TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 28/03/2024

Hạn chế tối đa những tác hại do rác thải biển gây ra

20:20 10/12/2020
Logo header Các đại dương đang là “ngôi nhà chung” của hàng triệu sinh vật biển, là “nhà máy sản xuất”, cung cấp khoảng 70% oxy tự do trên trái đất và cũng là nguồn thực phẩm quan trọng của con người. Thế nhưng hiện nay, cuộc sống của các loài sinh vật trong đại dương đều bị ảnh hưởng bởi hoạt động của con người. Các loài sinh vật biển đã và đang chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, khai thác quá mức, ô nhiễm tiếng ồn bởi hoạt động giao thông trên biển, ô nhiễm nước bởi các hoạt động xả thải, rác thải nhựa...

Hoạt động phát triển kinh tế ở các khu vực ven và trên biển đang gây áp lực nặng nề tới môi trường biển

Việt Nam sở hữu 3.260 km đường bờ biển cùng nhiều quần đảo đẹp, hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển (gấp 3 lần diện tích đất liền) cùng với gần 3.000 đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các bãi biển đa dạng có thể chiều lòng mọi du khách như là Cô Tô, Quan Lạn (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quý (Bình Thuận), Lý Sơn (Quảng Ngãi). Trong các năm trở lại đây, nhiều du khách trong nước và quốc tế cũng đang thích thú đến với những đảo mới như: Bình Ba (Khánh Hòa), Nam Du (Kiên Giang), Kỳ Co (Bình Định)… Nắm bắt được thế mạnh này, nhiều điểm du lịch biển nổi tiếng đã được đầu tư phát triển tối đa. Để tăng sức hấp dẫn và cạnh tranh cho du lịch biển, nhiều dịch vụ giải trí, thể thao biển đã được đưa vào hoạt động như: Chèo thuyền du lịch, kéo dù bằng ca nô, lướt ván, đua thuyền… đặc biệt là loại hình ngắm biển bằng dù lượn, khinh khí cầu, máy bay mô hình (ở biển Nha Trang, Đà Nẵng) hay bằng máy bay trực thăng (ở vịnh Hạ Long). Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, nhất là hệ thống cơ sở lưu trú ven biển của nước ta cũng được đầu tư phát triển. Tính đến nay, nước ta đã hình thành 3 trung tâm du lịch biển có sức hút với khách quốc tế, gồm vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) với những cơ sở lưu trú hiện đại 4 - 5 sao, có thể đón những đoàn khách đến nghỉ dưỡng và phát triển du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo). Chỉ riêng khu vực ven biển nước ta đã có hơn 1.400 cơ sở lưu trú cung ứng gần 50.000 buồng cho khách thỏa sức lựa chọn. 

