TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 26/04/2024

Mối quan hệ giữa môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam (Kỳ 2)

17:26 24/03/2022
Logo header Nhận thức được vai trò cũng như tính cấp thiết của việc giải quyết các vấn đề về môi trường, tài nguyên đối với mục tiêu phát triển bền vững, những năm qua, nhà nước ta đã đưa ra nhiều giải pháp, nỗ lực để gắn phát triển bền vững với các mục tiêu bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

Kỳ 2: Nỗ lực của nhà nước Việt Nam trong giải quyết những vấn đề tài nguyên và môi trường theo hướng bền vững

1. Xây dựng và kiện toàn hệ thống pháp luật đồng bộ để giải quyết những vấn đề tài nguyên và môi trường

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng để định hướng cho công tác BVMT nói chung cũng như sự phát triển của hệ thống pháp luật về BVMT nói riêng, như Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (1998) và Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (2004). Hệ thống pháp luật về BVMT đang từng bước được hoàn thiện theo hướng tiếp cận với các mục tiêu của phát triển bền vững.

Năm 1993, Luật BVMT đã được Quốc hội thông qua, trở thành đạo luật đầu tiên trong hệ thống pháp luật nước ta về BVMT. Kể từ thời điểm này, công tác BVMT đã có những bước chuyển biến quan trọng. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về BVMT đã được thành lập và phát triển tới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hàng loạt các văn bản pháp luật về BVMT đã được ban hành thể hiện sự quan tâm, chú trọng của Đảng và Nhà nước tới công tác này trong quá trình thực hiện phát triển bền vững, như Nghị định Hướng dẫn Thi hành Luật BVMT (1994), sửa đổi (2004); Nghị định về xử lý Vi phạm Hành chính trong lĩnh vực Môi trường (1996, sau thay thế vào năm 2004); Nghị định về Bảo tồn và Phát triển Bền vững các vùng đất ngập nước (2003); Nghị định về phí BVMT đối với Nước thải (2003); Nghị định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh các loài động vật, thực vật hoang dã (2002); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Quốc gia kiểm soát Ô nhiễm Môi trường đến năm 2010 (2005).

- Luật Tài nguyên Nước được Quốc hội thông qua vào năm 1998 và có hiệu lực từ 1/1999. Điểm đặc biệt của Luật Tài nguyên Nước là cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước mang tính liên ngành, và phối hợp thông qua việc thành lập Hội đồng Quốc gia về Tài nguyên nước ở cấp quốc gia và các Ban quản lý và quy hoạch lưu vực ở cấp địa phương.

- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược BVMT Quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (2003); Quyết định ban hành Định hướng Chiến lược phát triển Bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) (2004), và Quyết định ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về BVMT (2005).

- Năm 2005, Luật BVMT sửa đổi đã được Quốc hội thông qua nhằm luật hoá các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về BVMT và phát triển bền vững (như bổ sung thêm việc thực hiện đánh giá tác động môi trường chiến lược đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, ngành, lĩnh vực; quy định rõ ràng và chi tiết việc phân công, phân nhiệm và phân cấp quản lý Nhà nước về môi trường theo hướng tăng cường trách nhiệm cho các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp; Chi tiết hóa các điều luật nhằm dễ áp dụng trong quản lý và BVMT trong thực tiễn).

- Liên quan đến lĩnh vực tài nguyên sinh học và đa dạng sinh học, nhiều văn bản pháp lý đã được biên soạn và ban hành.

- Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam (BAP) được soạn thảo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22 tháng 12 năm 1995. BAP được xây dựng trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đã ký Công ước Quốc tế Đa dạng sinh học vào năm 1993 và được Quốc hội thông qua năm 1994. Kể từ khi ban hành đến nay, BAP là văn bản có tính pháp lý và là kim chỉ nam cho hành động của Việt Nam trong việc bảo vệ đa dạng sinh học ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương, các ngành và các đoàn thể.

- Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng được Quốc hội thông qua ngày 3 tháng 12 năm 2004 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2005. Đây là một đạo luật quan trọng, thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Luật này đã bổ sung, điều chỉnh và thay thế cho Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng năm 1991.

- Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 5/2/2007, theo đó, đến năm 2020, sẽ thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng bền vững 16,24 triệu ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng tỷ lệ đất có rừng lên 42 - 43% vào năm 2010 và 47% vào năm 2020.

- Năm 2008, Luật Đa dạng sinh học đã được Quốc hội thông qua, và có hiệu lực từ tháng 7/2009, với 8 chương, 78 điều. Bộ luật được đánh giá là đầy đủ và thống nhất về đa dạng sinh học như các quy định về hệ sinh thái, bảo tồn - phát triển bền vững các loài sinh vật và tài nguyên di truyền.

2. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan để phục hồi tài nguyên, BVMT.

a) Bảo vệ rừng và phục hồi đất đai

- Chương trình 327 (1993-1997) với mục đích phủ xanh đất trống đồi núi trọc, khai thác bãi bồi ven biển, nuôi trồng thủy sản... bằng biện pháp trồng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng...Quyết định 556 (1995) bổ sung 327 về tạo mới rừng phòng hộ và đặc dụng (từ năm 1995). Chương trình đã đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng cho phát triển và bảo vệ rừng để bảo vệ 6,79 triệu ha rừng, khoanh nuôi tái sinh gần 1 triệu ha, trồng 560.000 ha.

- Chương trình 661/5 triệu ha rừng (1998-2010): Mục tiêu là đẩy mạnh tốc độ trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ rừng hiện có và trồng mới, đưa tỷ lệ che phủ của rừng lên 43% (cụ thể trồng 2 triệu ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (1 triệu trồng mới), khoanh nuôi tái sinh 1 triệu ha, trồng 3 triệu ha rừng sản xuất). 5.900 tỷ đồng (1998-2005) đã chi để trồng mới 1,55 triệu ha rừng (63% kế hoạch), có 0,77 triệu ha rừng sản xuất (26% kế hoạch) (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2006).

- Nghị định 02 (1994), Nghị định 196 (1999) về giao đất và cho thuê đất lâm nghiệp nhằm mục đích sử dụng hiệu quả đất rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng, bảo đảm mỗi mảnh đất, khoảng rừng có chủ quản lý cụ thể. Năm 2002, 12,8 triệu ha đã giao (70,4% diện tích lâm nghiệp), trong đó doanh nghiệp Nhà nước là 4,5 triệu ha, hộ gia đình, tập thể là 4,8 triệu, còn lại là các ban quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

b) Phát triển nông thôn gắn với bảo vệ rừng

Một trong những chính sách kinh tế lớn, góp phần ổn định cuộc sống của đồng bào dân tộc là chương trình định canh, định cư được triển khai từ năm 1968 để giảm áp lực canh tác nương rẫy

- Nghị quyết 38/CP (1968) về cuộc vận động định canh, định cư cho đồng bào dân tộc, với mục đích chuyển đồng bào dân tộc còn du canh, du cư sang định canh định cư. Cuộc vận động này thực hiện trong 40 năm ở miền Bắc và hơn 30 năm ở miền Nam. Nghị quyết 22/ TW (1989) tiếp tục công tác định canh, định cư gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

- Trong khoảng 10 năm gần đây, công tác định canh, định cư thường gắn với các chương trình phát triển kinh tế cho các xã khó khăn (135), xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ miền núi (134), Chương trình trồng rừng (327/661) và các chương trình kinh tế - xã hội khác.

c) Xóa đói giảm nghèo

Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội này bao gồm các chương trình xóa đói giảm nghèo 135, 134 và Chương trình giảm nghèo bền vững cho 62 huyện trong toàn quốc.

- Chương trình 135, hay còn gọi là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo hai giai đoạn. Chương trình 135 giai đoạn 1 (1997-2006) và giai đoạn 2 (2006-2010) có mục tiêu phát triển sản xuất, cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, phát triển cơ sở hạ tầng cho 1.870 xã đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 1 có nguồn kinh phí khoảng 10 nghìn tỷ đồng và Giai đoạn 2 với khoảng 12 nghìn tỷ đồng, đã xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 37 nghìn công trình thiết yếu các loại, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn miền núi, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.

- Chương trình 134, hay còn gọi là Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, thực hiện theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ xóa nghèo cho các hộ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, được thực hiện từ năm 2004. Sau 4 năm triển khai, chương trình đã hỗ trợ gần 380.000 nhà ở, hỗ trợ đất ở được hơn 1.500 ha cho gần 72.000 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho hơn 83.500 hộ với gần 30.000 ha.

- Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, là một chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo ra sự chuyển biến nhanh về đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ nghèo, các dân tộc thiểu số ở 62 huyện nghèo trong cả nước với 4 nhóm biện pháp chính: (i) Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập (bao gồm cả đưa người lao động ở huyện nghèo đi lao động ở nước ngoài); (ii) Đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; (iii) Bổ sung nguồn lực con người ở các cấp quản lý và các tổ công tác; và (iv) Đầu tư cơ sở hạ tầng ở cả cấp thôn/bản, xã, huyện.

d) Xây dựng hệ thống các khu bảo tồn nhằm bảo tồn đa dạng sinh học

Nước ta đã xây dựng được một hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên được gọi chung là rừng đặc dụng và chia ra làm ba hạng chính: vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và khu bảo vệ cảnh quan. Tính đến năm 2005, đã có 128 khu rừng đặc dụng được thành lập với diện tích trên 2,5 triệu ha, chiếm khoảng 7,6% diện tích tự nhiên cả nước, bao gồm 30 vườn quốc gia, 59 khu bảo tồn thiên nhiên và 39 khu bảo vệ cảnh quan.

Mai Anh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh, số 158 - 02/2022

Bình luận: 0