt tại các thành phố lớn trên cả nước đạt kết quả tốt và nhanh chóng được triển khai rộng rãi. Nhưng cùng với đó, ý thức của người dân cũng cần phải được nâng cao. Môi trường có được cải thiện hay không không chỉ do các chính sách của Nhà nước mà còn tùy thuộc vào hành động của mỗi cá nhân trong cộng đồng.

Xuân Linh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 28 - 20

 
Bình luận: 0