Ninh Giang - Hải Dương: Uẩn khúc đằng sau bãi rác
Việc đốt rác tại đây không chỉ ảnh hưởng tới người dân tại thị trấn Ninh Giang, mà còn ảnh hưởng tới cả những người dân sinh sống tại xã Hà Kỳ, huyện Tứ Kỳ và một số vùng thuộc tỉnh Thái Bình (giáp ranh). Rất nhiều lần họ phản đối gay gắt vấn đề đốt rác tại đây và họ bức xúc kiến nghị đến nhiều cấp chính quyền. Nhưng sau nhiều năm vẫn không có sự chuyển biến. Đến thời điểm này, việc đốt rác thải vẫn xảy ra và nguy cơ ô nhiễm nghiêm môi trường ở thị trấn này ngày càng nghiêm trọng hơn trước.
Qua nhiều cuộc trao đổi thông tin của phóng viên Tri thức Xanh tại UBND thị trấn Ninh Giang, tại đây các vị lãnh đạo của Thị trấn khẳng định: “Bãi rác đến bây giờ vẫn là bãi tập kết rác thải sinh hoạt của thị trấn, còn việc có rác thải công nghiệp và đốt là do họ đổ rồi đốt trộm”. Không chỉ vậy, theo ông Đỗ Văn Luận - Chủ tịch UBND thị trấn Ninh Giang cho biết: “Sự việc đốt rác ở đây là có người đã đổ rồi đốt trộm, địa phương đã tổ chức mai phục để bắt và xử lý .. nhưng đến thời điểm bây giờ hầu như chưa xử lý được trường hợp nào...” và nhấn mạnh: “Những nội dung bên báo chí phản ánh, bọn anh buông lỏng quản lý dẫn tới bãi rác xuất hiện rác thải công nghiệp, chuyện đó là rõ ràng và đang hiện hữu. Bọn anh không bao che việc đó... Vấn đề tại đây xuất phát từ sự buông lỏng quản lý dẫn đến việc đốt trộm rác thải...”. Việc “buông lỏng” là rõ ràng khi đã được Chủ tịch UBND thị trấn “mới” khẳng định. Vậy liệu rằng UBND huyện thì sao? Họ có biết được rằng hàng chục năm qua mỗi ngày lại có hàng tấn rác thải công nghiệp được đổ “trộm” trót lọt qua nhiều đợt kiểm tra của các cơ quan chức năng hay không?
Để có thể tiếp tục thông tin đến bạn đọc một cách khách quan và đa chiều nhất thì vào chiều ngày 10/7 phóng viên Tri thức Xanh đã đến UBND huyện Ninh Giang để đặt lịch làm việc với mong muốn được phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng tới đời sống dân sinh ở khu vực xung quanh bãi rác Ninh Giang và tìm hiểu thông tin quản lý Nhà nước về lĩnh vực này cũng như những phương hướng, biện pháp khắc phục để đảm bảo môi trường sống cho người dân Khu 1 thị trấn Ninh Giang. Thế nhưng tại đây, một nhân viên Văn phòng UBND lại yêu cầu phóng viên phải có thẻ Nhà báo thì mới cho đặt lịch. Sau một hồi giải thích, thì phóng viên mới được ông Vũ Thế Anh - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Ninh Giang tiếp đón. Tưởng rằng, sau khi được Phó Chánh Văn phòng UBND huyện tiếp nhận thông tin kèm theo Giấy Giới thiệu ghi rõ nội dung công tác và Căn cước công dân là có thể truyền đạt nội dung để làm việc, nhưng trớ trêu thay, vừa qua khi phóng viên Tri thức Xanh trao đổi qua điện thoại với ông Vũ Thế Anh thì lại được ông này cho hay: “Giấy giới thiệu và nội dung làm việc đã được anh trình lên lãnh đạo. Tuy nhiên, lãnh đạo đã phê xuống yêu cầu giấy giới thiệu phải có chữ ký của Tổng biên tập hoặc Phó tổng biên tập thì mới có thể sắp xếp trả lời cho Tạp chí được vì phóng viên chưa có thẻ Nhà báo. Việc này lãnh đạo cũng đã điện lên Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương và có ý kiến như thế...”