Phát triển không gian xanh Thủ Đô và những điểm nhấn tại Lancaster Luminaire - Kỳ 2
( ảnh nguồn internet)
Như đã thông tin tại kỳ trước, Dự án Lancaster Luminaire tọa lạc tại khu đất vàng số 1152-1154 đường Láng, quận Đống Đa là điểm tiếp nối của nhiều tuyến giao thông huyết mạch, thừa hưởng hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội hoàn thiện, với kỳ vọng sẽ hình thành một khu dân cư hiện đại và đẳng cấp. Khu đất có nguồn gốc là đất công, trụ sở của Công ty Giống cây trồng (nay là Công ty Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội) và Công ty Giống gia súc Hà Nội. Ngày 21/01/2006, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 489/QĐ-UB cho phép Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (HANDICO 6) nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 6.046,4m2 đất tại số 1152-1154 đường Láng và cho phép Handico 6 chuyển mục đích sử dụng để xây dựng “Tổ hợp văn phòng cao tầng” (trong đó có bố trí lại diện tích nhà làm việc cho Công ty Giống cây trồng và Công ty Giống gia súc Hà Nội làm văn phòng). Sau đó, HANDICO 6 đã liên doanh với một số tổ chức, cá nhân để thành lập Công ty cổ phần Tân Phú Long với mục đích thực hiện dự án trên.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà số 6 Hà Nội, tiền thân là Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà số 6 Hà Nội (thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội) chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần theo Quyết định số 8847/QĐ-UB ngày 02/12/2004 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà số 6 Hà Nội.
Ngày 07/4/2009, Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000285 và có thêm chức năng nhà ở cho thuê. Ngày 04/02/2010, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định thu hồi 6.046,4m2 do HANDICO 6 đang sử dụng, cho CTCP Tân Phú Long thuê để tiếp tục đầu tư xây dựng tổ hợp dịch vụ công cộng, nhà ở cho thuê và văn phòng cho thuê. CTCP Tân Phú Long được cấp giấy phép xây dựng số 51/GPXD xây dựng công trình “Tổ hợp dịch vụ công cộng, nhà ở và văn phòng cho thuê”.
Năm 2011, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (MIC) nhận chuyển nhượng cổ phần từ hàng loạt cổ đông sáng lập để trở thành cái tên chi phối lớn nhất ở Tân Phú Long với 69% cổ phần chi phối. Theo Báo cáo tài chính của MIC, trong năm 2019, doanh nghiệp này đã thoái toàn bộ phần vốn đầu tư tại Tân Phú Long
Sau hơn 10 năm triển khai Dự án, ngày 30/10/2019, UBND thành phố Hà Nội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Đến nay, thông tin dự án tại địa điểm xây dựng được điều chỉnh thành dự án LANCASTER LUMINAIRE do Tập đoàn Trung Thủy (Trung Thủy Group) là đơn vị phát triển dự án.
Đến nay, HANDICO6 và Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội đã chuyển nhượng hết cổ phần tại Công ty Cổ phần Tân Phú Long.
Quá trình nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá việc thực hiện pháp luật tại Dự án cho thấy mặc dù chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước cơ bản đã nỗ lực triển khai theo các quy trình, trình tự và thủ tục đầu tư hiện hành song vẫn còn một số bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Trách nhiệm tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư khi đề xuất thực hiện Dự án?
Điều 20 Luật Đầu tư 2005 về nghĩa vụ của nhà đầu tư đã quy định nhà đầu tư phải: Tuân thủ quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung đăng ký đầu tư, nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư. Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung đăng ký đầu tư, hồ sơ dự án đầu tư và tính hợp pháp của các văn bản xác nhận; Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;... Như vậy, để đề xuất dự án đầu tư, nhà đầu tư phải nắm được các quy định của pháp luật, đồng thời, các nội dung đề xuất cũng phải tuân thủ pháp luật.
Đối với việc đề xuất dự án đầu tư, yêu cầu nhà đầu tư phải nêu rõ nhu cầu sử dụng đất, căn cứ đề xuất giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền thẩm định dự án và giao chủ đầu tư. Vậy, trong trường hợp của Dự án Tổ hợp dịch vụ công cộng, nhà ở và văn phòng cho thuê tại số 1152-1154 đường Láng, Công ty Cổ phần Tân Phú Long đã tuân thủ quy định của pháp luật khi đề xuất làm chủ đầu tư dự án hay chưa?
Quy định đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án khi giao đất ở.
Điều 58 Luật đất đai 2003 quy định: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất trong trường hợp “Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê”.
Điều 37 Luật Nhà ở 2005 về đất để phát triển nhà ở thương mại quy định: “Dự án phát triển nhà ở thương mại có từ hai tổ chức, cá nhân trở lên đăng ký tham gia làm chủ đầu tư thì phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư. Việc chuyển quyền sử dụng đất trong các dự án phát triển nhà ở hoặc dự án khu đô thị mới đã đầu tư xây dựng hạ tầng phải bảo đảm công khai và thực hiện theo phương thức đấu giá”.
Như vậy, quá trình đề xuất thực hiện dự án, đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án phải được thực hiện công khai, minh bạch để các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai (nếu có nhiều nhà đầu tư quan tâm) để lựa chọn chủ đầu tư, đảm bảo tối đa nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước và hiệu quả xã hội.
Khu đất số 1152- 1154 đường Láng nguồn gốc là đất công, ban đầu được giao cho Công ty Tân Phú Long để thực hiện Dự án “Tổ hợp văn phòng cao tầng”, nhưng sau đó Công ty này lại đề nghị UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh lại thành “Tổ hợp dịch vụ công cộng, nhà ở và văn phòng cho thuê”. Vậy, việc Công ty Cổ phần Tân Phú Long đề xuất chuyển đổi mục đích từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở để thực hiện Dự án không thông qua đấu thầu, đấu giá có đúng quy định của pháp luật? Phải chăng, đây là hành vi cố tình đề xuất cơ chế giao đất trái quy định của pháp luật để trục lợi? Có hay không cơ chế xin – cho trong quá trình chấp thuận dự án?
Thực tế, khi phân tích chi phí đầu tư xây dựng công trình (theo suất vốn đầu tư), nghĩa vụ tài chính phải nộp của chủ đầu tư và giá bán căn hộ trên thị trường, nhiều người không khỏi sửng sốt khi khoản chênh lệch địa tô khổng lồ chủ yếu chảy về túi chủ đầu tư. So với khoản lợi nhuận đó, khoản tiền Ngân sách Nhà nước thu được không đáng là bao.
Bên cạnh đó, sau 10 năm chậm triển khai, chủ đầu tư Dự án Tổ hợp dịch vụ công cộng, nhà ở và văn phòng cho thuê tiếp tục điều chỉnh kiến trúc công trình, thay đổi quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính của công trình; vậy, chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 98 Luật Xây dựng 2014 hay chưa? Liệu việc điều chỉnh quy mô công trình có làm tăng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và quy mô dân số của khu vực hay không? Trong khuôn khổ chuyên đề “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường”, Tri thức Xanh sẽ tiếp tục làm rõ những vấn đề này trong các kỳ tiếp theo.
Thanh Bình và nhóm PVĐT
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)