TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 22/11/2024

Quỳnh Lưu - Nghệ An: Nông dân xã Quỳnh Thạch đau xót khi phải bỏ hoang hàng trăm mẫu ruộng? (Kỳ 1)

00:37 11/09/2020
Logo header Các phương tiện truyền thông lên tiếng, sự phản đối quyết liệt của người dân tại các cuộc tiếp xúc cử tri trong các Hội nghị Đảng - Đoàn, các kỳ họp Hội đồng, tình trạng đơn thư mỗi ngày một nhiều… nhưng tại xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu vẫn tồn tại 3 HTX nông nghiệp buộc những người nông dân è cổ đóng các khoản thuế vô lý trong khi Nhà nước miễn hoàn toàn thuế nông nghiệp. Không còn cách nào khác, người nông dân đã bỏ hoang ruộng để bày tỏ sự phản đối, nhưng Hội đồng quản trị (HĐQT) vẫn tiếp tục thu thuế, còn Đảng ủy và chính quyền địa phương thì chưa có động thái tích cực để giải quyết dứt điểm?

Phải chăng vẫn tồn tại những ông  “Vua” trong “đế chế HTX” thời hiện đại?

Ông Hồ Minh Tập – Phó Ban Thanh tra nhân dân xã Quỳnh Thạch cùng 16 hộ nông dân chia sẻ với phóng viên Tri thức Xanh với mong muốn họ được cấy, hái trên những thửa ruộng được giao để đảm bảo kinh tế nông thôn một cách cơ bản, bền vững. Nhưng cực chẳng đã vì họ thấy những khoản thu của HTX Lam Cầu đưa ra là bất hợp lý nên họ đã làm đơn thư gửi khắp nơi với mong muốn được yên ổn làm ăn. Nội dung đơn thư có đoạn nêu: “Vụ đông xuân năm 2020, dân theo sự chỉ đạo gieo cấy của cán bộ HTX Lam Cầu nên bị lệch thời vụ dẫn đến mất mùa vẫn bị HTX  thu thuế nên đến vụ hè thu, dân bỏ hoang hàng chục mẫu ruộng để phản đối. Tháng 1 năm 2020, Nhà nước trả vốn đối ứng xây dựng kênh 17B2 cho  dân 200 triệu đồng, số tiền này bị cán bộ HTX  biến thủ. Hàng chục mẫu đất dân đã chuyển đổi làm trang trại không liên quan gì đến nông nghiệp nhưng vẫn bị HTX thu các khoản dịch vụ không bao giờ phải cung cấp cho trang trại. Tiền thuế thu từ đầu sào của dân bị chi cho 7 cán bộ dù không được hội nghị các thành viên thông qua nên phần đầu tư cho tái sản xuất không còn được bao nhiêu. Tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 29/6/2020, khi nhân dân kiến nghị các vấn đề trên, ông Đặng Ngọc Nhạc  - Giám đốc HTX, đại biểu HĐND trả lời: “Thuế không giảm, các vấn đề kia HTX không giải quyết, dân muốn làm đơn đi đâu thì cứ làm. Chúng tôi đã gửi đơn lên đảng ủy UBND xã Quỳnh Thạch, huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Lưu nhưng cũng chưa được giải quyết…

Trụ sở HTX Quỳnh Viên

Theo thông tin mà phóng viên thâm nhập tìm hiểu cho thấy vấn đề ông Tập nêu hiện đang tồn tại ở cả 3 HTX là những HTX Lam Cầu, Quyết Thắng và Quỳnh Viên thuộc xã Quỳnh Thạch. Riêng với HTX Lam Cầu thì đây không phải là lần đầu tiên có đơn thư. Trước đó ông Phan Đình Trí ở xóm 12 đã có đơn kiện nên HTX Lam Cầu phải trả lại 700 kg thóc và 500.000 đồng thu sai và năm 2016 bị kiểm tra thu hồi số tiền 34 triệu đồng do vi phạm trong lúc Điều lệ  HTX này quy định “Sai phạm 500.000 đồng thì cách chức”. Mặc dù sai phạm đã được chỉ ra liên tục, đơn thư chồng chất nhưng HĐQT HTX vẫn “Đứng vững” và còn tự nâng lương cho mình không thông qua Đại hội Thành viên HTX và những người chủ chốt của HTX đã tự lấy tiền của xã viên để đóng 100% bảo hiểm cho cán bộ HTX. Hơn nữa,  một số HTX tại xã Quỳnh Thạch đã hơn 30 tháng không tiến hành Đại hội. Ví như HTX Lam Cầu thì kỳ Đại hội trước của HTX diễn ra vào cuối năm 2015 và 2 HTX Quyết Thắng và Quỳnh Viên Đại hội kỳ trước là vào đầu năm 2016. Theo quy định tại Điểm C, Điều 54, Luật HTX “HTX không tổ chức được Đại hội thường niên trong 18 tháng liên tục mà không có lý do thì giải thể” – Điều này thể hiện 03 HTX nay hoạt động chưa đúng theo quy định của pháp luật dẫn đến việc các quy định, thể chế đưa ra để áp dụng cho xã viên đều bị chính những xã viên phản ứng.