. Tuy nhiên theo quy định của Luật Báo chí thì khi phóng viên chưa có thẻ Nhà báo thì phải có Giấy giới thiệu của Cơ quan báo chí, mà Cơ quan báo chí là Tạp chí Tri thức Xanh đã cấp Giấy giới thiệu của Tạp chí cho phóng viên đến làm việc tại UBND huyện Ninh Giang có chữ ký của Tổng TKTS trước con dấu pháp nhân của Tạp chí là đúng theo quy định. Nhưng khoan hãy nói việc quy định tác nghiệp báo chí mà nói luôn về thực trạng để xảy ra ô nhiễm mà nhân dân Khu 1 thị trấn Ninh Giang đang phải gánh chịu mà có một cơ quan báo chí chuyên về lĩnh vực môi trường và xã hội phối hợp với UBND huyện để làm việc nhằm khắc phục thực trạng nêu trên thì UBND huyện lại câu nệ, sách nhiễu, gây khó cho phóng viên tác nghiệp (?). Trong khi đó thì UBND thị trấn lại rất nghiêm túc thừa nhận trách nhiệm đã có sự “buông lỏng” quản lý trong thời gian trước đó. Theo quy định, khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ Nhà báo còn đối với phóng viên khi chưa có thẻ Nhà báo cần xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản cùng giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và nội dung làm việc. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo, phóng viên những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.
Từ sự việc này liệu rằng các cấp lãnh đạo của tỉnh Hải Dương nói chung cũng như huyện Ninh Giang nói riêng có cần xem xét lại năng lực của một bộ phận cán bộ, nhân viên trên địa bàn mình? Liệu rằng, các cán bộ tại đây có được bổ nhiệm theo “đúng quy trình” dẫn đến việc năng lực làm việc rất “ máy móc” nhưng thiếu hiểu biết để rồi khi phóng viên đến tác nghiệp về những bất cập tồn tại trên địa bàn mình thì lại làm khó phóng viên (?). Hay đang có “lợi ích nhóm” tại đây nên mới dẫn đến hàng chục năm qua người dân đã gõ cửa, kêu cứu không biết bao nhiêu lần nhưng đến nay vẫn không được xử lý?
Theo Nghị định 159, danh xưng “phóng viên” được đặt bên cạnh danh xưng “nhà báo” và được bảo vệ như nhau trước những hành vi cản trở trái pháp luật, uy hiếp tính mạng, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu. Thực tế, phóng viên chưa có thẻ nhà báo (phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu) vẫn được bảo vệ các quyền lợi khi tác nghiệp. Ngay từ Nghị định 159/2013/NĐ-CP, ký ngày 12/11/2013, có hiệu lực vào ngày 01/01/2014, đã ghi nhận và bảo hộ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ Nhà báo. Tại điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định rõ các mức xử phạt khi cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp. Do đó, phóng viên khi chưa có thẻ nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật (có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí) vẫn sẽ được bảo vệ quyền khi tác nghiệp.
Câu hỏi được đặt ra là: Vì sao với trách nhiệm chung, nhằm bảo vệ môi trường mà phóng viên đã bị UBND huyện Ninh Giang gây khó khi đến làm việc? Vì sao UBND huyện Ninh Giang làm ngơ trước việc ô nhiễm tại bãi rác thải Ninh Giang?. Mọi thắc mắc chúng tôi xin gửi tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Hải Dương. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để làm rõ những “uẩn khúc đằng sau bãi rác” và kiên quyết đấu tranh với những hành vi gây ô nhiễm môi trường hoặc bao che cho việc gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường.
Nghĩa Huy
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 21 - 20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)