Nhiều vấn đề trong việc thu gom rác thải sinh hoạt cần được quan tâm và xử lý
Trên tinh thần thẳng thắn cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nhấn mạnh và nhận định vụ việc tiềm ẩn điểm nóng phức tạp, bởi nguyên nhân dẫn đến tình hình nêu trên là do người dân bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, đặc biệt là những ngày gần đây, khu bãi rác bốc mùi nồng nặc; các xe chở rác bị ùn ứ, đỗ hàng dài ngoài đường làm rò rỉ nước rác, bốc mùi hôi thối dọc tuyến đường từ đường 35 đi Bắc Sơn, nhất là tại khu vực thôn 2, xã Hồng Kỳ, gây tiếng ồn, bốc mùi ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân; việc đổ rác trong bãi lên quá cao, nguy cơ gây mất an toàn cho người dân; các hộ dân bức xúc vì tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn vùng bán kính 500m từ hàng rào xử lý chưa đảm bảo tiến độ; ngoài ra bãi rác Nam Sơn này đã quá tải, hạn vận hành bãi rác là 20 năm nhưng đến nay đã hơn 20 năm, hiện tại một số nhà dân chỉ cách bãi rác hơn 100m, thời gian gần đây mùi từ bãi rác bốc ra với bán kính xa, ảnh hưởng cả đến thị trấn Sóc Sơn khiến người dân rất bức xúc. Bí thư Thành ủy cho rằng: “Do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, ở dưới đẩy lên, ở trên thì đẩy ngang cho nhau, công tác phối hợp giữa các cơ quan của huyện, của thành phố chưa tích cực, việc tổ chức thực hiện kết luận, văn bản của thành phố còn thiếu trách nhiệm của sở với địa phương, với người dân; Những vấn đề còn tồn tại như: Hợp đồng thu gom rác, xử lý nước thải chưa được ký, bên cạnh đó là công tác điều phối, quản lý vận hành chưa tốt; các đơn vị làm chưa hết sức mình, còn bị động, không giải quyết căn cơ các vấn đề; công tác thanh tra, kiểm tra thiếu kịp thời làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân trong khu vực”.
Không chỉ đối với khu Liên hợp xử lý rác thải Sóc Sơn xảy ra vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân trong khu vực, mà ngay trong nội đô Hà Nội, vấn đề xử lý rác thải cũng đang ở mức báo động. Đơn cử như tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội, công tác duy trì vệ sinh môi trường, thu gom rác trên địa bàn cũng đang gặp nhiều khó khăn. Báo cáo của UBND phường Yên Phụ gửi UBND quận Tây Hồ hồi đầu năm 2020 có nêu: “Do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ cao Quang Minh trong thời gian qua không đảm bảo việc thu gom rác trên địa bàn, tình trạng công nhân bỏ không thu gom rác tại một số ngõ, ngách. Thời điểm trước Tết và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Công ty Quang Minh chậm chi trả lương thưởng cho công nhân dẫn đến công tác thu gom rác trên địa bàn phường không được thực hiện thường xuyên, rác thải không được vận chuyển, tồn đọng trong nhiều ngày tại khu vực ngõ 32 An Dương và một số điểm khác. UBND phường đã phối hợp với Ban quản lý Hồ Tây thường xuyên đôn đốc, lập biên bản kiểm tra đối với Công ty Quang Minh để có biện pháp khắc phục các tồn tại về công tác thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn, tuy nhiên năng lực của Công ty hạn chế, dẫn đến việc duy trì, thu gom rác vẫn không được đảm bảo dẫn đến rác ngập tràn trên địa bàn phường, ùn ứ chiếm gần hết lòng đường gây mất vệ sinh môi trường và ách tắc giao thông”. Tình trạng này cho đến nay vẫn chưa được khắc phục bởi trong Văn bản số 242/UBND(QLĐT) mới đây (ngày 25/8/2020), UBND phường Yên Phụ vẫn đề nghị Công ty Quang Minh khẩn trương thu dọn, vận chuyển các xe thu gom rác hư hỏng, thủng đáy để bừa bãi tại một số vị trí thuộc quản lý của UBND phường gây mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì: “rác thải hay còn gọi là chất thải, là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác”. Theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP thì chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác sinh hoạt, là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người) phải được thu gom theo tuyến để vận chuyển tới điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Trên các đường phố chính, các khu thương mại, các công viên, quảng trường, các điểm tập trung dân cư, các đầu mối giao thông và các khu vực công cộng khác phải bố trí các thiết bị lưu chứa phù hợp và điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt; Các thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt phải có kích cỡ phù hợp với thời gian lưu giữ, phải đảm bảo tính mỹ quan; Trong quá trình vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo không làm rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi, nước rò rỉ. Theo đó, trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo đủ yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom, vận chuyển toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại những địa điểm đã quy định; Chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi rác thải sinh hoạt, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển; Phải tổ chức khám bệnh định kỳ, đảm bảo các chế độ cho người lao động… Nghị định 38/2015/NĐ-CP cũng quy định: “Các tổ chức, cá nhân phát sinh rác thải có trách nhiệm nộp phí, giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật”.
Tại thành phố Hà Nội, căn cứ theo Quyết định số 54/2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND thành phố Hà Nội thì giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đối với cá nhân cư trú tại các phường là 6.000 đồng/người/ tháng; đối với các cá nhân cư trú tại các xã, thị trấn là 3.000 đồng/ người/ tháng; ngoài ra đối với các hộ kinh doanh khách sạn, nhà hàng, buôn bán… thì giá dịch vụ thu gom rác giao động từ: 3.000 đồng/ hộ/ ngày đến 130.000 đồng/ hộ/ tháng đối với lượng rác thải cần thu gom < 1m3/ tháng); từ 208.000 đồng - 500.000 đồng đối với lượng rác thải cần thu gom > 1m3/ tháng…; riêng chất thải nguy hại (rác thải y tế, công nghiệp nguy hại) phải thực hiện theo các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, trách nhiệm của UBND quận, huyện, thị xã phải “xây dựng phương án và tổ chức thu giá dịch vụ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ, đáp ứng mục tiêu giảm chi ngân sách địa phương cho công tác dịch vụ duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý”. Vậy tại sao vẫn có tình trạng như Công ty Quang Minh chậm chi trả tiền lương cho công nhân, dẫn đến tình trạng thu gom rác thải sinh hoạt bị bỏ ngỏ gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh như đã nêu ở trên? Tri thức Xanh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ và thông tin tới bạn đọc trong những số ra tiếp theo.
Hiền Anh
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 34 - 20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)