TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 22/11/2024

Lũ lụt miền Trung: Cần lắm những giải pháp khắc chế

20:50 22/10/2020
Logo header Là dải đất nối hai miền Nam, Bắc, miền Trung gồm các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với bờ biển dài 1.200km và có dãy Trường Sơn chạy suốt theo bờ biển, nên đồng bằng ở miền Trung khá hẹp. Có nhiều sông rộng như sông Gianh (Quảng Bình), sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Hương (Thừa- Thiên - Huế), sông Thu Bồn (Quảng Nam) sông Trà Khúc (Quảng Ngãi).... với chiều dài đa số ngắn và độ dốc lớn. Lưu vực các sông thường là đồi núi, nên nước mưa đổ xuống rất nhanh. Trong khi đó các cửa sông lại hay bị bồi lấp bởi nhiều nguyên nhân, dẫn đến thoát lũ cho vùng đồng bằng rất chậm.

Cán bộ chiến sĩ Quân khu 4 đang ra sức kéo những đoàn cầu đứt để nối lại với nhau sớm đảm bảo lưu thông cho vùng bị cô lập do nước lũ (Quảng Ngãi)

Với địa hình và tính chất như trên, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những trận lũ lụt tại miền Trung xảy ra ngày càng khốc liệt hơn. Trong những ngày qua, mưa lũ hoành hành ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản, tàn phá nhiều cơ sở vật chất của các địa phương. Hiện chính quyền, cơ quan chức năng và nhân dân nơi đây đang tập trung ra sức phòng chống, lũ lụt. Nhân dân cả nước đang hướng về miền Trung, nỗ lực ủng hộ các địa phương, hạn chế hậu quả lũ lụt đến mức thấp nhất. Tuy nhiên dự báo những ngày tới mưa lớn còn kéo dài, cuộc chiến chống lũ lụt nơi đây còn cam go và phức tạp... 

Lũ lụt, thiên tai và hậu quả là khó tránh khỏi, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, có thể thấy chính những hành động của con người đã góp phần làm cho thiên tai, lũ lụt thêm khốc liệt, dẫn đến hậu quả thêm nặng nề; mà trước đó, nếu có sự tính toán khoa học, sự quản lý chặt chẽ, hành động có ý thức hơn, chúng ta có thể khắc chế khá nhiều hậu quả mà thiên tai, lũ lụt mang đến. Theo nhiều nhà nghiên cứu, ngoài nguyên nhân chính là các trận mưa bão kéo dài gây nên lũ lụt ở miền Trung, Tây Nguyên hiện nay, còn có nhiều nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng này. Đó là nạn phá rừng, nạn khai thác cát sỏi bừa bãi. Cạnh đó còn có cả nguyên nhân do việc xả lũ tại các nhà máy thủy điện, việc vận hành hệ thống đê đập chưa thực sự hợp lý... Trước hết có thể thấy, ảnh hưởng của nạn phá rừng đối với lũ lụt tại miền Trung, Tây Nguyên là việc không phải bàn cãi. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, chỉ trong 4 năm từ 2016 đến 2019, diện tích rừng cả nước bị triệt phá đã lên tới 7.283ha. Trung bình mỗi năm mất đi 2.430 ha rừng để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, làm thủy điện... trong đó nạn phá rừng nghiêm trọng đặc biệt xảy ra tại hai khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hiện diện tích rừng của miền Trung, Tây Nguyên chỉ còn khoảng 40% so với những năm trước đây. Ai cũng biết rừng có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn nước, chắn gió, cản sức nước chảy. Mặt khác, rễ của cây cũng góp phần hút nước lũ. Như vậy nếu diện tích rừng bị chặt phá, dẫn đến suy giảm thảm thực vật, mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi mưa lớn, tốc độ di chuyển của lũ sẽ nhanh hơn. Đây chính là nguyên nhân khiến mưa, lũ lụt trong những năm qua đặc biệt là các đợt mưa lũ từ đầu năm tới nay ở miền Trung và Tây Nguyên trở nên nghiêm trọng hơn. Đó là chưa nói đến việc rừng bị mất nhiều diện tích cũng gây ảnh hưởng lớn đến việc điều hòa khí hậu, góp phần gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa bão bất thường, giúp lũ mạnh lên, chảy xiết hơn; nhiều nơi xuất hiện lũ ống lũ quét, nhiều vực xoáy sâu gây nguy hiểm cho tính mạng người dân. 

Về nguyên nhân do xả lũ tại các nhà máy thủy điện, vận hành hệ thống đê đập chưa thực sự hợp lý, có thể thấy trong một thời gian dài vừa qua, nhiều diện tích rừng phòng hộ, đầu nguồn tại các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên đã bị san phẳng để triển khai hàng chục dự án thủy điện, mà theo nhiều chuyên gia, một số nhà máy thủy điện này chưa thực sự cần thiết và chưa phát huy được tác dụng. Việc xây dựng  nhiều  nhà máy thủy điện đã gây khó khăn cho điều tiết nước ở khu vực thượng nguồn khi mưa lớn. Những khi mưa kéo dài với lượng mưa lớn, các hồ chứa thủy lợi và thủy điện điều tiết xả lũ thì vùng hạ du sẽ phải chịu ảnh hưởng. Thực tế là trong đợt lũ lụt tại miền Trung, Tây Nguyên vừa qua, dù các cơ quan quản lý đã cố gắng điều hành các hồ đập xả lũ theo đúng quy trình, có thông báo cho người dân và các lực lượng đang tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Nhưng việc xả lũ vẫn gây ra nhiều ảnh hưởng khó lường... Đồng thời, việc khai thác bừa bãi cát sỏi các tại các dòng sông đã làm cho bờ sông bị sụt lở nghiêm trọng, gây bồi lấp, cản trở việc thoát lũ, làm cho lũ lụt lớn hơn và lâu hơn. Điển hình như vụ sụt lở bờ sông Vu Gia làm cho một khu dân cư ở huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam bị cuốn trôi trong cơn lũ năm 2000...

Khắc phục cầu phao dân sinh trong mùa mưa lũ

Có thể thấy thiên tai luôn tiềm tàng sức mạnh đáng sợ, những nguy hiểm và bất trắc khó lường, dù hiện nay khoa học phát triển mạnh, con người có nhiều phương tiện để phòng chống, nhưng cũng mới chỉ hạn chế được một phần, mà chưa thể chế ngự hoàn toàn thiên tai. Do đó, cách phòng chống thiên tại hiệu quả nhất hiện tại vẫn là nêu cao trách nhiệm, ý thức tự giác của cộng đồng, xã hội; từ các cấp chính quyền đến từng đơn vị, từng người dân. Để hạn chế hậu quả của thiên tai, lũ lụt miền Trung và Tây Nguyên cũng như trên cả nước hiện nay, nhiệm vụ cấp bách là cần phải triệt để chấm dứt nạn chặt phá rừng, tích cực khẩn trương khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ lụt nhằm bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ. Cạnh đó cần hạn chế tối đa việc khai thác bừa bãi cát sỏi trên sông.

Một việc làm không kém phần quan trọng đồng thời là cần tính toán hết sức khoa học trong việc xây dựng các nhà máy thủy điện tại miền Trung, Tây Nguyên cũng như trong cả nước. Có các giải pháp vận hành, điều tiết xả lũ thật khoa học, hợp lý trong trường hợp cần thiết. Về vấn đề này, vừa qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo các bộ, ngành và tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ động chỉ đạo công tác vận hành an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, góp phần giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo. 

Đào Nguyên Lan

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 33 - 20

Bình luận: 0