TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 22/11/2024

Nha Trang - Khánh Hòa: Việc khai thác cát sỏi lòng sông khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ tái hiện câu chuyện “Ông Ký Đại”

20:56 28/05/2020
Logo header Việc nạo vét, khơi thông luồng lạch các cửa biển để đảm bảo cho tàu thuyền ra vào neo đậu, tránh trú bão cũng như phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá là hết sức cần thiết. Nhưng vấn đề là quy trình, giải pháp được thực hiện thế nào để vừa phù hợp quy định, quy hoạch đã được được phê duyệt, vừa đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả công trình một cách bền vững lại là vấn đề dư luận quan tâm.

Tỉnh Khánh Hòa vốn có tiền lệ phá vỡ quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt, nhìn từ vụ việc Khu đô thị Hòn Thị cho đến vụ việc cấp quyền quản lý khai thác Dự án nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ bất tuân quy định pháp luật. Có lẽ bởi thế mà nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã phải chịu trách nhiệm trước Đảng. Nhưng còn những hệ lụy do những nguyên lãnh đạo này để lại thì cũng cần được xem xét và xử lý triệt để những vi phạm (nếu có) để củng cố lại niềm tin cho người dân xứ trầm hương, cũng như làm trong sạch môi trường đầu tư, kinh doanh nơi đây.

Khu vực Sông Tắc – Hòn Rớ

Căn cứ theo Thông tư số 10/VBHN-BGTVT do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành ngày 02/11/2015 quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển, cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách Nhà nước và quản lý Nhà nước về hàng hải đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trong vùng nước cảng biển và luồng hàng hải thì Nhà nước khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thực hiện hoạt động nạo vét tất cả các tuyến luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm với chi phí nạo vét phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và của nhà đầu tư. Tuy nhiên để có thể thực hiện được dự án liên quan này thì phải tuân thủ về trình tự thủ tục pháp lý và phải được thông qua cấp có thẩm quyền phê duyệt. Có nghĩa là cứ tháng 01 hàng năm, căn cứ theo kế hoạch, nhu cầu phát triển, khai thác cảng biển, lưu lượng tàu thuyền và hàng hóa thông qua cảng biển, dự kiến mức độ sa bồi và kinh phí thực hiện, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức lập danh mục các dự án khuyến khích thực hiện nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách Nhà nước trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt (Điều 2, TT số 10); Danh mục các dự án phải có những nội dung chủ yếu như: Tên dự án (tên tuyến luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển). Mục tiêu của dự án. Địa điểm thực hiện dự án. Tóm tắt các thông số kỹ thuật, chuẩn tắc thiết kế chủ yếu của công trình, khối lượng nạo vét dự kiến, thời gian thực hiện. Từ đó, Bộ GTVT tổ chức lấy ý kiến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án đi qua, thẩm định và phê duyệt danh mục các dự án khuyến khích thực hiện nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Điều 3 của Thông tư quy định: “Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện công bố danh mục dự án đã phê duyệt trên Trang thông tin điện tử của cơ quan theo quy định. Danh mục dự án được công bố phải có những nội dung chủ yếu quy định tại khoản 3 Điều 2 của Thông tư này. Về thủ tục đăng ký thực hiện dự án (quy định tại Điều 4): Nhà đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị đăng ký thực hiện dự án gồm: Văn bản đăng ký thực hiện dự án theo Mẫu số 1 Phụ lục của Thông tư này; Hồ sơ pháp lý của nhà đầu tư (Giấy chứng nhận kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư và các Hợp đồng hợp tác, liên doanh, liên kết có liên quan, nếu có); Hồ sơ năng lực tài chính của nhà đầu tư: báo cáo tài chính do nhà đầu tư lập và chịu trách nhiệm, trừ trường hợp doanh nghiệp thành lập mới để thực hiện dự án; giấy tờ chứng minh nguồn vốn của doanh nghiệp hoặc văn bản cam kết tài chính thực hiện dự án; Quyết định hoặc hợp đồng thực hiện dự án tương tự của nhà đầu tư (nếu có). Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp nhận và xử lý hồ sơ và có văn bản trả lời về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận đăng ký thực hiện dự án”.

