Nha Trang - Khánh Hòa: Đất Dự án Khu đô thị Mỹ Gia chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nay bị dính đến vụ án hình sự. Phải chăng là hệ lụy của việc nhắm mắt làm ngơ cho sai phạm trong quản lý và thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh Khánh Hòa? (Kỳ 12)
Có hay không tên gọi “Khu đô thị Mỹ Gia - Vĩnh Thái” ?
Sau khi nhận được Giấy triệu tập của Tòa án, UBND tỉnh Khánh Hòa tức tốc gửi một văn bản khẩn đến Sở Tài nguyên và Môi trường để ủy quyền cho Sở này đại diện làm việc nhưng cũng có trách nhiệm kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xử lý các nội dung vượt quá thẩm quyền sau khi đã lĩnh hội từ phía TAND; Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Nha Trang và các đơn vị có liên quan khẩn trương có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh trả lời TAND. Theo đó, ngày 12/6/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã có Văn bản số 2407/STNMT-CCQLĐĐ.NV gửi Văn phòng Đăng ký đất đai Khánh Hòa, Phòng Đo đạc, Bản đồ - Viễn thám và Chi cục Quản lý đất đai về việc rà soát ranh giới giao đất, cho thuê đất Dự án Khu đô thị Mỹ Gia. Các nhiệm vụ cụ thể được giao như sau: Văn phòng đăng ký đất đai và Phòng Đo đạc, Bản đồ - Viễn thám kiểm tra, rà soát ranh giới, diện tích trích đo địa chính đã lập (đính kèm các quyết định giao đất, cho thuê đất), ranh giới cấp Giấy chứng nhận QSD đất. Kiểm tra sự phù hợp giữa ranh giới trích đo địa chính đã giao đất, cho thuê đất với quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt tại Dự án; Chi cục Quản lý đất đai cung cấp hồ sơ cho thuê đất, giao đất cho Phòng Đo đạc, Bản đồ - Viễn thám và Văn phòng Đăng ký đất đai. Trên cơ sở kết quả rà soát nội dung trên, chủ trì họp với 2 phòng nêu trên, tham mưu lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh xử lý đất đai đối với Dự án. Dường như đây là hành động rất chậm trễ trong công tác quản lý sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh của Sở Tài nguyên và Môi trường nói riêng cũng như các Sở ban ngành khác nói chung, nhưng dù sao cũng đáng mừng là việc kiểm tra, rà soát sẽ được diễn ra theo chỉ đạo từ văn bản nêu trên và hy vọng những sai phạm (nếu có) sẽ được xử lý trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Về quá trình hợp tác của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển đô thị Thái An (gọi tắt là Công ty Thái An) tại Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái (xin lưu ý là Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái vì Dự án này được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chứ Dự án Khu đô thị Mỹ Gia cho đến nay vẫn không được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nên chiểu theo Luật Đầu tư thì có thể coi là Dự án hoạt động không có giấy phép). Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, được biết ngày 15/7/2006, Công ty cổ phần Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ (ISTACO) thuộc Tổng Công ty Than Việt Nam sau khi được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái với quy mô 185,1715 ha, đã ký Hợp đồng Hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh (gọi là TTC) để đầu tư, sử dụng và khai thác kinh doanh tiểu dự án (gói 1) Khu dân cư Thái An. Trên thực tế, sự giao kèo này không phải để thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị theo đúng quy mô, mục đích của Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, mà chỉ để tranh thủ sử dụng đất trái mục đích. Trên phần diện tích đất theo thỏa thuận là 26ha trong tổng diện tích đất được giao, các bên đã xác định giá trị của lô đất này là 45 tỷ đồng, theo đó TTC sẽ thanh toán cho ISTACO 22,6 tỷ đồng để đổi lại quyền tham gia hợp tác đầu tư và phần tiền này được tính là giá trị góp vốn hợp tác của TTC. Từ đó, TTC đã góp vốn bằng tiền mặt là 89,6 tỷ đồng (bao gồm cả 22,6 tỷ đồng trả cho ISTACO, tương đương với 80% vốn theo thỏa thuận nêu trên) để hoàn thành phần diện tích được coi là Gói 1; giá trị còn lại là 22,4 tỷ đồng (tương đương 20% tỷ lệ vốn góp) được ISTACO quy đổi bằng giá trị khu đất để thực hiện giao dịch. Cả hai cùng thống nhất sẽ thành lập Ban quản lý để thực hiện và thành lập pháp nhân mới.
