TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 21/11/2024

Những điều cần biết về Chính phủ điện tử (Kỳ 2)

14:58 12/04/2022
Logo header Chính phủ điện tử (CPĐT) là phương tiện để hoàn thành những mục tiêu lớn lao của xã hội, dựa trên việc thay đổi cách thức, quy trình làm việc của các cơ quan Nhà nước, không chỉ dừng lại ở tính hiệu quả của các thủ tục mà còn là cải cách và phát triển toàn diện phương thức quản lý Nhà nước.

Kỳ 2: Chính phủ điện tử  hướng đến Chính phủ hiệu lực, hiệu quả

Chính phủ điện tử xu hướng tất yếu cho một Chính phủ hiệu quả

Mỗi một quốc gia khi xây dựng chiến lược quốc gia về CPĐT đều có những mục tiêu nhất định đặt ra, tuy có thể khác nhau ở một số điểm tuy nhiên mục tiêu phổ biến nhất của quá trình xây dựng CPĐT đó là tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả điều hành Nhà nước của Chính phủ, tạo sự thuận lợi cho dân chúng, tăng cường sự công khai minh bạch, giảm chi tiêu Chính phủ.

Một số mục tiêu cụ thể như:

Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, hiệu quả

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng CPĐT sẽ giúp tạo ra một môi trường thúc đẩy kinh doanh thông qua việc cải thiện mối tác động qua lại và tương tác giữa chính phủ và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bằng việc giảm bớt các khâu rườm rà trong thủ tục và chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ nhanh chóng và hiệu quả, CPĐT có thể tạo ra các điều kiện thu hút đầu tư nhiều hơn.

Dịch vụ công trực tuyến

Việc xây dựng CPĐT giúp cung cấp các dịch vụ công tới người dân, doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến, giúp rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tinh giảm biên chế cán bộ nhân sự phụ trách, giảm thiểu các chi phí phát sinh, thuận tiện hơn cho người sử dụng.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ

Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ được thể hiện ở một số điểm như: Nâng cao tính minh bạch và độ tin cậy của Chính phủ với người dân, đồng thời hạn chế nạn tham nhũng; Cung cấp thông tin nhanh chóng tới các chủ thể sử dụng các dịch vụ công; Cắt bớt các thủ tục, các quy trình giải quyết vụ việc giúp giải quyết nhanh, tiết kiệm chi phí, giảm bớt nạn quan liêu, cửa quyền, nâng cao năng suất lao động của cán bộ công chức.

Thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quản lý Nhà nước

CPĐT tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xây dựng chính sách, đóng góp vào quá trình xây dựng luật pháp, hoạch định chính sách, chức năng quản lý xã hội ….. CPĐT cung cấp nhiều thông tin hơn cho người dân, giúp họ tham gia nhiều hơn, tích cực hơn, chủ động hơn vào công tác quản lý xã hội của Nhà nước.

Hiện nay có hai mô hình xây dựng CPĐT đang được áp dụng đó là: Một là mô hình từ trên xuống. Phương pháp này có đặc điểm là mức độ kiểm soát cao của chính quyền trung ương và thường bao gồm cả việc phát triển chiến lược. Hai là phương pháp từ dưới lên, trong đó mỗi một đơn vị hay chính quyền địa phương độc lập phát triển các dự án riêng của mình, các tiêu chuẩn chung thường rất linh hoạt, chiến lược tổng thể quốc gia không quan trọng lắm.

Làm cách nào để xây dựng CPĐT hiệu quả?

Để CPĐT có thể hoạt động hiệu quả cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn, khoa học từ nhiều bước, nhiều phương diện khác nhau trong đó phải kể đến một số khâu như:

Xây dựng cơ sở hạ tầng CPĐT phù hợp

Cơ sở hạ tầng thông tin chính phủ (GII) là một mạng lưới kết nối tất cả các cơ quan của chính phủ, cần phải đảm bảo rằng mọi người dân đều có thể hưởng lợi đầy đủ từ CPĐT. Xây dựng GII là một công việc hết sức tốn kém đòi hỏi phải lập kế hoạch liên ngành và liên chính quyền. Cần phải xem xét những vấn đề sau trong việc xây dựng GII.

