Những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường chung
Là một quốc gia tích cực và chủ động, Việt Nam đã kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ôzôn theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal
Vào tháng 10/1985, các nhà khoa học đã phát hiện trên tầng ôzôn một “lỗ thủng” bằng diện tích của cả nước Mỹ ở Nam Cực. Đến năm 1987, người ta lại phát hiện tầng khí ôzôn ở Bắc Cực có hiện tượng mỏng dần và có nguy cơ lại xuất hiện một “lỗ thủng” nữa tại đây. Điều này chứng tỏ tầng ôzôn đang ngày càng bị tổn thương mà phần lớn nguyên nhân được cho là do con người. Các chất khí này được sử dụng phổ biến trong các công nghệ làm lạnh của con người như máy điều hòa, tủ lạnh, dung dịch giặt tẩy, bình cứu hỏa,… Khi thoát ra ngoài, các chất khí thuộc dạng freon bốc thẳng lên tầng ôzôn trong khí quyển Trái đất và phá vỡ kết cấu tầng này, làm giảm nồng độ khí ôzôn. Đây là các chất khí không có trong tự nhiên mà do con người tạo ra. Việc sớm dừng hoặc hạn chế sản xuất, sử dụng các dạng hóa chất ảnh hưởng tới tầng ôzôn là biện pháp hữu hiệu nhất để cứu “tấm khiên” của Trái đất hiện nay. Việc tầng ôzôn đang bị tổn thương có thể dẫn đến những tác hại vô cùng to lớn đối với cả con người, động vật và cả các loại thực vật. Nếu tầng ôzôn tiếp tục bị hủy hoại, một lượng lớn tia tử ngoại sẽ chiếu thẳng xuống Trái đất. Con người sống sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư da, thực vật không chịu nổi nhiều tia tử ngoại chiếu vào sẽ bị mất dần khả năng miễn dịch, các sinh vật dưới biển bị tổn thương và chết dần.
Đứng trước nguy cơ hiện hữu, ngày 16 tháng 9 năm 1987, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn đã được 196 quốc gia phê duyệt. Đây là một hiệp ước quốc tế được thiết kế để bảo vệ tầng ôzôn bằng cách loại bỏ dần việc sản xuất nhiều các chất được cho là chịu trách nhiệm về sự suy giảm ôzôn. Các chất làm suy giảm tầng ôzôn bị kiểm soát, loại trừ theo quy định của Nghị định thư Montreal, bao gồm: CFC, Halon, CTC, HCFC và Methyl Bromide; các chất này được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu. Sau hơn 30 năm thực hiện, cùng với nhiều lần sửa đổi, đến nay Nghị định thư Montreal đã giúp loại bỏ 99% các chất làm suy giảm tầng ôzôn có trong tủ lạnh, điều hòa và nhiều sản phẩm khác. Cứ mỗi thập kỷ trôi qua tính từ năm 2000, tỷ lệ phục hồi của tầng ôzôn là 1-3%. Với tỷ lệ phục hồi như vậy, theo tính toán, tầng ôzôn ở Bắc Bán Cầu sẽ được phục hồi hoàn toàn vào năm 2030, đến năm 2050 tầng ôzôn tại Nam Bán cầu và đến năm 2060 tại những vùng cực Nam bán cầu sẽ được khôi phục hoàn toàn. Những nỗ lực bảo vệ tầng ôzôn đã đóng góp cho công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua ngăn ngừa phát thải khoảng 135 tỷ tấn CO2 tương đương từ năm 1990 đến năm 2010. Năm 2016, Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Montreal đã thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali để kiểm soát và loại trừ các chất HFC có xu hướng làm gia tăng sự nóng lên của khí hậu lên đến 0,4oC của nhiệt độ Trái đất vào cuối thế kỷ. Năm 2019, “lỗ thủng” tầng ôzôn ở Nam Cực được ghi nhận là nhỏ nhất trong vòng 3 thập kỷ qua, đồng thời không mở rộng ra theo xu hướng thông thường. Đây được coi là thành quả đáng ghi nhận của cộng đồng quốc tế sau những nỗ lực thực hiện các biện pháp phục hồi và bảo vệ tầng ôzôn.
Nước ta là một trong những nước tham gia sớm vào các công ước quốc tế về bảo vệ tầng ôzôn cũng như Nghị định thư Montreal. Là một quốc gia tích cực và chủ động, Việt Nam đã kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ôzôn theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal đạt được nhiều kết quả tốt đẹp và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Các loại chất được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu đã được hạn chế và dần được loại bỏ. Với nhiều nỗ lực trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 01/01/2010. Đồng thời, loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl Bromide cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu từ ngày 01/01/2015, qua đó đáp ứng nghĩa vụ loại trừ 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC. Tính đến nay, Việt Nam đã đóng góp vào sự thành công của Nghị định thư Montreal thông qua loại trừ tiêu thụ khoảng 800 tấn ODP các chất làm suy giảm tầng ôzôn. Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên – Môi trường, trong khi Việt Nam đã loại trừ thành công hầu hết các chất làm suy giảm tầng ôzôn, nhưng vẫn phải đối mặt với thách thức mới gắn liền với xu hướng gia tăng sử dụng các chất thay thế có hiệu ứng khí nhà kính cao - các chất hydro - fluoro - các bon còn gọi là các chất HFC, những chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ôzôn. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Dự án kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II (2018-2023) nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC. Dự án được triển khai thực hiện dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 80 doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ nhằm đạt mục tiêu loại trừ tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 và loại trừ hoàn toàn HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong sản xuất xốp cách nhiệt, tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, loại trừ các chất HCFC. Song song với đó, việc nâng cao nhận thức của các ngành, người dân và các bên liên quan về loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam cũng được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm triển khai thực hiện quyết liệt. Việt Nam một lần nữa thể hiện trách nhiệm là thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, tích cực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước, cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát và loại trừ các chất HFC khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 4/9/2019 chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn. Việc triển khai thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali loại trừ các chất HFC ở Việt Nam sẽ giúp loại trừ hàng triệu tấn CO2 tương đương, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên – Môi trường), để thực hiện hiệu quả hoạt động quản lý, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ôzôn theo Nghị định thư Montreal, sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng và thực thi các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước đóng vai trò quan trọng.
Có thể thấy rằng với điều kiện còn nhiều khó khăn của đất nước, nhưng Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang thể hiện những nỗ lực một cách cao nhất có thể để bảo vệ tầng ôzôn nói riêng và môi trường sống nói chung của Trái đất. Đồng thời góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc thực hiện xây dựng một nền kinh tế gắn với khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đức Đông
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 25 - 20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)