Theo Tổng cục Du lịch, trong năm 2019, du lịch Việt Nam phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng trên 6%). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16%). Cùng với sự phát triển này của ngành du lịch Việt Nam, khối lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam năm 2020, dự báo khoảng hơn 206 nghìn tấn, trong đó gần 40% xả ra biển. Rác có thể đến từ tàu thuyền, các hoạt động du lịch,... Các dụng cụ, vật dụng rơi ra từ tàu đánh bắt cá hay tàu du lịch (dây câu, lưới,…) có thể tạo thành các chướng ngại khiến động vật bị mắc kẹt. Tương tự, các tàu chuyên chở cỡ lớn, nếu bị đắm hay gặp tai nạn, sẽ thải ra biển một lượng vật dụng khổng lồ. Ngoài ra, các giàn khoan dầu mỏ và khai thác khí tự nhiên ngoài khơi cũng tạo ra nhiều loại rác nguy hại cho môi trường biển, ví dụ như các dụng cụ bảo hộ lao động, găng tay, thùng chứa dầu,… Phần lớn rác trên biển là đến từ đất liền. Điển hình cho loại này là rác thải sinh hoạt trôi nổi và vi nhựa siêu nhỏ. Trong các loại rác thải được đổ ra biển thì có đến 80% là rác thải nhựa, bên cạnh đó còn là rác thải thuỷ tinh, kim loại, và cao su... Mỗi năm, trung bình nhân loại thải 8.8 triệu tấn rác ra biển. 80% trong số chúng xuất phát từ đất liền. Bên dưới những lớp sóng yên bình, nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy biển xanh tràn ngập rác. Theo tính toán, chỉ riêng trong năm 2010, 275 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở 192 quốc gia ven biển, với khoảng từ 4.8 đến 12.7 triệu tấn xâm nhập vào đại dương. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có lượng chất thải xả ra biển lớn trên thế giới. Với 112 cửa biển, 80% lượng rác thải biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền, khối lượng rác được thải ra biển vào khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới). Đáng lo ngại, trong các chất thải được thải trực tiếp ra biển thì chất thải nhựa có xu hướng trở nên có kích thước nhỏ hơn thông qua quá trình vật lý, điều này khiến cho nhựa có kích thước dưới 5mm dễ dàng đi vào chuỗi thức ăn dưới nước. Mặt khác, việc các chất thải nhựa tồn tại dưới dạng vật chất trôi lơ lửng trên bề mặt và chìm trong trầm tích đáy biển rất khó phân hủy, dễ dàng được tích lũy trong chuỗi thức ăn sinh vật biển sẽ gây ra những tác động đáng kể tới các hệ sinh thái biển. Các loại chất thải nhựa có kích thước lớn như lưới, ngư cụ trôi nổi trên biển thậm chí còn gây hại nghiêm trọng hơn cho các sinh vật biển khi chúng dễ dàng bị mắc kẹt từ đó giảm năng suất đánh bắt thủy sản và gây những tác động đến hệ sinh thái biển khác...

Nhận thấy nguy cơ nghiêm trọng của chất thải nhựa đối với môi trường, trong nhiều năm qua, cơ quan chức năng, các đoàn thể và nhiều tổ chức, cá nhân đang chung tay nỗ lực thay đổi ý thức và lượng rác thải đổ trực tiếp ra biển. Ngay từ năm 2018, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Quyết định 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để quản lý, hạn chế, giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa đại dương. Việc chung tay giảm thiểu rác thải nhựa cũng được nhiều cơ quan, đoàn thể, cá nhân hưởng ứng. Tiêu biểu có thể kể đến như ngay trong đầu năm nay UBND TP. Nha Trang đã ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Để các hành động trên đi vào thực tế và phát huy hiệu quả, thành phố Nha Trang đã đề ra 2 giải pháp chính là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử đối với sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; thu gom, phân loại, lưu trữ, vận chuyển, xử lý rác thải nhựa khu vực biển, ven biển.  Theo kế hoạch này, TP Nha Trang phấn đấu đến năm 2025, giảm đến 50% rác thải nhựa trên biển, 50% ngư cụ mất hay vứt bỏ được thu gom, 80% cơ sở du lịch không dùng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy và giảm 80% rác thải nhựa tại khu bảo tồn biển… 

Thế nhưng có thể thấy, ô nhiễm môi trường biển tại nhiều nơi ở nước ta vẫn còn diễn ra nghiêm trọng. Hàng loạt hệ lụy từ ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách cần phải xử lý trên toàn quốc như các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị ảnh hưởng,... Hàng năm, chất thải, nhựa thải ra biển gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nước ta. Đây thực sự là những thiệt hại to lớn không chỉ cho nền kinh tế đất nước mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới an sinh xã hội, đặc biệt là các cộng đồng cư dân ven biển. Điều này đòi hỏi những chính sách, hành động cụ thể, quyết liệt hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước với sự góp sức của các tổ chức môi trường chuyên nghiệp. Hiện tại, Bộ TN&MT đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương, trong đó tập trung hoàn thiện, xây dựng mới hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường, chuẩn quốc gia phục vụ rác thải nhựa đại dương, xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sử dụng các sản phẩm xanh, tái chế và thân thiện với môi trường. Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, chủ động phối hợp trong việc kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương và triển khai các sáng kiến của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương... 

Thu Trung - Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 40 - 20

 
Bình luận: 0