Một số vấn đề về công tác bảo vệ môi trường và chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản
Là tỉnh nằm trong khu vực có tiềm năng khoáng sản rất lớn, Hoà Bình đã và đang có nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý khai thác và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên thanh tra, kiểm tra qua đó hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đồng thời phát hiện và xử lý đối với các chủ đầu tư có vi phạm, từng bước đưa hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản đi vào nề nếp, đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương. Cùng với đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp khai thác khoáng sản chấp hành tốt việc lập và trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt Báo cáo tác động môi trường, dự án cải tạo, phục hồi môi trường; tiến hành đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; đầu tư, lắp đặt công trình xử lý chất thải...
Tuy nhiên, việc quản lý khai thác và bảo vệ khoáng sản trên địa bàn Tỉnh vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế. Những vấn đề này, từ năm 2018 đã được UBND Tỉnh chỉ ra như:
Một số cơ quan, ban, ngành còn chưa thực sự nhận thức rõ về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình trong công tác phối hợp quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản.
Trách nhiệm quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở cấp cơ sở có nơi còn buông lỏng.
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra, chủ yếu là khoáng sản quặng vàng, sắt, tal (huyện Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn) và cát, sỏi lòng sông (lòng sông Đà vùng hạ lưu đập Thủy điện Hòa Bình)
Công tác chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chưa cao. Một số dự án khai thác khoáng sản, đặc biệt là quặng vàng, sắt chưa thực hiện nghiêm túc theo dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt gây ảnh hưởng đến môi trường. Việc thực hiện các chính sách về an sinh - xã hội, các loại bảo hiểm đối với lao động tại một số dự án khai thác khoáng sản còn hạn chế do chỉ có một số ít lao động kỹ thuật (thợ khoan, thợ máy xúc, lái xe, vận hành máy móc..) có thu nhập cao, ổn định, hợp đồng dài hạn có đóng bảo hiểm; còn lại đối với lao động phổ thông thì chỉ hợp đồng lao động ngắn hạn (dưới ba tháng), còn mang tính chất thời vụ. Một số dự án sử dụng các máy móc thiết bị cũ, lạc hậu, xe vận chuyển quá tải, quá khổ (đặc biệt là các xe chở đá làm vật liệu xây dựng thông thường) gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình và tài sản khác đối với địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
Tại Kết luận số 356/TB-TTCP ngày 04/3/2021 của Thanh tra Chính phủ, công tác bảo vệ môi trường và chấp hành quy định Pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Hòa Bình vẫn còn nhiều bất cập. Những vấn đề cụ thể đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra như sau:
Về công tác hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế dẫn tới tình trạng một số đơn vị nợ phí bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp kê khai nộp phí bảo vệ môi trường chưa đúng quy định như: áp giá tính phí chưa đúng, chưa nhân với hệ số khai thác lộ thiên (K) theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 12/2016/NĐ-CP và Điều 5, Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ, gây thất thu ngân sách cho Nhà nước.
Hiện nay, hầu hết các điểm mỏ đã được phê duyệt phương án/đề án cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở tài nguyên và Môi trường, vẫn còn 07/93 điểm mỏ chưa được phê duyệt, trong đó có 03 dự án đang trình UBND tỉnh phê duyệt, 02 dự án chưa được phê duyệt, 02 dự án đã thực hiện hoạt động khai thác nhưng chưa được phê duyệt là Dự án khai thác mỏ sét của Công ty CP tập đoàn XD và DL Bình Minh và Mỏ đá của Công ty TNHH MTV Thiên Hà - Hòa Bình.
Ngoài ra, qua kiểm tra trực tiếp tại 17 dự án khai thác khoáng sản cho thấy vẫn còn một số chủ đầu tư dự án chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành nhưng vẫn khai thác; việc quan trắc, giám sát môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất chưa đầy đủ về tần suất, vị trí; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ kết quả giám sát môi trường… Những điều này đã vi phạm Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT.
Một số dự án khai thác khoáng sản đã được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành, hiện đang hoạt động khai thác. Tuy nhiên, sau khi được cấp Giấy xác nhận chủ đầu tư thì các đơn vị này đã không duy trì thực hiện các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường đã thực hiện trước đó không phát huy tối đa hiệu quả, tác dụng.
Bên cạnh đó, một số phương tiện vận tải trong khu vực khai thác, chế biến khoáng sản của một số dự án đã hết hạn kiểm định nhưng vẫn hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, an toàn lao động trong quá trình vận chuyển khoáng sản.
Đặc biệt, dự án khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Rụt, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn của Công ty CP Vinh Quang Hòa Bình, chưa lắp đặt trạm cân tại khu vực khai thác, dẫn đến không quản lý được đối tượng khai thác, không quản lý được trọng tải xe trước khi ra khỏi mỏ theo yêu cầu của Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo phê duyệt.
Kết luận Thanh tra chỉ rõ trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư dự án, trách nhiệm liên quan thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế tỉnh và trách nhiệm chung thuộc về UBND tỉnh Hòa Bình. Đồng thời Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh hòa bình thực hiện nghiêm các quy định về xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư 37 dự án còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, cũng như truy thu đối với chủ đầu tư chưa thực hiện đúng quy định về thuế bảo vệ môi trường.
Để có góc nhìn cụ thể về những bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong khuôn khổ chuyên đề: Một số vấn đề về công tác bảo vệ môi trường và chấp hành quy định Pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Hòa Bình, Tạp chí Tri thức Xanh sẽ khảo sát, đánh giá cụ thể thực trạng công tác quản lý, khai thác tại một số dự án điển hình. Qua đó, cung cấp cho các nhà quản lý, độc giả những góc nhìn chân thực về thực trạng quản lý và những vấn đề tồn tại đang diễn ra trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông về bảo vệ môi trường và khai thác khoáng sản bền vững.
Phúc Nguyên và Nhóm PVĐT
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 55-21
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)