TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
chủ nhật, 05/05/2024

Mỹ Đức - Hà Nội: Vì sao lại buông lỏng quản lý các lò gạch nung trên địa bàn?

14:19 04/06/2020
Logo header Lãnh đạo phòng Tài nguyên - Môi trường và Quản lý Đô thị huyện Mỹ Đức cho rằng mình không nắm giữ hồ sơ liên quan tới các việc hoạt động các lò gạch nung trên địa bàn xã Hồng Sơn. Vậy việc quản lý hồ sơ và quản lý về hoạt động của các lò gạch đất sét nung trong khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc xóa bỏ các lò gạch đất sét nung để tiến tới sản xuất vật liệu xây dựng không nung sẽ ra sao?

UBND huyện Mỹ Đức

Như Tri Thức Xanh đã có bài phản ánh về tình trạng hoạt của nhiều lò gạch theo công nghệ lò vòng Hoffman tại huyện Mỹ Đức ngang nhiên tồn tại nhiều năm nay. Cụ thể là sau 02 năm ra Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, ngày 22/8/2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1469/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên đến nay trên địa bàn huyện Mỹ Đức hiện nay vẫn đang có 11 lò gạch hoạt động gồm 09 lò tại xã Hồng Sơn, 02 lò gạch tại xã An Tiến đang gây tác động nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên đất và môi trường tại địa phương. Để có thông tin khách quan, đa chiều về việc thực hiện lộ trình quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ngày 01/6/2020 phóng viên đã có 2 cuộc trao đổi trực tiếp với đồng chí Lê Nghiêm Huấn - Phó phòng Quản lý Đô thị và đồng chí Trần Văn Thể - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Mỹ Đức. Tại buổi làm việc cả 02 đồng chí đều nêu quan điểm: Hiện tại phòng không nắm giữ, quản lý hồ sơ hoạt động cũng như hồ sơ xây dựng các lò gạch nêu trên. Qua trao đổi, phòng Quản lý Đô thị thì nói việc này là do phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) và ngược lại (?). Theo ông Trần Văn Thể - Trưởng phòng Tài nguyên  & Môi trường huyện Mỹ Đức cho biết: “Trước đây trên địa bàn huyện có 142 lò gạch thủ công, theo Kế hoạch số 130 ra ngày 17/10/2012 của UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo xóa bỏ các lò gạch thủ công thì huyện đã xóa bỏ hoàn toàn 142 lò gạch thủ công. Nhưng đã có thêm 11 lò gạch xây dựng theo công nghệ lò vòng hoạt động từ đó tới nay. Tính đến hiện nay, phòng TN & MT chỉ nắm giữ những hồ sơ liên quan đến đất đai, tài nguyên môi trường của các cơ sở lò gạch nói trên, việc quản lý về cấp phép, xây dựng, các giấy tờ phải sang bên phòng Quản Lý Đô thị. Chúng tôi mới về đây, cái này tồn tại từ trước đó nên khi các anh về đây hỏi mới lục lại nên cũng không biết nó hoạt động kiểu gì. Chính ra là do thành phố vận động họ chứ nếu mà xóa ngay lúc đấy không cho một lò nào tồn tại thì giờ đã không còn…” 

Còn trong buổi làm việc với ông Lê Nghiêm Huấn - Phó phòng Quản lý Đô thị huyện Mỹ Đức, ông Huấn cũng cho biết: “Về sản lượng lò thì chúng tôi cũng không nắm rõ, theo báo cáo của họ thì vào khoảng 43 đến 44 triệu viên/năm/lò. Tại thời điểm họ lập dự án thì chúng tôi không quản lý, việc về cấp phép, giấy tờ các lò, các anh làm việc với phòng TN & MT, việc chuyển đổi thì lúc đó là phòng TN & MT phụ trách và có chỉ đạo. Các giấy phép liên quan tới lò chắc chắn chúng tôi không nắm được những cái đó, các anh làm việc với phòng TN & MT. Về quản lý, kiểm tra thì theo hiện trạng cơ sở đã tồn tại chúng tôi dựa vào đó để quản lý, về thực hiện các nghĩa vụ, về an toàn lao động, môi trường chúng tôi căn cứ vào các quy định của pháp luật để áp dụng quản lý, kiểm tra…”

Như vậy với việc trả lời phóng viên theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức thì phòng TN & MT nhận định hiện nay mình chỉ nắm giữ những giấy tờ liên quan tới đất đai, tài nguyên môi trường chứ giấy tờ chuyển đổi công nghệ nung cũng như các giấy phép liên quan tới các hoạt động sản xuất gạch đất sét nung thì Phòng không quản lý và phòng QLĐT thì cũng khẳng định việc hiện tại các giấy tờ trước lúc phòng tiếp quản lò gạch phòng cũng không hề có, việc quản lý, kiểm tra của phòng chỉ dựa trên hiện trạng đã có sẵn. Lãnh đạo các phòng thì đều bảo phòng còn lại quản lý hồ sơ, vậy phải chăng trong việc quản lý hồ sơ, hoạt động của các lò gạch đang có “vấn đề”? Hay lãnh đạo các phòng đang “lẩn tránh” việc cung cấp thông tin cho báo chí?. Đề nghị UBND huyện Mỹ Đức nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định của Luật Báo chí và Luật Tiếp cận thông tin để phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm (nếu có) trong hoạt động đốt lò gạch đất sét nung theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đức Đông - Nghĩa Huy

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 13 - 20

Bình luận: 0