TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
chủ nhật, 24/11/2024

Lạc Thủy – Hòa Bình: Vì sao đồi núi vẫn cứ “mòn”?

04:27 30/04/2021
Logo header Trong những năm qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) đã đáp ứng nhu cầu xây dựng hạ tầng, kiến thiết góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Đến nay, ngành VLXD đã chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững, có quy hoạch sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên đảm bảo tiết kiệm, tái tạo và bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ theo hướng hiện đại hóa, sản xuất xanh. Tuy nhiên đâu đó còn nhiều tình trạng tùy tiện khai thác tài nguyên trái phép, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và gây thiệt hại cho trữ lượng tài nguyên quốc gia.

Tài nguyên thiên nhiên là tiềm năng của tư liệu sản xuất cho mỗi quốc gia, chính vì vậy mà Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Xây dựng kinh tế tuần hoàn được Đại hội xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững bằng việc tích cực thực hiện các hành động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên quy mô lớn trong 10 năm tới… 

Xây dựng thể chế thị trường, đẩy mạnh áp dụng các công cụ dựa vào thị trường trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường để khuyến khích đổi mới công nghệ, phương thức quản lý, hành vi tiêu dùng của xã hội theo hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn nguồn vốn tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng cho nền kinh tế, khuyến khích tận dụng tốt hơn chất thải của nền kinh tế, giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và năng lực chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc về thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Theo số liệu điều tra của Bộ Xây dựng, khảo sát thì khoáng sản làm vật liệu xây dựng của Việt Nam có tiềm năng tương đối lớn và có thể đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD trong thời gian lâu dài. Cụ thể, khoáng sản làm xi măng như: Đá vôi khoảng 44 tỷ tấn, đất sét khoảng 7,6 tỷ tấn, phụ gia khoảng 4 tỷ tấn; khoáng sản làm VLXD chủ yếu như: Đá ốp lát khoảng 37 tỷ m3, cao lanh khoảng 850 triệu tấn, fenspat khoảng 84 triệu tấn, cát trắng silic khoảng 1,4 tỷ tấn, đôlômit khoảng 2,8 tỷ tấn; khoáng sản làm VLXD thông thường như: đá xây dựng khoảng 53 tỷ m3, cát sỏi xây dựng khoảng 2,1 tỷ m3, đất sét sản xuất vật liệu nung khoảng 3,6 tỷ m3. Sản lượng khai thác khoáng sản làm VLXD ở nước ta không ngừng tăng nhanh, từ năm 2006 đến năm 2017 sản lượng khai thác, chế biến tăng gần gấp 3 lần, cụ thể năm 2017 khoảng: 140 triệu tấn đá vôi, 25 triệu tấn đất sét và gần 15 triệu tấn phụ gia cho sản xuất xi măng; 2,0 triệu tấn cao lanh, 1,5 triệu tấn fenspat và 6,0 triệu tấn đất sét cho sản xuất gốm sứ; 1,5 triệu tấn cát trắng cho sản xuất kính xây dựng; 80 triệu m3 đất sét sản xuất vật liệu nung; 120 triệu m3 đá xây dựng và 150 triệu m3 cát xây dựng các loại. Khối lượng khoáng sản VLXD đã khai thác, chế biến về cơ bản đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất VLXD, đóng vai trò quan trọng cho phát triển ngành công nghiệp VLXD của cả nước nói chung và các địa phương nói riêng, góp phần xây dựng các công trình cho phát triển KT-XH… Khoáng sản là nguồn lực quan trọng cho việc phát triển sản xuất VLXD ở Việt Nam.

Người dân gọi đây là “Mỏ đất” ở gần cầu Bông Bạc 1 KM 474+671 xã Lạc Hưng đang ngang nhiên hoạt động

Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép bừa bãi đã gây lên những hậu quả mà đến nay đang ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Tài nguyên đất của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng hiện đang bị suy thoái rất nghiêm trọng do nhiều lý do như: xói mòn, rửa trôi, nhiễm mặn, ô nhiễm đất, bạc mầu, nhiễm phèn và do biến đổi khí hậu. Hiện nay 10% đất có tiềm năng nông nghiệp đã bị sa mạc hoá. Đất là hệ sinh thái hoàn chỉnh nên thường bị ô nhiễm bởi các hoạt động của con người. Khi cuộc sống ngày càng phát triển và được nâng cao hơn thì dường như tài nguyên đất ngày càng bị suy thoái và trở nên cằn cỗi. Đất bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, chất thải nông nghiệp, ô nhiễm nguồn nước và không khí tại các khu dân cư tập trung. Nhu cầu lấy đất để san lấp, san nền tạo mặt bằng phục vụ các công trình, dự án làm vật liệu xây dựng rất lớn, tình trạng hạ cốt đất để xây dựng nhà ở, trồng trọt, chăn nuôi ở các khu dân cư có xu hướng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp. 

