Những điều nhức nhối nhìn thấy hàng ngày
Việc phát triển xây dựng mới các khu đô thị và nhà ở cũng phát sinh một lượng chất thải rắn xây dựng (CTRXD) ngày càng nhiều, cùng với đó hiện tượng đổ trộm phế thải xây dựng ở những bãi đất trống, bờ sông, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, bụi bặm và mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến sự phát triển hạ tầng đô thị trong tương lai.
Chỉ tính riêng thành phố Hà Nội, trung bình mỗi ngày trên địa bàn có khoảng trên 2000 tấn CTRXD (theo Sở Xây dựng Hà Nội). Thành phố hiện như một đại công trường với hàng nghìn công trình xây dựng lớn nhỏ. Lượng CTRXD hàng ngày sau khi phá dỡ thu gom không được phân loại, đa số chưa qua xử lý đã được các đơn vị đem đi san lấp. Việc xử lý chất thải nói chung và CTRXD nói riêng đang là vấn đề nóng, nhức nhối trong quá trình phát triển. Đây là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc quản lý CTRXD.
Những hành vi đổ trộm CTRXD xuống hành lang đường bộ, đê điều, sông ngòi, đất nông nghiệp ngày càng tăng. Hàng ngày, không khó để những người dân có thể nhận ra được những bãi rác thải xây dựng ngổn ngang trên đường phố. CTRXD đổ bừa bãi đổ ra lòng, lề đường gây ách tắc giao thông và là trở ngại lớn cho người đi bộ, đã xảy ra nhiều tai nạn nghiêm trọng do tình trạng này gây ra. Những nơi không có người dân ở, bãi đất trống, đê điều, bờ sông cũng được tận dụng để làm nơi chứa loại chất thải này, gây nên tình trạng mất mỹ quan đô thị, môi trường và nhiều nơi ảnh hưởng đến dòng chảy của các con sông. Bà T trú tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Nhiều xe cứ đi qua đường khu nhà tôi và cứ đổ rác thải xây dựng ra đó. Họ thường đổ vào buổi trưa và buổi đêm. Có bãi đất trống nào là họ tận dụng đổ hết, vừa gây mất vệ sinh vừa làm xấu tuyến phố”.
Những hành vi đổ trộm CTRXD do những người trực tiếp đầu tư xây dựng và doanh nghiệp nhận phá dỡ, đã không thực hiện theo đúng quy định. Tại Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/05/2017 của Bộ Xây dựng về việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng quy định rằng chủ đầu tư các công trình nhà ở phải có trách nhiệm về việc quản lý CTRXD tại công trình theo Thông tư và phải lập thông báo kế hoạch quản lý CTRXD đến Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp xã tối thiểu 07 ngày trước khi khởi công. Dù đã được quy định cụ thể như vậy, nhưng tình trạng đổ trộm loại chất thải này vẫn ngày một gia tăng. Chúng ta thường hay cho rằng tình trạng này là do đơn vị dịch vụ xử lý nhưng lỗi cũng nằm ở chính những người đang làm chủ đầu tư công trình xây dựng. Những phương án tổ chức để vận chuyển, xử lý vật liệu sau khi phá dỡ chưa được thực sự quan tâm đúng mức. Việc thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đổ CTRXD bừa bãi hiện nay.
Cùng với đó, để tiết kiệm chi phí giảm giá thành, những bên vận chuyển và xử lý RTXD đã tìm những bãi đất trống, đê điều, bờ sông không có người trông coi để đổ trái phép. Thông tư 08/2017/TT-BXD đã quy định trách nhiệm của bên thu gom vận chuyển. CTRXD phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng. Nhưng do việc xem nhẹ những quy định của pháp luật và bằng mọi cách để giảm chi phí về vận chuyển và chi phí trạm trung chuyển nên thường xuyên vi phạm. Các trạm trung chuyển rác luôn ở trong tình trạng quá tải, gặp khó khăn trong việc vận chuyển và xử lý CTRXD cũng là một trong những yếu tố gây nên tình trạng nêu trên. Trong Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 đã quy định các hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái các quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường; tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị xử phạt từ 2 triệu đến 250 triệu đồng. Ngoài ra buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu. Mức xử phạt đối với hành vi đổ trộm phế thải xây dựng đã được quy định khá rõ ràng như vậy nhưng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe?
Câu hỏi được đặt ra ở đây ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư nhà ở và các đơn vị vận chuyển thì vai trò quản lý của các cơ quan chức năng trong vấn đề CTRXD như thế nào? Việc những chiếc xe tải lớn chở CTRXD đi qua những con phố hàng ngày mà thiếu sự giám sát của các bên có trách nhiệm. Và liệu có tình trạng chậm trễ trong việc phát hiện và xử lý hành vi gây ảnh hưởng tới môi trường này? Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ gia đình, cá nhân khi cải tạo, xây dựng mới công trình có phương án xử lý, vận chuyển phế thải đến đúng nơi quy định, tăng cường giám sát, xỷ lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm. Đặc biệt mỗi người dân cần nêu cao trách nhiệm tinh thần đấu tranh, kịp thời ghi nhận những hành vi đổ trộm CTRXD của các tổ chức cá nhân thông báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý. Nhà nước cũng cần có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn để những đơn vị xử lý rác thải nhằm đẩy lùi tình trạng đổ CTRXD xây dựng để vừa đảm bảo môi trường, tận dụng được tài nguyên và mỹ quan đô thị.
Tiến Đạt
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 23 - 20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)