TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 02/05/2024

Ninh Giang - Hải Dương: Rõ ràng là có sự “Buông lỏng”, sao chưa xử lý?

15:42 23/07/2020
Logo header Tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt ở các địa phương trong cả nước là câu chuyện đã cũ nhưng luôn nóng, bởi những áp lực ngày càng gia tăng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, tại nhiều địa phương ngoài rác thải sinh hoạt, những nơi tập kết rác cũng đang gồng mình chứa thêm cả tấn rác thải công nghiệp mỗi ngày do sự thiếu ý thức, vụ lợi của “lợi ích nhóm” trong chịu trách nhiệm thu gom, xử lý rác tại địa phương.

Rác thải tại tràn ngập ra sông Rùa gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Tại Quyết định về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 05 nguyên tắc và 07 thông số vệ sinh lao động Số: 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ Y Tế ra ngày 10/10/2002 chỉ rõ tại mục 4.11. Công trình kỹ thuật vệ sinh và các bộ phận thiết bị công cộng có ghi: “4.11.1. Khoảng cách 1000m đối với các: a. Bãi chứa và kiểm loại rác (chất rắn và chất lỏng) các phế liệu thối hỏng. b. Đống tro bay mùi các chất thối và đống phân huỷ các chất bẩn. 4.11.2. Khoảng cách 500m đối với các: a. Nhà máy trung tâm tận dụng lại rác và đốt rác. b. Bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh. c. Đống và bãi phân rác. d. Bãi chôn lấp chất thải công nghiệp. e. Bãi để các phương tiện chuyên chở rác và chất bẩn. f. Bể thu các loại nước thải, nước cống thành phố, thị trấn, khu xử lý nước thải. g. Nghĩa địa. h. Kho chứa các nguyên liệu hỏng và đưa vào tận dụng. 4.11.3. Khoảng cách 100m đối với các: - Kho chứa tạm các nguyên liệu rác không có xử lý.”

Những phương tiện đổ trộm rác thải công nghiệp vào bãi rác thị trấn Ninh Giang

Quy định thì cụ thể thế nhưng nhiều năm qua tại thị trấn Ninh Giang những câu hỏi như: “Tập kết rác ở đây đã đúng quy định chưa?”, “Rác công nghiệp thu gom từ đâu đến đây?”, “Quy trình xử lý rác công nghiệp như thế nào mà ở tại đây lại đốt trực tiếp?”, “Dân kêu cứu hàng chục năm nay tại sao chính quyền địa phương không xử lý cho dân?”, “Đốt rác hàng ngày, hàng tuần tại sao chính quyền bảo đốt trộm mà không xử lý?”... được người dân tại Khu 1 thị trấn Ninh Giang (khu 5 cũ) và người dân tại nhiều địa phương lân cận bãi tập kết rác của thị trấn Ninh Giang đặt ra từ lâu vì bãi rác tại đây được đặt ngay cạnh khu dân cư không chỉ tại Ninh Giang mà còn là xã Hà Kỳ, huyện Tứ Kỳ. Sự việc ô nhiễm gây ra từ bãi rác đã khiến nhiều hộ gia đình tại đây phải di dời nơi ở, song những nghi vấn mà người dân tại đây đặt ra thì chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay đi tìm lời giải.

Để có được thông tin chính xác, khách quan nhất đưa tới bạn đọc, Tri thức Xanh đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp với UBND thị trấn Ninh Giang, tại đây các vị lãnh đạo của Thị trấn khẳng định với chúng tôi: “Bãi rác đến bây giờ vẫn là bãi tập kết rác thải sinh hoạt của thị trấn, còn việc có rác thải công nghiệp và đốt là do họ đổ rồi đốt trộm”. Qua trao đổi nhanh với Tri thức Xanh, ông Đỗ Văn Luận - Chủ tịch UBND thị trấn Ninh Giang cho biết: “Anh mới đảm nhận công tác được một thời gian ngắn nên cũng chưa nắm hết được mọi việc,... việc xảy ra tại bãi rác tập kết của thị trấn Ninh Giang thì đã xảy ra từ khá lâu. Sự việc đốt rác ở đây là có người đã đổ rồi đốt trộm, địa phương đã tổ chức mai phục để bắt và xử lý .. nhưng đến thời điểm bây giờ hầu như chưa xử lý được trường hợp nào”(?) Một sự việc đã xảy ra hàng chục năm nay, không biết đã qua bao đời lãnh đạo địa phương, không chỉ vậy sự việc còn được chính quyền địa phương tổ chức “mai phục” nhằm bắt và xử lý sai phạm mà đến nay vẫn chưa xử lý trường hợp nào?. Về trách nhiệm của UBND thị trấn Ninh Giang, ông Luận cho biết: “Những nội dung bên báo chí phản ánh, bọn anh buông lỏng quản lý dẫn tới bãi rác xuất hiện rác thải công nghiệp, chuyện đó là rõ ràng và đang hiện hữu. Bọn anh không bao che việc đó... Vấn đề tại đây xuất phát từ sự buông lỏng quản lý dẫn đến việc đốt trộm rác thải...”. Như vậy sự buông lỏng quản lý cũng được vị Tân Chủ tịch tại đây khẳng định.

