Quỳ Hợp - Nghệ An: Hãy có trách nhiệm để làm “cho cây rừng còn xanh lá” bằng việc ngăn chặn cơ sở băm dăm gỗ chưa đúng quy định của pháp luật
Thế nhưng, đâu đó vẫn còn tình trạng vì lợi ích trước mắt mà buông lỏng quản lý hoặc thậm chí còn bao che cho sự hủy hoại môi trường mà không nhận thức được rằng làm như vậy là hủy hoại cân bằng hệ sinh thái cho cuộc sống của chính mình và các thế hệ mai sau.
Trong những năm gần đây, phải thừa nhận rằng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của ta đạt gần 10 tỉ USD mỗi năm, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt hơn 7 tỉ USD, gần tương đương giá trị xuất siêu của cả nước. Việt Nam đã giữ vững ngôi vị Thứ năm trên thị trường đồ gỗ thế giới. Tuy nhiên để ngành gỗ bền vững thì tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm làm “Cho cây rừng còn xanh lá”, do vậy vị trí tốp 5 của chúng ta không chỉ có giá trị ở nhiều tỉ đô la Mỹ doanh thu, mà còn là “thương hiệu” và uy tín quốc gia. Những sắp xếp của thị trường vốn khách quan và lạnh lùng, vừa cho chúng ta thêm tự tin, vừa tạo không ít thách thức. Vậy nên, người dân, những nhà khoa học hoạt động môi trường và biến đổi khí hậu, đặc biệt là Tri thức Xanh khi nghiên cứu, tác nghiệp thực tế tại Quỳ Hợp (Nghệ An); Như Xuân, Nghi Sơn (Thanh Hóa) thấy nhiều cơ sở chế biến băm dăm gỗ chưa đủ điều kiện pháp lý đã đặt ngay dấu hỏi: Lấy gỗ để sản xuất ở đâu? Câu hỏi tưởng chừng rất dễ trả lời này, nhưng không dễ “tâm phục, khẩu phục” khi chưa trích xuất được nguồn gốc, xuất xứ gỗ để mang băm nhỏ phục vụ kinh doanh, xuất khẩu… rồi thì nguồn gốc gỗ để băm đó có nằm trong vùng quy hoạch trồng rừng khai thác hay không? hay lại là “đầu ra” cho nạn chặt phá rừng?, kéo theo các mối đe dọa khủng khiếp của thiên tai trên cả nước?
Nước ta hiện có xấp xỉ 10 triệu ha rừng tự nhiên và 4 triệu ha rừng trồng. Rừng tự nhiên thuộc thẩm quyền quản lý của Nhà nước, đã đóng cửa và nghiêm cấm các hình thức khai thác gỗ. Dù vậy, định kiến của xã hội vẫn còn đánh đồng các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến gỗ tiếp tay cho nạn phá rừng, mà đi kèm với việc chặt phá rừng, diện tích rừng giảm là bao nhiêu hậu quả xảy ra như thiên tai, lũ lụt, ô nhiễm môi trường sinh sống, hiện tượng trái đất nóng dần lên, nạn đói kém, động vật trong rừng không có nơi sinh sống bỏ rừng vào làng mạc giết hại người dân, phá hoại tài sản, hủy hoại lâm sản cũng như gây mất cân bằng sinh thái trầm trọng, không có nguồn cây xanh để làm sạch không khí làm lượng CO2 thải vào môi trường lên tới con số hàng tỷ tấn mỗi năm. Nạn phá rừng cũng dẫn đến tình trạng thiếu nước cho 20% dân số thế giới (ước tính tới 2050). Thậm chí đã từng có rất nhiều diện tích rừng phòng hộ bị xóa trắng bởi các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép hoặc chặt phá rừng làm nương, rẫy…
Buông lỏng quản lý hay bao che cho doanh nghiệp chế biến gỗ không tuân thủ các quy định của pháp luật hoạt động trên địa bàn đều là hành vi tiếp tay cho sự tàn phá môi trường.
