Người dân cần có ý thức tự bảo vệ mình trước những tác hại của ô nhiễm môi trường
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị, môi trường tại các thành thị và nông thôn ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay đều có các chất ô nhiễm độc hại trong không khí vượt quá giá trị chất lượng không khí trung bình. Không khí ô nhiễm tồn tại xung quanh chúng ta và rất khó để tránh khỏi, đồng thời cũng rất khó để có thể nhận biết được sự ô nhiễm không khí này bằng mắt thường. Hàng chục triệu người trên khắp thế giới, đặc biệt là tại các đô thị lớn (những nơi có mật độ giao thông dày đặc, các thành phố công nghiệp,...) của các nước đang phát triển đang phải tiếp xúc với những chất có hại trong không khí hàng ngày. Ô nhiễm không khí vừa là nguyên nhân hình thành, vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm một số bệnh, từ hen suyễn cho đến bệnh tim mạch, ung thư phổi, phì đại tâm thất, bệnh Alzheimer và Parkinson, biến chứng tâm lý, tự kỷ, bệnh võng mạc... Ở Hoa Kỳ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (The U.S. Environmental Protection Agency - EPA) đánh giá mức độ ô nhiễm bằng chỉ số AQI (Air Quality Index - Chỉ số chất lượng không khí), đây là một chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày, được sử dụng như một thước đo để biết không khí xung quanh sạch hay ô nhiễm, mức độ ô nhiễm cao hay thấp. Chỉ số AQI với 05 thông số ô nhiễm không khí chủ yếu gồm: Ozone mặt đất: Được tạo ra khi các chất ô nhiễm phát ra từ xe cộ, các nhà máy.. phản ứng hóa học với ánh sáng Mặt Trời. Ô nhiễm phân tử: Đánh giá qua chỉ số bụi mịn PM 2.5 và PM10; Carbon monoxide (CO); Sulfur dioxide (SO2); Nitrogen dioxide (NO2). Chỉ số AQI càng cao thì chất lượng không khí càng kém, mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân càng cao. Tại Việt Nam, theo nhiều số liệu cho thấy nồng độ bụi mịn PM2.5 và bụi mịn PM10 trong không khí tại khu vực thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn, có thời điểm vượt ngưỡng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới WHO và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Bụi mịn PM2.5 là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống (so với sợi tóc con người thì nó nhỏ hơn khoảng 30 lần), loại bụi mịn này được hình thành từ các chất như nitơ, carbon và các hợp chất kim loại khác và có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp và gây nên một số bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư… Bụi mịn được hình thành và sinh ra PM2.5 và bụi mịn PM10 ở các đô thị lớn hầu như là từ các công trình xây dựng, khí thải giao thông, nhà máy công nghiệp.... Đến tháng 02/2020, toàn quốc có tổng số 3,5 triệu xe ô tô và khoảng 45 triệu xe máy đang lưu hành. Trong đó, tại Hà Nội có gần 6 triệu xe máy, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 8 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương khác đi qua. Trong số các phương tiện đang lưu hành, nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố, nhiều xe qua nhiều năm sử dụng và không thường xuyên bảo dưỡng nên hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại và bụi trong khí thải cao. Đây là một trong những nguyên nhân của vấn đề ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Tổng cục môi trường năm 2019, Hà Nội trải qua ít nhất 5 đợt ô nhiễm không khí với tổng số ngày bị ô nhiễm là 75 ngày. Trong đó, có những ngày chỉ số ô nhiễm không khí AQI lên tới mức trên 330 (mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người), độ bụi mịn PM 2.5 có thời điểm trên 140 mi-cờ-rô-gam /m3, vượt gần 3 lần so với quy chuẩn Việt Nam.
Nhà nước đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát ô nhiễm không khí, nhưng tình hình được nhận định là sẽ còn tiếp tục gây ảnh hưởng đến sức khỏe trong nhiều năm sắp tới. Người dân cần tự bảo vệ sức khỏe của mình trước những tác hại của ô nhiễm môi trường. Bộ Y tế đã đưa ra những khuyến cáo để giúp hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm đến sức khỏe. Người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt), hạn chế đi mở cửa sổ và cửa ra vào khi không khí bị ô nhiễm nặng, hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga... Đối với những người đang có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cần lưu ý có những biện pháp dự phòng nghiêm ngặt hơn. Ngoài những biện pháp bảo vệ bản thân nêu trên, với khoảng 75 đến 80 triệu người trưởng thành đang dùng điện thoại di động tại Việt Nam, ngay từ đầu năm, Tổng cục Môi trường đã xây dựng và triển khai ứng dụng có tên là Envisoft trên thiết bị di động trên cả 2 nền tảng lớn là iOS và Android để công bố thông tin trực tuyến về chất lượng môi trường không khí trên phạm vi toàn quốc cho cộng đồng. Với giao diện trực quan, dễ sử dụng, ứng dụng này có các chức năng chính như sau: Hiển thị chỉ số AQI theo giờ và ngày theo thời gian thực, cung cấp biểu đồ diễn biến giá trị AQI của các giờ trước, ngày trước; Đưa ra các khuyến nghị về sức khỏe tương ứng với từng giá trị AQI; Lựa chọn các trạm quan trắc thường xuyên quan tâm theo khu vực địa lý; Xếp hạng chất lượng không khí theo các trạm quan trắc. Nguồn dữ liệu được khai thác từ kết quả quan trắc tự động, liên tục do Tổng cục Môi trường quản lý và các Trạm quan trắc môi trường do các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố quản lý, đây sẽ là kênh thông tin chính thức của cơ quan quản lý môi trường cấp Trung ương. Anh Văn Toàn ở quận Cầu Giấy chia sẻ: “Từ khi tôi cài ứng dụng Envisoft này thấy yên tâm hơn mỗi khi ra đường vì đều được cập nhật thông tin, các chỉ số ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày vào buổi sáng thức dậy và trước khi ra khỏi nhà tôi thường truy cập vào ứng dụng để kiểm tra. Khi mức độ ô nhiễm cao tôi hạn chế ra ngoài.”
Bộ Tài nguyên Môi trường khuyến khích người dân cập nhật thường xuyên chỉ số chất lượng không khí sẽ giúp người dân có những ứng phó kịp thời khi chất lượng không khí suy giảm như: giảm thiểu các hoạt động ngoài trời, hạn chế mở cửa, sử dụng các loại khẩu trang có thể hạn chế ảnh hưởng của các chất ô nhiễm trong không khí, sử dụng các loại máy lọc không khí… để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Xuân Linh
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 27 - 20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)