Trong quá trình tìm hiểu sự việc, phóng viên Tri thức Xanh còn được người dân tại đây bức xúc chia sẻ: “Ngày nào nó cũng cháy, chả bao giờ thấy khói từ bãi rác ngừng bay lên cả, chưa kịp hết khói từ lần trước đốt thì nó đã chở ùn ùn đến đổ ra rồi. Khói bốc lên từ bãi rác thì đen kèm theo mùi khét rất khó chịu. Khu tập kết thì bảo là rác thải sinh hoạt thế nhưng nó đem rác công nghiệp đến đây đốt cũng chẳng ai xử lý. Có khi rác tại đây chất cao quá đầu người, mỗi lần đốt thì bay sang cả huyện Tứ Kỳ, Thái Bình rồi cả Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Rác thải còn tràn cả ra con sông Rùa ngay cạnh bãi rác khiến nước sông chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối cực kỳ khó chịu làm cho cuộc sống sinh hoạt của người dân dọc con sông rất khó khăn”. Không chỉ vậy theo như người dân tại Khu 1 thị trấn Ninh Giang cho biết thêm thì những “núi” rác hầu hết là rác thải công nghiệp từ các công ty giày da, may mặc trên địa bàn được tập kết về đây rồi bằng một lý do nào đó nó bốc cháy nghi ngút. Đã có lần khiến cho dây điện của các hộ dân tại Khu 1 bị cháy gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho các hộ dân. Người dân thì nhiều lần phản ánh gay gắt thế nhưng sự việc đâu lại vào đấy, rác thải công nghiệp vẫn “hiên ngang” theo từng xe rác tới đây đổ “trộm”. Như vậy sự “buông lỏng quản lý” tại đây như ông chủ tịch nói có dừng lại ở việc buông lỏng hay còn có sự “bao che” nào đó cho hàng loạt vi phạm gây ô nhiễm môi trường qua nhiều năm qua? Bấy lâu nay, ở nơi nào xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực như vi phạm pháp luật, tham ô, tham nhũng, lãng phí v.v.., chúng ta vẫn nói ở đó có sự “buông lỏng quản lý”. Cụm từ này dễ hiểu, chẳng có gì phải giải thích: Lãnh đạo quan liêu, bàng quan, thiếu đi sâu đi sát để cho cấp dưới làm bậy, sai nguyên tắc, quy định, có khi tự tung tự tác dẫn tới những hậu quả xấu đến cuộc sống nhân dân, tổn hại đến ngân sách hoặc làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Nhưng sự thật không như vậy, hay nói chính xác hơn là không hoàn toàn như vậy. Ở những nơi để xảy ra nhiều bê bối khiến người dân bất bình, tình hình phổ biến hơn là những người có trách nhiệm đã không hề “buông lỏng” mà ngược lại, là rất sát sao, bám sát, nắm rất chắc cấp dưới làm liều, làm bậy nhưng đã tảng lờ, thậm chí còn đồng lõa, tiếp tay để ăn chia, để được nhận hối lộ hậu hĩnh. 

Sự việc này rất cần cái nhìn nghiêm túc từ các cấp có thẩm quyền từ huyện, tỉnh và các bộ ban ngành liên quan. Không cớ gì một bãi rác gây ô nhiễm nhiều năm, người dân kêu cứu không biết bao nhiêu lần, chính quyền tổ chức “mai phục” mà lại không xử lý được dứt điểm (?). Trong khi đó, qua tìm hiểu tác nghiệp vài ngày, phóng viên phát hiện những chiếc xe đổ rác thải công nghiệp vào bãi rác sinh hoạt nơi đây. Vậy câu hỏi được đặt ra là có hay không sự “bao che, tiếp tay” cho việc “đổ trộm” rác thải công nghiệp? Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền tại đây để cung cấp thông tin tới bạn đọc.

Nghĩa Huy

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 20 - 20

Bình luận: 0