Ông Hồ Minh Tập – Phó Ban Thanh tra nhân dân xã Quỳnh Thạch lôi những đơn thư kiến nghị ra trình bày với phóng viên

Vào thời điểm tháng 6/2018, sự việc của các HTX này đã được một số cơ quan báo chí, truyền thông đồng loạt đăng các bài như “HTX thành gánh nặng cho xã Viên” (Báo NNVN); “Dân khốn đốn vì một xã có 3 HTX” (Luật Sư Việt Nam online), “Nghịch lý một xã có 3 HTX” (Báo công an Nghệ An), “Thêm nhiều bất cập tồn tại ở một xã có 3 HTX” (Báo CAND)… nêu lên một loạt bất cập tồn tại trong 3 HTX và có những đề xuất quyết liệt như: “ Gánh nặng đóng góp đang đè lên vai từng hộ dân, nó nặng đến mức ruộng tiêu chuẩn cho người khác mượn làm đóng theo đơn giá nhưng không ai dám làm. Muốn giải thoát dân,chỉ còn cách nhanh chóng hợp nhất hoặc giải tán HTX giao cho ủy ban quản lý, ai muốn vào thì tự nguyện” (Báo NNVN) thì vào cuối tháng 7 và tháng 8/2018, các HTX mới tiến hành Hội nghị theo kiểu “Đối phó” nên chỉ tổ chức trong vòng một buổi kéo đến.. 14h chiều và chỉ quyết định được: Giảm thu từ 30kg xuống 26kg ở HTX Lam Cầu và từ 35kg xuống 30kg ở 2 HTX còn lại. Tưởng rằng sau khi báo chí lên tiếng, người nông dân bớt khốn đốn hơn, nhưng không ngờ ngày 10/8/2018, Văn phòng Huyện ủy Quỳnh Lưu có Báo cáo số 482 về việc “xử lý vụ việc báo nêu” lại cho rằng: “Nội dung báo nêu  chưa chính xác, hiện 3 HTX hoạt động cung cấp các dịch vụ  giống, vật tư, thủy lợi nội đồng, bảo vệ thực vật, dịch vụ gặt lúa, dịch vụ làm đất… và chuyển đổi hình thức hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Tháng 9/2016, các HTX trên địa bàn đã hoàn thành tổ chức Đại hội để chuyển đổi mô hình hoạt động của HTX kiểu mới. Trong đó, HTX Lam Cầu có 279 thành viên, HTX Quyết Thắng có 850 thành viên và HTX Quỳnh Viên có 420 thành viên. Các HTX này đều có HĐQT 3 người và Ban kiểm soát 2 người”. Trên cơ sở này, Huyện ủy Quỳnh Lưu cho rằng: “Báo nêu bộ máy HTX tại Quỳnh Thạch cồng kềnh, tạo ra nhiều khoản thu bất hợp lý là … không có cơ sở” (?). Thông tin này được một số xã viên của các HTX trên cho rằng chưa sát thực tế và đã dẫn đến hệ lụy thật khủng khiếp là các hộ dân đã bỏ ruộng hoang. Theo tổng hợp của ban nông nghiệp xã Quỳnh Thạch, đến thời điểm hiện tại có khoảng 100 mẫu ruộng bị bỏ hoang. Người dân nơi đây cho biết: “Huyện ủy Quỳnh Lưu chỉ cách xã Quỳnh Thạch 5km, nhưng đã không chịu làm một phép tính so sánh: Sát phía Nam xã Quỳnh Thạch là xã Quỳnh Hậu (Trước đây cùng chung một xã Hồng Hậu Thạch sau tách ra), có số diện tích nhiều hơn nhưng họ chỉ có một  HTX với 3 cán bộ trong HĐQT và chỉ thu 12kh/1 sào, tương tự phía bắc Quỳnh Thạch là xã Quỳnh Văn cũng chỉ thu 10kg/1 sào trong lúc ở Quỳnh Thạch chia làm 3 HTX với bộ máy cán bộ gấp 3, tạo nên nhiều khoản thu chi bất hợp lý. Khi cơ cấu HTX đã lạc hậu và thoái trào thì các HTX này vẫn ra sức cố thủ, biến tướng để dân chịu khổ, còn các ông giám đốc thì tiếp tục trở thành “vua” con với riêng một “đế chế” không chịu sự chỉ đạo của bất cứ ai”.

Kênh 17B2 là nơi người dân trình bày là “được hoàn vốn đối ứng 200 triệu đồng nhưng dân không được trả tiền đối ứng” (?)

