Nghi Sơn - Thanh Hóa: Những điểm kinh doanh và tập kết than không được che chắn đúng theo quy định vẫn tồn tại nhiều năm nay
Hiện tượng bụi mù trời, cộng với thời tiết nắng nóng nên ảnh hưởng tới đời sống dân sinh của cư dân nơi đây, họ nói: “Có những lúc ô tô chạy qua thì chúng tôi đi xe máy phải dừng, không đi được vì bụi không nhìn thấy đường phía trước để đi, đường vào cảng nước sâu có kho kinh doanh và khai thác than mà không có bạt để che chắn, hoặc có nhưng chỉ che được một phần nhỏ nào đó, mỗi khi gió to thì những núi than khổng lồ đó thỏa sức cùng gió nhảy nhót lên trên không trung cả một vùng rộng lớn”
Theo quy định của việc kinh doanh than, ngày 15 tháng 7 năm 2013, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 14/2013/TT-BTC quy định về điều kiện đối với hoạt động mua bán nội địa, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, vận tải, tàng trữ, đại lý than (tất cả các loại than hóa thạch và than có nguồn gốc hóa thạch dưới dạng nguyên khai hoặc đã qua chế biến). Thông tư nêu rõ: “Chỉ doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong đó có đăng ký ngành nghề kinh doanh than mới được phép kinh doanh than. Than phải có nguồn gốc hợp pháp. Tùy thuộc hoạt động kinh doanh cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh than phải đảm bảo các điều kiện sau: Sở hữu hoặc thuê địa điểm kinh doanh, phương tiện vận tải, phương tiện bốc rót, kho bãi, bến cảng, phương tiện cân, đo khối lượng than; đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, điều kiện an toàn, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ theo các quy định hiện hành. Phương tiện vận tải phải có trang bị che chắn chống gây bụi, rơi vãi, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông. Địa điểm, vị trí các cảng và bến xuất than, nhận than phải phù hợp với quy hoạch bến cảng của địa phương, có kho chứa than, có trang thiết bị bốc rót lên phương tiện vận tải đảm bảo an toàn, có biện pháp bảo vệ môi trường. Kho trữ than, trạm, cửa hàng kinh doanh than phải có ô chứa riêng biệt để chứa từng loại than khác nhau; vị trí đặt phải phù hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương, bảo đảm các yêu cầu về môi trường, trật tự an toàn giao thông theo quy định hiện hành. Cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân viên trực tiếp mua bán than, nhân viên trực tiếp thực hiện dịch vụ kinh doanh than phải có chứng chỉ hành nghề được cấp theo các quy định hiện hành”.
Lần theo phản ánh của người dân, phóng viên Tri Thức Xanh đã thực tế tìm hiểu thì thấy khu vực đường vào cảng nước sâu thuộc xã Nghi Sơn, có một kho kinh doanh và sản xuất than. Trong quá trình bốc, rót than lên xuống xe và vận chuyển chưa tuân thủ về công tác bảo vệ môi trường dẫn đến tình trạng rơi vãi. Trong điểm tập kết, than cao như núi song không có bạt che chắn đậy bạt, máy nghiền than chạy ầm ĩ, bụi bay ra tứ phía. Ngoài ra còn có phương tiện vận tải chở than ra vào cảng Đai Dương chạy tấp nập và không được che phủ bạt đúng theo quy định gây rơi vãi ra đường rồi bay lan trong không khí của vùng đó khiến bụi mù và rất ngột ngạt. Trời mưa thì nước than chảy lênh láng ra đường rất bẩn, trời nắng thì bụi mù cả một vùng. Theo chúng tôi quan sát thì ngoài bãi tập kết than ở khu vực gần cảng nước sâu này cũng có bờ bao xung quanh nhưng hơi thấp nên khi máy xay than, máy xúc và việc rót than hoạt động thì chỉ hơi gió là bụi than bay ra ngoài gây bụi và ô nhiễm môi trường sống xung quanh. Thực sự nếu bất cứ ai đến thì đều không thể chịu nổi bụi than của cơ sở này. Điều này thực sự đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của dân và nhận thấy những phản ánh của nhân dân đến cơ quan báo chí là có cơ sở.
Rất nhiều chiếc máy nghiền than và than chất cao như núi không được che chắn đúng quy định.
Mặt đường rất nhiều than rơi vãi, có những nơi bột than dày hơn 1cm trên mặt đường
Hệ thống tiêu thoát chứa nước chưa đúng quy định.
Đến với khu vực cảng Nghi Sơn, nhìn vào những hàng cây với những tán lá, từng chiếc lá bị thấm một lớp bụi than dày mà xót cho những cư dân nơi đấy. Không biết chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành có biết việc này không? Và câu hỏi được đặt ra là các cơ quan quản lý đã có những phương án cụ thể nào tình trạng nêu trên đã tồn tại nhiều năm vẫn không được cải thiện? Người dân nơi đây sẽ phải gánh chịu hậu quả từ việc hàng ngày phải sống chung với bụi than thế nào đây? Tương lai nòi giống con người sẽ ra sao? Có nên đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế hay không?. Chúng tôi xin nhường câu trả lời cho lãnh đạo thị xã Nghi Sơn và sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin để phối hợp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm, đảm bảo môi trường sống cho nhân dân.
Nghĩa Huy
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 17 - 20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)