Khánh Hòa: Khi lãnh đạo bị kỷ luật, cần xem xét thêm trách nhiệm của người tham mưu
Tuy nhiên, nếu các Sở chuyên môn, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường, nếu còn tồn tại cách làm cũ, cán bộ chuyên trách cũ thiếu trách nhiệm thì không biết đến bao giờ sự việc mới được khép lại”. Việc kéo dài thêm ngày nào để cho UBND tỉnh Khánh Hòa “sửa sai” đối với các cơ chế đưa ra cho Công ty Hòn Thị, là thêm một ngày thiệt hại nặng nề về kinh tế mà doanh nghiệp này đang phải đối mặt. Bởi thế, đến nay Công ty Hòn Thị rất cần một cách giải quyết có tâm, có tầm từ phía tân Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa.
Chiều ngày 19/8/2020, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã cho công bố Quyết định thi hành kỷ luật đối với hàng loạt cán bộ là Tỉnh ủy viên, đương chức Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh. Theo Thông báo, việc thi hành kỷ luật đối với 06 cán bộ lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh là thực hiện theo Thông báo Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương số 680-TB/UBKTTW ngày 30/8/2020. Trong đó có 03 Tỉnh ủy viên là Giám đốc Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và 01 Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh. Tất cả đều bị Tỉnh ủy Khánh Hòa Quyết định thi hành kỷ luật với hình thức: Cảnh cáo. Cụ thể đối với ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng, với cương vị là Tỉnh ủy viên (từ năm 2011 đến thời điểm kiểm tra năm 2019), ông Dẽ đã vi phạm Quyết định 1396 ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố Nha Trang (đến năm 2025); vi phạm Luật Xây dựng năm 2014; vi phạm Quy định về những điều Đảng viên không được làm; Đối với ông Trần Hòa Nam – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (từ tháng 4/2010 đến tháng 4/2012) và với cương vị là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (từ tháng 6/2015 đến thời điểm kiểm tra năm 2019) đã vi phạm Luật Đầu tư năm 2005 và Quy định về những điều Đảng viên không được làm; Riêng đối với ông Võ Tấn Thái - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (từ tháng 8/2008 đến tháng 6/2015), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (từ tháng 6/2015 đến thời điểm kiểm tra năm 2019) đã vi phạm Luật Đất đai năm 2003, 2013 và vi phạm Quy định những điều Đảng viên không được làm. Theo Tỉnh ủy Khánh Hòa, những khuyết điểm, vi phạm của 03 Tỉnh ủy viên, Giám đốc các Sở đã nêu trên là “nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân đồng chí”. Như vậy, có thể hiểu rằng các ông Lê Văn Dẽ, Võ Tấn Thái là một trong những tác nhân gián tiếp gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Hòn Thị tại Dự án Khu đô thị Hòn Thị (?)
Một trong những tác nhân gây hại cho Công ty Hòn Thị còn phải kể đến nguyên Quyền Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa tên là Nguyễn Thanh Minh. Thời điểm năm 2018 và nửa đầu năm 2019, ông Minh chính là người phụ trách phòng Khoáng sản và có trách nhiệm tham mưu cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh việc đóng cửa mỏ đá Hòn Thị, đồng thời hợp thức hóa việc thi công hạ cốt nền công trình Dự án Khu đô thị Hòn Thị. Theo tình hình thực tế lúc đó, thì UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý bằng văn bản cho Công ty Hòn Thị được phép tận dụng khối lượng đất đá tận thu được từ việc hạ cốt nền để kinh doanh, vậy nhưng không biết Phòng khoáng sản đã tham mưu thế nào khiến cho Sở Tài nguyên và Môi trường lại ban hành văn bản hướng dẫn Công ty Hòn Thị tận thu khối lượng đất đá để phục vụ cho mục đích xây dựng chính công trình đó khiến cho doanh nghiệp cứ chạy theo những thủ tục không đâu vào đâu rồi vẫn bị cho rằng không đúng quy định pháp luật. Cụ thể như thủ tục đóng cửa mỏ đối với mỏ đá Hòn Thị đã được Phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn cho Công ty Hòn Thị từ năm 2014, sau khi hoàn tất các thủ tục theo hướng dẫn, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chấp thuận cho Công ty Hòn Thị được đóng cửa mỏ đá. Vậy nhưng cho đến nay, thủ tục này lại không được công nhận, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng các thủ tục đóng cửa mỏ trước đây là không phù hợp nên phải hoàn tất lại (?). Vậy có thể hiểu được năng lực của ông Minh – nguyên Quyền Trưởng phòng khoáng sản thời điểm đó thế nào? Hay ông Minh nắm rõ thủ tục mà cố tình không chỉ dẫn doanh nghiệp cho đúng? Rồi đây, khi người đứng đầu Sở chịu kỷ luật thì cán bộ phòng chuyên môn như ông Minh liệu có bị xem xét đến hay không?
Trong nhiều lần tác nghiệp tại thành phố Nha Trang, nhiều nguồn tin cho biết: ông Minh được nâng đỡ bởi một vị lãnh đạo tỉnh, là một mắt xích rất quan trọng để các hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản cho một vài công ty được hoàn thiện nhanh chóng. Đơn cử như Công ty TNHH Hiển Vinh có khu khai thác khoáng sản tại mỏ đá Bắc Hòn Ngang, Công ty này vừa khai thác vừa sản xuất, lại vừa lập trạm trộn bê tông nhựa trên khu đất mỏ, thế nhưng rất nhiều lần phóng viên muốn tiếp cận hồ sơ về quyền sử dụng đất thì đều nhận được câu trả lời là “không có”, trong khi Công ty này vẫn được cấp phép khai thác khoáng sản. Trao đổi với cán bộ Chi cục Quản lý đất đai về việc: Tại sao không có quyền sử dụng đất mà vẫn được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản thì vị này cho biết: “Phòng khoáng sản không căn cứ vào việc có quyền sử dụng đất hay không để đề xuất cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. Cho nên hiện nay, rất nhiều vị trí được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục về đất”. Vậy căn cứ vào đâu để những Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, chúng tôi nhiều lần muốn tiếp xúc với ông Minh để hỏi cho được rõ nhưng ông này luôn né tránh trách nhiệm trả lời phóng viên mặc dù được chính lãnh đạo Sở yêu cầu. Cho đến hiện tại, thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Ông Minh được bổ nhiệm quyền Trưởng phòng khoáng sản nhiệm kỳ 05 năm, đến năm 2020 là hết nhiệm kỳ được bổ nhiệm, vì thế sau khi có Quyết định sát nhập 02 phòng Khoáng sản và Tài nguyên Nước, ông Minh trở về vị trí chuyên viên”. Như vậy là vẫn rất an toàn cho ông này và nhiều doanh nghiệp bức xúc cho rằng ông Minh cần bị đưa ra xem xét, kiểm điểm về trách nhiệm của mình trong quá trình tại vị Quyền Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa.
Hiền Anh và nhóm PVĐT
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 25 - 20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)