Như Tri Thức Xanh đã thông tin với bạn đọc bài viết: “Đã có kết luận chỉ rõ những sai phạm về sử dụng đất của HTX nông lâm nghiệp Thịnh Kỳ - Sao không xử lý” đã dấy lên những phản biện về việc doanh nghiệp chế biến gỗ ngang nhiên hoạt động khi chưa đủ điều kiện mà chính quyền sở tại gần như không hề có động thái gì với trách nhiệm quản lý Nhà nước và bảo vệ môi trường (?). Để tìm rõ hơn những vấn đề liên quan đến HTX nông lâm nghiệp Thịnh Kỳ đã bị lập biên bản và có quyết định xử phạt hành chính trong việc sử dụng đất đai chưa chuyển đổi mục đích và đã buộc tạm đình chỉ và trả lại nguyên trạng đất như ban đầu. Tuy nhiên, gần một năm trôi qua mà doanh nghiệp này vẫn không khắc phục lại hiện trạng để trả lại mặt bằng, mà doanh nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động và không chấp hành theo kết luận của cơ quan chức năng. Vậy trách nhiệm của cơ quan chức năng về việc này ra sao?. Trao đổi với ông Lê Sỹ Hào - Trường phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp được biết: “Về lĩnh vực đất đai chúng tôi cũng đã có quyết định xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp này, chúng tôi cũng yêu cầu doanh nghiệp dừng ngay mọi hoạt động trên khu đất chưa được chuyển đổi để thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý. Đối với HTX Thịnh Kỳ, họ cũng ráo riết xin thủ tục chấp thuận dự án và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng phải bổ sung quy hoạch, kế hoạch, mà bổ sung quy hoạch, kế hoạch thì phải chờ. Vì phải lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch là một việc rất khó, thời điểm này chuẩn bị quy hoạch mới đến năm 2030 rồi, nếu bây giờ mà điều chỉnh thì doanh nghiệp tiền đâu mà làm. Điều chỉnh thì phải xuống tỉnh để điều chỉnh lại bản đồ, mọi thứ, chi tiết làm lại quy hoạch cả huyện chứ không phải đơn giản hoặc là khi giữa kỳ thì làm. Phải có mấy doanh nghiệp cùng nhau làm thì mới có thể được, nhưng bây giờ cuối kỳ rồi chuẩn bị đấu giá quy hoạch mới rồi, nên khi có đơn vị tư vấn ở đó tư vấn chúng tôi sẽ đưa công trình của doanh nghiệp đó vào được. Khi đó tư vấn thiết kế đưa vào quy hoạch thì chúng tôi sẽ làm những bước tiếp theo, để cho các anh ấy hoàn thiện hồ sơ. Tôi cũng bảo là bây giờ chưa có quy hoạch mới thì các anh nên dừng lại”.
Có thể thấy rằng: Trong văn bản làm việc của Đoàn kiểm tra của huyện ngày 12/08/2019, đồng chí Trương Văn Thuật - Phó Trưởng phòng NN và PTNT huyện Quỳ Hợp cũng đã nêu rất rõ quan điểm: “Đề nghị HTX Thịnh Kỳ có cam kết với xã và huyện về việc dừng hoạt động để hoàn thiện các thủ tục có liên quan. Nếu không chấp hành việc ngừng sản xuất đề nghị Đoàn kiểm tra của huyện có các biện pháp cưỡng chế”. Tuy nhiên kể từ khi Đoàn kiểm tra lập Biên bản xử phạt và yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết là ngừng hoạt động sản xuất để hoàn thiện hồ sơ, nhưng trong thời gian chờ đợi làm thủ tục chuyển đổi và hoàn thiện hồ sơ thì nhà máy vẫn hoạt động liên tục từ đó đến nay. Qua trao đổi với người dân sống gần xưởng sản xuất gỗ dăm thì xưởng vẫn luôn hoạt động, ngày nào cũng có xe chở keo vào để băm, mỗi ngày có một đến hai xe công ten nơ hàng gỗ dăm thành phẩm xuất đi bán.
Tại sao doanh nghiệp vẫn tổ chức sản xuất kinh doanh trên địa bàn mà không bị các cơ quan chứ năng kiểm tra xử lý? Phóng viên tiếp tục đến UBND xã Châu Thái để làm việc với ông Vi Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND xã, ông Vĩnh cho biết: “Chúng tôi cũng cho anh em đi kiểm tra qua nhưng không thấy HTX Thịnh Kỳ hoạt động gì cả. Trong năm 2020 này, xã chưa kiểm tra, sắp tới đây chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra”. Sau khi phóng viên trao đổi với lãnh đạo UBND xã về việc khi tác nghiệp vẫn thấy doanh nghiệp Thịnh Kỳ hoạt động băm dăm bình thường, xe chở nguyên liệu đầu vào và chở thành phẩm đi rất nhiều. Ngày nào cũng vậy, máy băm dăm hoạt động cả buổi trưa… Phóng viên đã đưa đồng chí Chủ tịch UBND xã xem những hình ảnh ghi nhận thực tế. Với trách nhiệm của người làm báo với chủ trương, chính sách pháp luật và trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như hướng đến sự phát triển bền vững, phóng viên đã kiến nghị với lãnh đạo xã có kế hoạch, biện pháp cụ thể để ngăn chặn những doanh nghiệp hoạt động chế biến gỗ chưa đúng theo quy đinh của pháp luật nhằm giúp họ nhận thức và hiểu đúng rằng ngành gỗ là ngành kinh tế dân sinh, nhưng muốn phát triển bền vững thì ngoài việc phải chấp hành các quy định của pháp luật về hạ tầng chế biến thì còn phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng nguồn nguyên liệu là rừng trồng hợp pháp chứ tình trạng hiện nay thì rất có thể chính việc buông lỏng quản lý này là hành vi tiếp tay cho sự tàn phá môi trường.
Lê Dũng
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 18 - 20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)