Ngoài các điểm mỏ được cấp phép khai thác, thời gian qua, một số cá nhân, tổ chức lợi dụng sơ hở trong quản lý của địa phương để khai thác đất trái phép. Theo khảo sát của phóng viên trong tháng 4/2021, chỉ tính riêng tại đường Hồ Chí Minh khu vực từ thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội đến cầu Bông Bạc 1 tại KM 474+671 (xã Lạc Hưng, huyện Yên Thủy, Hòa Bình) thấy có rất nhiều xe tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng như đất, đá, gạch chở quá khổ, quá tải mà qua mắt thường cũng có thể nhận rõ. Các địa điểm xung quanh tuyến đường này hiện có rất nhiều khu vực đang bị khai thác tài nguyên đất, quặng nghèo làm vật liệu xây dựng. Ở khu vực mỏ đất gần cầu Bông Bạc 1 KM 474+671 xã Lạc Hưng, huyện Yên Thủy có dấu hiệu khai thác đất trái phép, mỏ đất này thường xuyên hoạt động ngày đêm, đặc biệt vào buổi đêm luôn có hàng chục xe ô tô tải trọng lớn chờ chở đất tại đây. Theo quan sát của chúng tôi khu vực khai thác này có hoạt động rất khác với hoạt động khai thác của những đơn vị được cấp phép khai thác. Còn người dân ở đây cho biết bãi đất này đã bị khai thác từ rất lâu rồi (?)

Tri thức Xanh đã rất nhiều lần lên tiếng cảnh báo về nạn chảy máu tài nguyên thiên nhiên ở khu vực tỉnh Hòa Bình và đã phản ánh nhiều tình trạng khai thác tài nguyên trái phép. Tuy nhiên tình trạng khai thác tài nguyên tùy tiên ở đây vẫn diễn ra như không hề có ai quản lý. Điều đáng nói, hoạt động khai thác đất diễn ra công khai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, sinh thái, ô nhiễm môi trường. Việc vận chuyển đất trái phép bằng xe ô tô có tải trọng lớn, di chuyển tốc độ nhanh đã “băm nát” nhiều tuyến đường gây thiệt hại về kinh phí đầu tư xây dựng và bảo trì đường bộ là rất lớn; gây mất trật tự an toàn giao thông, đe dọa đến cuộc sống người dân… Điều kiện để nạn khai thác tài nguyên đất trái phép có phần do nhận thức của một số người dân được giao đất, giao rừng đã chỉ vì lợi ích trước mắt mà thỏa thuận cho chủ “đào mỏ” tự ý khai thác đất trái phép trên đất được giao bằng các cơ như hạ mặt bằng để trồng cây… rồi thậm chí họ còn viện cớ đào ao nuôi cá trên đồi để có cơ hội khoét sâu… làm cho đồi núi bị đào bới, khai thác loang lổ.

Theo quy định của pháp luật, tài nguyên khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ. Khi khai thác tài nguyên đất phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác. Như vậy đất có thể coi là một loại khoáng sản. Theo Nghị định 142/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định thì việc khai thác đất trái phép sẽ bị xử phạt từ 50.000.000 trở lên đối với một trong các hành vi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác được sử dụng cho xây dựng công trình đó. Nếu như khoáng sản sau khi khai thác đem bán cho tổ chức, cá nhân khác thì sẽ bị phạt đến 100.000.000 đồng.

Thực trạng về việc khai thác đất ở Lạc Thủy, Hòa Bình đang diễn ra công khai! Nhưng một thực trạng quan trọng hơn là nhiều ngày tìm hiểu, điều tra về hoạt động khai thác này thì chúng tôi không hề thấy người và phương tiện khai thác đảm bảo các quy định về an toàn lao động và càng không thấy ai, cơ quan chức năng có thẩm quyền nào xuất hiện ở khu vực khai thác nêu trên… đồi núi mỗi ngày một teo đi, xe chay mỗi ngày một khũng kiếp hơn bởi các con đường đang phải oằn mình chống đỡ. Vậy công tác quản lý của địa phương ra sao? Câu hỏi này chúng tôi xin nhường câu trả lời cho lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và chắc chắn người dân cũng như chúng tôi - những người làm báo đang mong chờ Tỉnh sẽ đưa ra câu trả lời công tâm, minh bạch về hiện tượng núi mòn.

Nguyễn Hân - Tiến Đạt

 
Bình luận: 0