TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 25/04/2024

Nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ những bãi tập kết than (Kỳ 5)

17:12 01/04/2021
Logo header Sau khi có kết luận của hai đoàn kiểm tra (trong đó có một đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường), Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Đại Dương vẫn không xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động vận chuyển, tập kết ở các kho chứa và bãi tập kết than tại Cảng tổng hợp quốc tế Đại Dương.

Như Tri thức Xanh đã đưa tin ở các kỳ trước, trước những bất cập trong việc chấp hành pháp luật về môi trường tại Khu kinh tế Nghi Sơn, ngày 20/4/2020 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 965/QĐ-BTNMT thành lập Tổ kiểm tra để giám sát việc chấp hành pháp luật về môi trường trong Khu kinh tế Nghi Sơn, trong đó có Công ty Cổ phần Khoáng sản Đại Dương (Công ty). Ngày 21/12/2020, Tổ kiểm tra đã lập biên bản yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Đại Dương phải có những biện pháp tăng cường thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, đến ngày 26/3/2021, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động tập kết, vận chuyển than vẫn không thuyên giảm, thậm chí ô nhiễm hơn.

Những chiếc xe đổ than ngay cầu Cảng, sát mặt nước biển.

Theo như phản ánh của người dân địa phương cũng như khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy hiện nay, nhà dân ở hai bên đường gần với khu vực bãi chứa than và cây cối xung quanh phủ đầy bụi than. Nguyên do tại mỗi khi máy xay than hoạt động, máy xúc bốc than lên các phương tiện chuyên chở gây bụi mù mịt, gió biển cùng xe cộ cuốn bụi than lan ra diện rộng gây ô nhiễm không khí, ngột ngạt. Ngoài ra, hệ thống tiêu, thoát chứa nước chưa đảm bảo ngăn giữ lượng than bột chảy ra theo đường thoát nước. Khi trời mưa, nếu không được xử lí kịp thời nước thải than sẽ chảy tràn xuống biển vì những kho bãi chứa than này nằm ngay sát bờ biển.

Tại biên bản kiểm tra và kết luận ngày 21/12/2020, Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định: “Tại thời điểm giám sát, Công ty có xây lắp tường bao bằng lưới chắn gió tại một số khu vực lưu giữ than tại bến cảng nhằm hạn chế bụi phát sinh trong quá trình lưu giữ nguyên liệu rời; có bố trí một số điểm phun sương ở phía đường đi gần mép cảng; bố trí xe phun nước rửa đường. Tuy nhiên hiệu quả giảm thiểu bụi của các thiết bị này chưa cao”. “Hoạt động bơm xi măng bằng xe bồn lên tàu thực tế phát sinh nhiều bụi nhưng chưa có biện pháp giảm thiểu”. “Tại khu vực sân chứa than do Công ty than Thanh Hóa thuê mặt bằng có lắp đặt 01 dây chuyền nghiền, sàng than không đúng theo nội dung báo cáo ĐTM được phê duyệt. Công ty báo cáo đơn vị này chuẩn bị trả lại khu vực sân bãi thuê để chuyển thiết bị và nguyên liệu đến khu vực khác”. Bên cạnh đó, Đoàn công tác cũng yêu cầu Công ty “rà soát việc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường trong báo cáo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt liên quan đến việc cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom, thoát nước mưa bề mặt, báo cáo với Tổ giám sát kết quả thực hiện”.

Bể xử lý nước thải của điểm tập kết than ở Cảng Đại Dương

Không biết Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đoàn kiểm tra của Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa, một số phòng ban thuộc thị xã Nghi Sơn đã đến làm việc kiểm tra tại Cảng Đại Dương và các bãi than này như thế nào?; lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Đại Dương thực hiện lời hứa khắc phục ra sao?. Nhưng đến thời điểm này, theo ghi nhận của phóng viên mọi thứ vẫn không có gì thay đổi tại các bãi chứa than nằm trong khu vực cảng, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Hệ thống thu gom, thoát nước mưa bề mặt không đáp ứng khiến nước mưa chảy tràn cuốn trôi gần như toàn bộ bụi than xuống biển, gây nguy hại rất lớn cho hệ sinh thái.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự 2015 quy định trường hợp pháp nhân thương mại thải ra môi trường lượng khí bụi vượt mức cho phép gây ô nhiễm môi trường sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường, hình phạt cao nhất có thể là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.

Tại sao các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa vẫn buông lỏng quản lý, để tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng? Liệu có phải là do công tác quản lý nhà nước về môi trường còn nhiều yếu kém, phân công, phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng; việc thi hành pháp luật chưa nghiêm như Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị đã chỉ ra? Hay do có sự bao che, dung túng cho doanh nghiệp?

Những câu hỏi này rất cần các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa vào cuộc, đặc biệt là Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban Nhân dân thị xã Nghi Sơn, nơi có các bãi chứa và tập kết than của Cảng Đại Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường (PC05) Công an tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần phải kiến nghị những biện pháp xử lý theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định hướng dẫn, không dung túng cho các sai phạm kéo dài. Để có những góc nhìn cụ thể hơn về vấn đề này, Tạp chí Tri thức Xanh sẽ tiếp tục thông tin đến cho bạn đọc trong các kỳ tiếp theo.

Nghĩa Huy và Nhóm PVĐT

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 55-21

Bình luận: 0