TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 21/11/2024

Nha Trang: Về Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Mỹ Gia (Kỳ 2)

17:33 26/03/2020
Logo header Năm 2004, Công ty cổ phần Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ - VINACOMIN được UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ định thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái, thuộc thành phố Nha Trang. Cho đến hiện nay, Dự án này đã qua tay không ít chủ đầu tư, cũng như có biểu hiện của việc tự chuyển đổi mục đích thực hiện Dự án khiến dư luận quan tâm và kiến nghị làm rõ.

Những căn biệt thự đã được đưa vào sử dụng tại Dự án.

Ngày 16/01/2018, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo số 84/TB -TTCP về việc Kết luận việc chấp hành chính sách pháp luật, nhiệm vụ tại Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (gọi tắt là TKV) và một số đơn vị thành viên. Theo nội dung Thông báo này thì: “Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc TKV và Tổng Công ty Khoáng sản (thời kỳ trước ngày 31/12/2005) đã quyết định chủ trương và quản lý quá trình thực hiện đầu tư tài chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm các quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý, bảo lãnh nợ vay vượt quá thẩm quyền… Hậu quả là: một số khoản đầu tư không có hiệu quả, thua lỗ, mất vốn với giá trị rất lớn”. Cụ thể như việc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ - VINACOMIN (tên viết tắt là ITASCO), là Công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam được UBND tỉnh Khánh Hòa “ưu ái” cho thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái tại thành phố Nha Trang vào năm 2004. Sau 06 năm “đắp chiếu” thì Dự án này được ITASCO chuyển nhượng cho một Công ty khác để thu về hơn 10 tỷ đồng. Câu hỏi được đặt ra là liệu rằng phi vụ chuyển nhượng này có tuân thủ các quy định của pháp luật hay không? Theo Điều 21, Luật Kinh doanh Bất động sản số 63/2006/QH11 ngày 29/06/2006 (sửa đổi bổ sung tại Điều 19, Luật Kinh doanh Bất động sản số 66/2014/QH13, ngày 25/11/2004, có hiệu lực thi hành ngày 01/07/2015) quy định việc chuyển nhượng bao gồm: Toàn bộ dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Theo đó, các thủ tục pháp lý có liên quan được hướng dẫn chi tiết tại các Điều 6, 7, 8, 9 Chương II, Nghị định số 153/NĐ-CP. Như vậy, chiểu theo Luật định thì loại hình Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị không thuộc diện được phép chuyển nhượng. Vậy UBND tỉnh Khánh Hòa căn cứ vào đâu để đồng ý cho các doanh nghiệp chuyển nhượng Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Vĩnh Thái hết lần này đến lần khác? Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết lần đầu tiên Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái được UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép chuyển nhượng là vào năm 2011. Việc chuyển nhượng này được bắt đầu từ IS- TACO thuộc Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam với Công ty cổ phần phát triển đô thị Vĩnh Thái (gọi tắt là Công ty Vĩnh Thái). Tại Quyết định số 1070/QĐ-UBND ngày 27/04/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép chuyển nhượng toàn bộ Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái (Giai đoạn 1) với lý do: “Chủ đầu tư cũ (ISTACO) không đảm bảo khả năng tài chính để thực hiện dự án sau khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, nguồn vốn của Công ty bị hạn chế đối với lĩnh vực đầu tư ngoài ngành; Hiện tại Công ty gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí và huy động vốn để tiếp tục thực hiện dự án”. Kèm theo đó, điều kiện để được chuyển nhượng dự án được đưa ra là: “Trong quá trình thực hiện tổ chức triển khai. Chủ đầu tư cũ thực hiện dự án chậm tiến độ so với tiến độ được phê duyệt, vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 153/2007/NĐ- CP; Việc thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật không đạt tiến độ yêu cầu theo các giai đoạn tương ứng của Dự án được phê duyệt, vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 7 Nghị định 153/2007/NĐ - CP. Do vậy, cần chuyển đổi chủ đầu tư để dự án thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả đầu tư”.

Đất tại Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái đã được chia lô, xây dựng nhà ở

