TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 25/04/2024

Thời tiết cực đoan, nhiều tỉnh thành trong cả nước bị ảnh hưởng

17:45 21/05/2020
Logo header Ngay trong đầu năm 2020, nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An… đều đồng thời công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn. Tình trạng nắng hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng hơn khi khí hậu miền Nam nước ta đang vào mùa khô. Nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời, nhiều hộ nông dân có nguy cơ mất trắng.

Hạn, mặn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nông nghiệp tại nhiều tỉnh thành Tây Nam Bộ

Tình trạng hạn, mặn khốc liệt ngay từ đầu năm.

Tại Ninh Thuận và Bình Thuận thuộc vùng cực Nam Trung Bộ. Lượng mưa trung bình hàng năm tại hai tỉnh này rất thấp (chỉ từ 1.000mm đến 1.400mm), nhưng lại có sự biến đổi mạnh mẽ theo không gian và thời gian. Cùng với đó, phần lớn hệ thống sông, suối trên địa bàn của hai tỉnh ngắn và rất dốc, cho nên mùa vào cạn mực nước xuống thấp. Nhiều sông, suối bị tắt dòng, khiến cho một số sông vùng hạ lưu bị xâm nhập mặn ngày càng nhiều. Theo số liệu thống kê các yếu tố khí tượng trong hai tháng đầu năm 2020 cho thấy, nhiệt độ không khí trung bình cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0,5oC, độ ẩm thấp hơn TBNN khoảng 3 %. Tổng số giờ nắng nhiều hơn TBNN khoảng 30 giờ. Tổng lượng bốc hơi nhiều hơn TBNN khoảng 10mm. Tại các trạm Tân Mỹ, Phan Rang, Phan Rí, Sông Lũy, Phan Thiết, La Gi, Tà Pao đều không có mưa. Diễn biến mực nước trên các sông đều có xu thế giảm và thấp hơn TBNN khoảng 0,30m, cá biệt tại trạm Tà Pao trên sông La Ngà (Bình Thuận) mực nước thấp hơn TBNN khoảng 0,90m. Tình hình xâm nhập mặn diễn ra mạnh mẽ hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước tại khu vực hạ lưu sông Cái Phan Rang, Cái Phan Thiết, Sông Lũy. Đặc biệt tại Cầu Đạo Long 2 (Ninh Thuận), độ mặn năm 2020 có xu hướng tăng đột biến khoảng từ 10 đến 20 lần so với cùng kỳ các năm trước, có thời điểm độ mặn lớn nhất tại đây lên đến 22%o.

Sẽ rất nguy hại tới đời sống của nhân dân khi tình trạng hạn kéo dài

Cùng tình trạng với các tỉnh Nam Trung Bộ, nhiều tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ cũng lần lượt công bố tình trạng khẩn cấp. Tiêu biểu như tỉnh Bến Tre vào giữa tháng 1/2020 ghi nhận xâm nhập mặn trên các sông chính tương đương đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016. Cũng từ giữa tháng 2 vừa qua, tỉnh Kiên Giang đã công bố tình huống hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng thuộc địa bàn tỉnh cấp độ 1 rủi ro thiên tai. Liên tiếp sau đó, tại Sóc Trăng ghi nhận xâm nhập mặn đã làm khoảng 1.000ha lúa đông xuân của huyện Trần Đề bị ảnh hưởng năng suất và trên 1.500ha lúa vụ 3 của huyện Long Phú bị thiệt hại. Tương tự, ở Tiền Giang, ngay trong vùng ngọt hóa, cây lúa cũng đang điêu đứng vì không có nước ngọt, nguy cơ giảm năng suất rất cao, còn tại vùng chuyên canh cây sầu riêng thuộc huyện Cai Lậy - Tiền Giang, nhiều diện tích cây sầu riêng đã bị khô héo, rụng trái...

Theo nhận định của nhiều chuyên gia chuyên gia khí tượng thủy văn, năm nay hiện tượng El Nino trở lại khu vực, lượng nước mưa khá thấp. Tiếp đó là chuỗi các đập thủy điện ở thượng nguồn đều đồng loạt tích nước vào hồ chứa, lượng nước xả về hạ lưu rất ít. Nếu các tỉnh đầu nguồn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chạy theo làm lúa vụ 3 (vụ thu đông) sẽ làm các vùng ven biển khan hiếm nước hơn. Theo đó, nước mặn sẽ theo thủy triều lấn sâu hơn vào đất liền và có nhiều nguy cơ nhiễm mặn cả những vùng nước ngọt trước đây như TP. Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long và sẽ mở rộng ra các tỉnh còn lại.

Kịp thời chung tay chống hạn, mặn

Để kịp thời hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hạn, mặn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 504/QĐ-TTg hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Quyết định nêu rõ: Hỗ trợ 530 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 8 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (gồm Bến Tre 70 tỷ đồng, Long An 70 tỷ đồng, Tiền Giang 70 tỷ đồng, Cà Mau 70 tỷ đồng, Kiên Giang 70 tỷ đồng, Sóc Trăng 60 tỷ đồng, Trà Vinh 60 tỷ đồng, Bạc Liêu 60 tỷ đồng) để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như: bơm nước, nạo vét kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn giữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước ngọt; kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; mua thiết bị lọc, trữ nước; vận chuyển nước cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.

Một số nơi, người dân đã tự khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt do hạn

Đồng lòng với Chính phủ, tại nhiều địa phương, các đơn vị, cá nhận đã chung tay thực hiện chương trình mang nước ngọt đến với người dân vùng hạn mặn. Ngay khi nhận thấy tình hình diễn biến phức tạp của hạn, mặn, vào cuối tháng 3 Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã dành 1 tỷ đồng triển khai chương trình “Trao bồn chứa nước cho vùng hạn, mặn”, tặng 1400 thùng chứa để bà con các tỉnh bị thiên tai hạn mặn dự trữ nước ngọt. Chương trình diễn ra tại 7 tỉnh miền Tây gồm Sóc Trăng, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Vĩnh Long và Cà Mau. Cũng tại đây, ngày 9/4/2020, Công ty Cổ phần phân bón Dầu khí Cà Mau trao tặng 300 bồn nhựa chứa nước (mỗi bồn dung tích 500 lít), tổng trị giá gần 500 triệu đồng. Trước đó, ngày 14/3, 300m3 nước ngọt được chở bằng tàu hải quân 937 đang thực hiện nhiệm vụ tại TP Vũng Tàu thuộc Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn đã vượt qua hơn 70 hải lý với hành trình gần một ngày xuống khu vực ven biển tỉnh Bến Tre và cập bến Cái Mơn(Bến Tre) đem nguồn nước ngọt đến với bà con vùng hạn mặn.

Các chương trình mang nước ngọt đến vùng hạn mặn đã mang lại hiệu quả xã hội tích cực, chung tay giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, việc cung cấp nguồn nước sạch cho người dân khu vực này sử dụng vào mùa khô vẫn còn là vấn đề hết sức bức thiết nếu tại các địa phương không nghiêm túc nhìn lại để đánh giá và có những giải pháp khắc phục mang tính chiến lược thì về lâu dài, việc hạn, mặn không chỉ dừng lại ở các tỉnh được trợ cấp trong năm nay mà tình trạng này có thể lan ra toàn vùng, gây thiệt hại lớn cho nên nông nghiệp cũng như làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Xuân Linh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 11 - 20

Bình luận: 0