- Chi phí : Các phân tích về lợi ích chi phí có thể giúp chính phủ quyết định hoặc mở một phần mạng đường trục của chính phủ và thu tiền phí kết nối đối với các nhà khai thác viễn thông để duy trì việc khai thác hoặc cùng sử dụng mạng tư nhân trong trường hợp có những hạn chế về mặt chi phí.

- Cơ sở hạ tầng. Bao gồm cơ sở hạ tầng hiện nay của đất nước, tình hình phát triển Internet, mật độ điện thoại, tốc độ thay đổi công nghệ, sự cho phép hội tụ và đầu tư về băng rộng.

- Các lợi ích và rủi ro. Có một mạng đường trục của riêng mình đảm bảo việc truyền thông của chính phủ được mở và bảo đảm an ninh tuyệt đối. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải có vốn cho việc nâng cấp và bảo dưỡng mạng lưới và chi phí cho việc thuê một đội cán bộ kỹ thuật hỗ trợ mạng, bảo mật thông tin.

Cấu trúc phần mềm

Cấu trúc phần mềm liên quan đến kết cấu được tổ chức ở mức độ cao của hệ thống phần mềm. Một nền tảng CPĐT được tổ chức tốt, an ninh và linh hoạt rất cần thiết đối với các chính phủ để đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng cho việc cung cấp dịch vụ qua Internet và các kênh cung cấp trong tương lai.

Xây dựng một cấu trúc chung cho CPĐT cần phải có các hệ thống liên khai thác an ninh và tin cậy cho phép sử dụng các tiêu chuẩn Internet và WWW hiện có đối với tất cả các cơ quan chính phủ, ở tất cả các cấp. Đây là một phương pháp thực dụng làm giảm bớt chi phí và rủi ro trong việc khai thác các hệ thống công nghệ thông tin trong khi vẫn giữ cho khu vực công theo kịp sự phát triển của Internet trên phạm vi toàn cầu. Ý tưởng về một hệ thống liên khai thác trong cùng một chính phủ có nghĩa là các cơ quan có thể dễ dàng “nói chuyện với nhau”- qua việc gửi email hay trao đổi thông tin-mà không xảy ra bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào ẩn đằng sau sự vận hành trôi chảy .

Xây dựng lộ trình thực hiện

Thông thường, để xây dựng CPĐT cần thực hiện các bước

+ Xây dựng tầm nhìn CPĐT : trong đó xác định rõ mục tiêu và mục đích của CPĐT là gì; gắn xây dựng CPĐT với với các mục tiêu lớn của đất nước; thu hút sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chiến lược phát triển CPĐT.

+ Đánh giá mức độ sẵn sàng điện tử: Cần thực hiện đánh giá những cơ sở vật chất kỹ thuật, con người đã có từ đó xác định những việc cần chuẩn bị về nhân lực, trình độ kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật; tài chính; các quy định pháp lý.

+ Xác định các mục tiêu cụ thể, thực tế: Cần trả lời được các câu hỏi sau Những dịch vụ chính phủ nào sẽ được cung cấp qua CPĐT?  Xây dựng các tiêu chí đánh giá để đo độ thành công, thất bại hoặc tiến độ của dự án CPĐT? Xác định các cơ quan và những người ủng hộ trong chính phủ, những người sẽ giữ vai trò lãnh đạo trong việc đi đầu, phát triển và triển khai các dự án CPĐT?

+ Tập trung các thủ tục hành chính và thay đổi phương thức quản lý: Trước hết cần thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ công quyền, của người dân về CPĐT; Xây dựng được các quy chuẩn đạo đức, quy chuẩn nghiệp vụ cán bộ trong bối cảnh sử dụng CPĐT; Xây dựng các nguyên tắc kiểm tra, giám sát nghiệp vụ của cán bộ công chức.

+ Xây dựng liên kết công – tư nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cũng như kinh nghiệm, khả năng chuyển giao công nghệ của khu vực tư nhân với khu vực Nhà nước. Mối liên kết công – tư được xây dựng dựa trên các nguyên tắc như: Đảm bảo hoàn vốn đầu tư cho khu vực tư nhân; ngăn chặn rò rỉ chất xám, nhân lực của khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân….

Bùi Quang Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 159 - 03/2022

 

Bình luận: 0