Về điều kiện để được chuyển nhượng dự án mà UBND tỉnh đã nêu trong Quyết định số 1070/QĐ-UBND. Điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 153/2007/NĐ-CP quy định: “Chủ đầu tư không thực hiện đúng nội dung dự án sau 12 tháng, kể từ ngày nhận bàn giao đất mà không thực hiện triển khai dự án hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng so với tiến đô được duyệt” thì Cơ quan cho phép đầu tư quyết định thu hồi văn bản cho phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư dự án để giao cho chủ đầu tư khác tiếp tục thực hiện; Khoản 4 Điều 7 quy định một trong các điều kiện chuyển nhượng toàn bộ dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (lưu ý: không áp dụng cho dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị): “Phải hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho toàn bộ dự án hoặc theo giai đoạn và phải có các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng với nội dung, tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt”. Áp dụng các Điều Luật này là cơ sở để UBND tỉnh cho phép chuyển nhượng dự án nêu trên sẽ thấy không hề phù hợp quy định, bởi các lẽ sau: “Thứ nhất: UBND tỉnh cho rằng Chủ đầu tư cũ (ISTACO) là thực hiện Dự án chậm tiến độ theo quy định. Vậy thì không thể áp dụng Khoản 4, Điều 7 của Nghị định số 153/2007/NĐ-CP để quy thành vi phạm được bởi diễn giải nêu trên; Thứ hai: Trong trường hợp Chủ đầu tư cũ chậm tiến độ thực hiện Dự án theo quy định thì cơ quan cho phép đầu tư (trong trường hợp này là UBND tỉnh Khánh Hòa) phải ban hành các Quyết định thu hồi Giấy phép đầu tư và Giấy chứng nhận đầu tư thì mới hợp quy tại Điều 10 của Nghị định này”. Nhưng thay vì phải ban hành Quyết định thu hồi Giấy phép đầu tư và Giấy chứng nhận đầu tư, thì UBND tỉnh lại ban hành Quyết định cho phép chuyển nhượng dự án. Như vậy có phải UBND tỉnh Khánh Hòa đã tự ban hành Quyết định không đúng với luật pháp Việt Nam hay không.(?) Có biểu hiện vi phạm về đầu tư, nhưng ISTACO vẫn thu về hơn 10 tỷ đồng từ “Thương  vụ  chuyển nhượng dự án”. Liệu đây có được coi như một món hời hoặc một sự ưu ái mà UBND tỉnh Khánh Hòa dành cho ISTACO trong diễn biến Công ty này được UBND tỉnh cho là gặp khó khăn trong giai đoạn sau cổ phần hóa? Sự ưu ái đến từ phía chính  quyền  tỉnh  đối  với  việc chuyển nhượng dự án nêu trên không chỉ nằm ở một Quyết định số 1070/QĐ-UBND, vì ông Nguyễn Chiến Thắng – Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (thời điểm năm 2011) còn ký Quyết định cho phép chuyển nhượng khi mà sự chuyển nhượng, mua bán đã được hoàn tất từ năm 2010. Đây là một điểm rất bất thường nhưng không biết vì sao UBND tỉnh Khánh Hòa thời điểm đó lại cho là bình thường? Phải chăng những cán bộ quản lý tỉnh này lại có thể để doanh nghiệp dễ dàng qua mặt đến vậy? Căn cứ theo Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái số  159/HĐKT/ISTACO-VTC,  thì Hợp đồng này được ký kết vào ngày 16/09/2010 (tức là trước 07 tháng so với Quyết định cho phép của UBND tỉnh Khánh Hòa) . Gồm các nội dung chính như sau: “Tên công trình: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái (giai đoạn 1); Địa điểm thực hiện dự án: Giai đoạn 1 của dự án chiếm 188,5 ha (được điều chỉnh xuống còn 1.819.657 m2 theo Quyết định số 844/QĐ-UBND ngày 03/04/2008) nằm trong quy hoạch Khu đô thị Vĩnh Thái (241 ha) thành phố Nha Trang, đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, thuộc xã Vĩnh Thái và xã Vĩnh Hiệp; Mục tiêu và quy mô dự án: Chuyển đổi khu đất ruộng canh tác trũng, hay bị ngập úng của xã Vĩnh Thái và Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang thành khu đô thị hoàn chỉnh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đất ở cho nhân dân trong và ngoài tỉnh, tạo cảnh quan đô thị phù hợp với một thành phố du lịch. Đầu tư xây dựng mới hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái (giai đoạn 1) trên diện tích 1.819.657 m2 theo quy hoạch chi tiết được duyệt; Cơ cấu sử dụng đất, quy mô công trình, các giải pháp kỹ thuật chính và tái định cư của dự án: Thực hiện theo hồ sơ dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Vĩnh Thái do Công ty cổ phần phát triển đô thị (IDC) lập tháng 09/2004. Chủ đầu tư có trách nhiệm dành một quỹ đất trong khu đô thị và đầu tư toàn bộ hạ tầng kỹ thuật để tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa của dự án (giai đoạn 1)…”

Từ những phân tích trên, cho thấy việc UBND tỉnh Khánh Hòa (thời điểm năm 2011) Quyết định cho phép ISTACO và Công ty Vĩnh Thái được chuyển nhượng Dự án chỉ là hành động mang tính “hình thức”, thực chất giữa bên mua và bên bán đã có sự “móc ngoặc” với nhau từ trước mà cả chính quyền tỉnh lẫn chính quyền sở tại đều không biết hoặc  nhắm  mắt  làm  ngơ  (?). Thương vụ này đem lại cho IS-TACO 10,5 tỷ đồng; còn Công ty Vĩnh Thái thì tự biến đổi mục tiêu và quy mô dự án để sắn đất ra bán; Người dân xung quanh thì khóc dở mếu dở vì dự án “biến tướng” này làm ảnh hưởng đến đời sống; còn hạ tầng kỹ thuật để tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa của Dự án thì vẫn “nằm ở trong mơ” chưa biết bao giờ thành hiện thực?

Liệu UBND tỉnh Khánh Hòa (thời điểm hiện tại) có đang làm ngơ cho những sai phạm đã tồn tại trong nhiều năm qua khiến người dân khốn khổ và bức xúc hay không? Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc trong những số báo tiếp theo.

Thu Trung và nhóm PVĐT

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 03 - 20

Tin tức liên quan

Bình luận: 0