Trở lại câu chuyện của Dự án nạo vét khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ. Chúng tôi đã rà soát danh mục dự án trên Cổng thông tin điện tử Cục Hàng hải Việt Nam thì không hề thấy có tên của Dự án này, điều đó chứng tỏ Dự án nạo vét này chưa hề được thông qua bởi Cục Hàng hải Việt Nam và Bộ GTVT như các quy định trong Thông tư số 10/VBHN-BGTVT. Vậy có thể hiểu rằng, các nguyên lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã “ký đại, ký bừa” cho doanh nghiệp làm ăn phi pháp không? Về trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại Điều 11a Thông tư 10/VBHN-BGTVT quy định rất rõ như sau: “Không quy hoạch, thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông thuộc diện tích các khu vực nạo vét duy tu luồng hàng hải và khu nước, vùng nước trong vùng cảng biển đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Thực hiện thủ tục đăng ký khối lượng sản phẩm tận thu của các dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải và khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển theo đề nghị của nhà đầu tư phù hợp với quy định pháp luật; Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải khu vực và các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hài và khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển; phối hợp xử lý các hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện dự án và hoạt động khai thác cát trái phép theo quy định”.

Nếu chiểu theo các quy định tại Thông tư số 10/VBHN-BGTVT thì việc UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Văn bản số 10760/UBND-KT ngày 16/11/2017 về việc nạo vét khu vực mở rộng khu neo đậu tàu cá tránh trú bão cảng cá Hòn Rớ và Quyết định số 172/QĐ-UBND ngày 16/01/2019 Phê duyệt phương án nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Khu vực Sông Tắc - Hòn Rớ là hoàn toàn không hợp quy. Hơn thế nữa, theo Quyết định số 172/QĐ-UBND thì doanh nghiệp được phép khai thác và quản lý Dự án này lại không phải Công ty cổ phần phát triển đô thị Vĩnh Thái; Thủ tục đăng ký tận thu sản phẩm của Dự án là trách nhiệm chính của UBND tỉnh thì đến nay vẫn chưa hoàn thành, ấy vậy mà các khu vực sử dụng cát thu được từ việc nạo vét của Dự án nay mọc thêm cả biệt thự, mà không một cấp có thẩm quyền nào xem xét đến những biểu hiện sai phạm này? Trên Trung ương có thể chưa biết, nhưng không lẽ nào ngay các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh lại không biết để báo cáo, xem xét và xử lý. Hay báo cáo rồi mà UBND tỉnh làm lơ không chỉ đạo xử lý? Trong một lần tiếp xúc mới đây, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND Thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi có chia sẻ về việc nạo vét, thông luồng các cửa biển như sau: “Xã hội hóa phải nằm trong khuôn khổ pháp lý, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Chính vì vậy, khi triển khai thực hiện công trình nạo vét, thông luồng của biển theo hình thức xã hội hóa, cần lựa chọn những doanh nghiệp đáp ứng cả chuyên môn lẫn năng lực, các giải pháp công trình phải đảm bảo an toàn công trình và khu vực xung quanh. Các ngành liên quan cũng phải tăng cường công tác kiểm tra và kiểm soát quy trình thực hiện, nhất là khối lượng thực hiện của doanh nghiệp, tránh tình trạng lạm dụng xã hội hóa để trục lợi”. Thiết nghĩ với trách nhiệm của một Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND Thị xã mà còn đau đáu như vậy thì liệu Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa như hiện nay sẽ suy nghĩ thế nào về vấn đề này để đảm bảo doanh nghiệp không trục lợi từ việc xã hội hóa?

Thu Trung và Nhóm PVĐT

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 12 - 20

Bình luận: 0