Một sự thật nhiều người biết

Suốt từ  khi có chủ trương lập HTX cho đến năm 1994, cả xã Quỳnh Thạch chỉ có một HTX nông nghiệp chịu trách nhiệm tất cả mọi vấn đề liên quan đến đời sống nông dân. Năm 1988, Nhà nước thực hiện Khoán 10, giao ruộng đến tận từng hộ dân theo cơ chế khoán đơn giá nên chuyển thành mô hình HTX dịch vụ chịu trách nhiệm các loại: Lịch thời vụ, cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, làm đất, cấp nước, thủy lợi nội đồng, bảo vệ thực vật, đồng thời làm 3 nhiệm vụ quan trọng là: Thu hồi công nợ, thu thủy lợi phí và thuế nông nghiệp cho Nhà nước. Từ đó Quỳnh Thạch chia thành 3 HTX là HTX Quyết Thắng (6 xóm), có diện tích đất là 162,5 ha với 3.329 nhân khẩu hưởng đất theo Nghị định 64; HTX Lam Cầu (4 xóm) có diện tích đất là 143,27 ha, và có 1.766 xã viên và HTX Quỳnh Viên chỉ có 2 xóm với diện tích đất là 60,19 ha chia cho 1.100 khẩu. Đáng lẽ, khi chia HTX, bộ máy cán bộ phải tinh giảm đi nhưng ngược lại, từ Ban quản trị 3 người, họ phình to ra 5 người rồi phát triển lên 7 người và một bộ phận chân rết 13 người với 3 trụ sở làm việc lớn, việc này gây lãng phí các khoản chi cho bộ máy dẫn đến đơn giá thu trên đầu sào dội xuống người xã viên tăng cao bằng những mục thu được cơ cấu rất “Hợp lý” nhưng lại chi vô lý. Theo quy định, lương Chủ nhiệm HTX được trả bằng 85% lương Phó Chủ tịch, nhưng cộng lương 3 chủ nhiệm trong một xã lại thì lương đã cao hơn lương Phó Chủ tịch nhiều. Theo đơn giá, các HTX thu từ 30 đến 35 kg/1 sào nhưng vô lý thay, khoản thu này đã bị dùng để chi trả lương cho cán bộ đến hơn 40% và chỉ còn lại hơn 50% để chi cho tất cả các việc khác, cũng đồng nghĩa với việc dù hạ đơn giá xuống thấp hơn thì lương cán bộ vẫn nguyên mà các danh mục chi khác phục vụ tái sản xuất bị giảm đi (?). Nhà nước miễn thủy lợi phí hoàn toàn cho dân nhưng các HTX vẫn thu trên đơn giá 7kg/1sào và tách riêng ra cho rằng để làm “Thủy lợi nội đồng” trong khi thủy lợi phí đã bao gồm tất cả. Đáng nói hơn, trong lúc thu thêm thủy lợi nội đồng thì số thủy lợi phí được Nhà nước hỗ trợ lại chi dùng vào việc khác (?!). Thậm chí, BQL còn trích trong đơn giá ra đóng  Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế 100% cho cán bộ của mình. Cả 3 HTX đến giai đoạn này hầu như mất vai trò, bộ máy cán bộ cồng kềnh bất hợp lý không có việc làm  nhưng xã viên thì vẫn phải gồng mình “Đóng thuế” nuôi họ. 