Ngày 05/12/2007, ISTACO và TTC cùng bà Nguyễn Thanh Thủy (vợ ông Nguyễn Thiện Nhân - đại diện pháp luật của TTC) đã thành lập Công ty Thái An theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) số 4200724920 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cấp, có Vốn điều lệ là 120 tỷ đồng với cơ cấu vốn gồm: TTC góp 56 tỷ đồng (tỷ lệ 46,47%); bà Nguyễn Thanh Thủy góp 39,6 tỷ đồng (tỷ lệ 33%); ISTACO góp 24,4 tỷ đồng (tỷ lệ 20,33%); Tháng 10/2009, ông Phạm Văn Tân (trợ lý của ông Trần Phương Bình) vay tiền từ Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) với khoản vay là 95,6 tỷ đồng để thanh toán cho việc mua lại 79,67% vốn của Công ty Thái An. Ngày 27/10/2009, Công ty Thái An thay đổi ĐKKD và cơ cấu cổ đông thành: ông Phạm Văn Tân góp 95,6 tỷ đồng (tỷ lệ 79,67%); ISTACO góp 24,4 tỷ đồng (chiếm 20,33%); Tháng 5/2012, Công ty cổ phần vốn An Bình vay của DongABank khoản tiền 23,043 tỷ đồng để mua lại 20,33% của ISTACO, đồng thời thay đổi ĐKKD theo tỷ lệ vốn góp: ông Phạm Văn Tân góp 95,6 tỷ đồng (tỷ lệ 79,67%); Công ty cổ phần vốn An Bình góp 24,4 tỷ đồng (chiếm 20,33%). Điều đáng nói là trong năm 2010 (tức trước thời điểm ISTACO bán toàn bộ vốn góp của Gói 1 cho Công ty cổ phần vốn An Bình) thì Công ty này đã ký Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần phát triển đô thị Vĩnh Thái (gọi tắt là Công ty Vĩnh Thái) để nhận về hơn 10 tỷ đồng.
Từ những diễn biến nêu trên, cho thấy việc UBND tỉnh Khánh Hòa khi giao toàn bộ khu đất với diện tích hơn 185ha cho ISTACO để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái là cơ sở, nền móng để thực hiện triển khai dự án khu đô thị mới theo sự phát triển chung là một chính sách tốt đẹp. Nhưng do đã buông lỏng quản lý trong suốt một thời gian dài, thậm chí còn được hiểu là làm ngơ cho các diễn biến có biểu hiện sai phạm như đã nêu ở trên nên mới dẫn đến tình trạng mua bán, chuyển nhượng bất hợp pháp dưới nhiều hình thức khác nhau mà hệ lụy là cả một hệ thống chính quyền phải tham dự hầu Tòa và những người dân trong diện bị quy hoạch thu hồi đất phục vụ dự án thì sống leo lắt do bị ảnh hưởng của Dự án dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài mà đến nay vẫn chưa có hồi kết. Thiết nghĩ, các cấp có thẩm quyền cần phải có biện pháp quyết liệt trong kiểm tra, rà soát và quản lý thực hiện Dự án thì mới có thể đảm bảo trong sạch môi trường đầu tư dự án tại tỉnh Khánh Hòa. Thông tin sẽ được tiếp tục cập nhật trong những số ra tiếp theo.
Thu Trung và nhóm PVĐT
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 17 - 20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)