Trang trại của ông Bảy làm hàng chục năm và vẫn phải đóng các khoản dịch vụ

Năm 2012, Nhà nước chuyển sang mô hình HTX kiểu mới theo cách: Các thành viên tự nguyện hợp lại với nhau, tự góp vốn để phát triển. Vậy nhưng các HTX ở Quỳnh Thạch lại “bê” 100% các xã viên của HTX cũ vào và thu theo đơn giá mà không ký hợp đồng với họ nên HTX Lam Cầu chỉ có 168 thành viên, HTX Quỳnh Viên có 104 thành viên còn HTX Quyết Thắng thì “bê” luôn 850 xã viên HTX cũ vào. Theo quy định của Luật thì HTX kiểu mới phải làm 3 nhiệm vụ: Nông nghiệp, Dịch vụ và Tín dụng, HĐQT lấy lãi từ 3 vấn đề trên để tự thu tự chi lời ăn lỗ chịu. Nhưng đến thời điểm hiện tại, 3 HTX này hầu như chỉ còn các trạm bơm (Là tài sản do dân đóng góp) hoạt động. Các dịch vụ tín dụng, vật tư, phân bón, giống, lịch thời vụ, dự báo, bảo vệ thực vật hầu như dân tự bảo nhau. Khâu làm đất chủ máy phay tự hợp đồng với dân, máy gặt thuê từ ngoài Bắc vào và người dân phải chịu thêm phí cho “Cò”. Sản lượng dân tự đi nộp, thuế nông nghiệp được miễn, chăn nuôi thì HĐQT không hề chịu trách nhiệm cảnh báo bệnh dịch, phát triển bày đàn, chỉ ang áng số đầu con mà dân nuôi rồi kê khai làm thành tích. Trong lúc đó, UBND xã lại có một Ban nông nghiệp và một hệ thống khuyến nông với đầy đủ thành phần từ Trưởng, Phó Ban đến mỗi xóm có một Ban viên. Mọi thông tin về sản xuất, UBND xã đều thông báo trên hệ thống truyền thanh. Như vậy, chỉ 14 thước ruộng, dân tự chủ, tự túc hoàn toàn, chỉ phụ thuộc mỗi điều tiết nước nhưng phải gánh trên lưng 3 dạng cán bộ “Chỉ đạo” mà trong thực tế lại không có bất cứ một ảnh hưởng nào với 14 thước ruộng của dân. Nhiều khoản thu bất hợp lý hiện vẫn tồn tại như: Thu 3kg/1 sào làm đường nội đồng, nhưng các con đường này còn dang dở, 14 thước ruộng phải gánh đến 3 lần thủy lợi phí, sau khoán 10 dân ào ạt nộp nợ, số tiền này thu được bao nhiêu, chi vào việc gì không ai biết (?). Các hộ dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang trang trại hoặc ao hồ 96 mẫu vẫn bị thu khống theo đơn giá nhưng không biết những khoản thu đó bỏ vào đâu?, tiền nạp Bảo hiểm cho cán bộ sẽ bị xử lý thế nào?, Phải chăng khi chuyển đổi mô hình HTX, những cán bộ HTX đã “bê” luôn HTX cũ sang thành HTX mới và ra các thể chế để bắt xã viên nộp thêm 200.000 đồng rồi lại tiếp tục thu vô lý trên đầu sào để lấy chi phí để nuôi cán bộ, bộ máy?.

Cánh đồng phì nhiều, màu mỡ đang bị bỏ hoang trong khi người dân xã Quỳnh Thạch lại đang nỗ lực đảm bảo “mục tiêu kép” để vượt qua khó khăn thời dịch bệnh

Cho dù với bất cứ một sự giải thích nào thì sự thật hiển hiện giữa thanh thiên bạch nhật là cả 3 HTX trong một xã là bất hợp lý, HĐQT HTX có những 5 người, Ban kiểm soát 2 người, ngoài ra còn kế toán, kho quỹ đã tạo nên một bộ máy cồng kềnh mà hiệu suất nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn để tìm ra giải pháp đưa “con tàu HTX” vươn khơi, tiến xa thì không có, mà chỉ tìm cách tạo nguồn thu từ việc “đè đầu xã viên” khiến các xã viên đều bức xúc và kết quả là họ không thể cáng đáng được các khoản thu trên công tác thuần nông mà họ đã gắn bó cả kiếp người dẫn đến việc bỏ ruộng hoang và gửi đơn kiến nghị khắp nơi. Một xã viên HTX Lam Cầu chia sẻ: “Cả 3 HTX kinh doanh đều không nhìn thấy có lãi, các mặt dịch vụ, tín dụng không hiệu quả nên số cán bộ HTX đang hưởng lương từ tiền thu thuế của nông dân trong khi việc thu này quá cao so với mặt bằng HTX trên toàn tỉnh, cao hơn các HTX 20kg/sào. Chỉ chưa đầy 1/3 số xã viên cũ thành thành viên HTX kiểu mới,  hơn 2/3 số xã viên HTX cũ còn lại  bị “Ép” vào danh sách thành viên, thu trên đầu sào không hề được tự nguyện ký hợp đồng. Đến nay tại đây đã có gần 100 mẫu ruộng bị bỏ hoang nhưng không ai chịu trách nhiệm, gần 100 mẫu khác chuyển đổi sang trang trại ao hồ vẫn bị thu thuế dịch vụ khống… Những nghịch lý, bất cập tồn tại gần 10 năm qua nhưng đến nay vẫn tiếp tục tồn tại và không biết dân chúng tôi sẽ phải khổ đến bao giờ?”. Ông Hoàng Đăng Khoa - nguyên Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thạch cho biết: “Bộ máy HTX hàng năm trên địa bàn Quỳnh Thạch đang phải trả lương và phụ cấp cho đội ngũ cán bộ khoảng 500 triệu đồng. Nếu giảm bộ máy còn một HTX thì số tiền chi trả hàng năm chỉ còn khoảng 200 triệu đồng, lúc này khoản thu sẽ trở về mức 16 - 17 kg/sào, nếu giảm như vậy thì sẽ giảm gánh nặng cho người nông dân”.  

Đình Lộc

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 27 - 20

 
Bình luận: 0