TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 26/04/2024

Tiêu chí môi trường trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội – Thực trạng và giải pháp

16:10 12/08/2021
Logo header Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), đến nay thành phố Hà Nội đã có 12/18 huyện, thị xã và 368/382 xã đạt chuẩn NTM. Thành phố đang phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM tại 100% số huyện, thị xã trong năm 2022.

Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết các kỳ Đại hội XV, XVI, XVII của Đảng bộ Thành phố và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2011 – 2015, giai đoạn 2016 – 2020 và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, khu vực nông thôn Thủ đô có chuyển biến, tiến bộ rõ nét: Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, theo hướng sản xuất hàng hóa, với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao; công tác xây dựng NTM đạt kết quả tích cực; đời sống của nông dân tiếp tục được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay Hà Nội đã có 12/18 huyện, thị xã đạt NTM, 368/382 xã đạt chuẩn NTM, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, thu nhập của người dân khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cuối năm 2020 trên địa bàn thành phố đạt 90,1%, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm, còn 0,69%; sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội dần khẳng định thương hiệu để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện và tiêu thụ sản phẩm OCOP…

Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2072/QĐ-UBND ngày 03/4/2017 về ban hành Bộ tiêu chí xã NTM thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 4212/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 về việc ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018 – 2020; Quyết định số 7314/QĐ-UBND ngày 26/12/2019 về việc ban hành Bộ tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu giai đoạn 2019-2020.

Trong đó vấn đề môi trường và an toàn thực phẩm được đưa vào Tiêu chí số 17 với nhiều yêu cầu phù hợp với hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như Nghị định số 40/2019/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì thực trạng thực hiện đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường và quá trình thẩm định, phê duyệt Tiêu chí số 17 đang còn nhiều bất cập, đôi khi còn mang tính hình thức, chưa phản ánh đúng thực trạng tại một số huyện, thị xã trong địa bàn.

Trên cơ sở Sổ tay hướng dẫn số 69/QĐ-BNN-VPDP về việc thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 09/01/2017, các xã NTM phải đạt được các tiêu chí về môi trường như sau:

Cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường khi:

- Về mặt hồ sơ, thủ tục về môi trường, yêu cầu các cơ sở sản xuất – kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề cần đảm bảo đầy đủ, bao gồm:

+ Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc Đề án bảo vệ môi trường đơn giản hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc Báo cáo về các biện pháp bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

+ Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, Giấy phép khai thác, xả thải nước thải vào nguồn nước theo quy định (nếu có);

+ Phương án bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường đã cam kết trong các hồ sơ nêu trên về phân loại, xử lý chất thải (nước thải, khí thải và chất thải rắn); nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;...

- Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo:

+ Không sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản;

+ Không xây dựng khu nuôi trồng thủy sản tập trung trên bãi bồi đang hình thành vùng cửa sông ven biển;

- 100% các làng nghề trên địa bàn quản lý (nếu có) phải đảm bảo:

+ Thực hiện đúng quy định của địa phương về bảo vệ môi trường;

+ Có phương án bảo vệ môi trường làng nghề;

+ Có kết cấu hạ tầng bảo đảm thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải theo quy định;

+ Có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường.

Cảnh quan, môi trường được đánh giá xanh - sạch - đẹp, an toàn khi:

- Các khu vực công cộng không có hiện tượng xả nước thải, chất thải rắn bừa bãi gây mất mỹ quan;

- Hồ ao, kênh mương, bờ đê, đường làng ngõ xóm, khu vực công cộng được vệ sinh thường xuyên, sạch sẽ.

Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định khi:

- Về nước thải

+ Mỗi khu dân cư tập trung của thôn, xã phải có hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của khu vực, không có hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng nước thải và ngập úng;

+ Có điểm thu gom nước thải và áp dụng biện pháp xử lý phù hợp nước thải trước khi đổ vào các kênh, mương, sông, hồ.

- Về chất thải rắn

+ Không để xảy ra tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường nông nghiệp hết hạn hoặc các vỏ bao bì, dụng cụ đựng các sản phẩm này sau khi sử dụng bị vứt, đổ bừa bãi ra môi trường.

+ Có phương án phù hợp để thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến khu xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh, trong đó nêu rõ:

+ Đơn vị phụ trách thu gom, vận chuyển;

+ Chủng loại, số lượng phương tiện vận chuyển;

+ Cách thức phân loại;

+ Tần suất, lịch trình thu gom đối với từng cụm dân cư;

+ Vị trí các điểm trung chuyển (nếu có);

+ Điểm tập kết chất thải rắn trong khu dân cư (nếu có) phải đảm bảo hợp vệ sinh;

+ Có Hương ước, quy ước đối với từng khu dân cư với sự tham gia của tất cả các hộ, cơ sở cam kết thực hiện đúng các quy định của địa phương đối với chất thải rắn, nước thải.

Theo kết quả rà soát của Tri thức xanh và báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội về công tác thu gom, phân loại, tập kết và xử lý trên địa bàn Thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập. Bên cạnh những địa phương triển khai hiệu quả như Đan Phượng, Gia Lâm thì hầu hết các huyện chưa đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, bãi tập kết, khu xử lý chưa có mái che, không có rãnh thu gom nước thải,…

Báo cáo của Sở Xây dựng cũng cho thấy, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn ở các huyện ngoại thành mới chỉ đạt 87-88%. Như vậy vẫn còn một lượng lớn rác thải chưa được thu gom gây ứ đọng rác, mùi hôi thối và là nguồn lây nhiễm bệnh, gây bức xúc trong nhân dân.

Bên cạnh đó, việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới thu gom, tập kết, vận chuyển và xử lý chất thải trên địa bàn các xã chưa đồng nhất; một số vị trí được quy hoạch làm bãi tập kết, xử lý nhưng chưa được đầu tư, xây dựng. Việc lập, phê duyệt danh mục dự án đầu tư, dự toán các công trình bảo vệ môi trường (điểm tập kết, điểm trung chuyển, khu xử lý chất thải...) cũng như công tác đấu thầu, thương thảo và ký hợp đồng thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn các huyện còn nhiều bất cập. Việc quyết toán các công trình môi trường trong chương trình NTM chưa được thực hiện công khai, minh bạch.

Có thể nói, chương trình quốc gia về xây dựng NTM đang thu được rất nhiều thành tựu to lớn, tuy nhiên, một số bất cập phát sinh thời gian qua đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến quá trình thẩm định, phê duyệt Tiêu chí số 17 về bảo vê môi trường và an toàn thực phẩm. Trong khuôn khổ chuyên đề “Công khai công tác bảo vệ môi trường, tiêu chí bảo vệ môi trường trong Chương trình xây dựng NTM”, Tri thức Xanh sẽ rà soát, phân tích, đánh giá cụ thể trên phạm vi từng địa bàn, từng đối tượng ở các kỳ tiếp theo.

Cẩm Vân và Nhóm PV Chuyên đề

Theo Tri thức Xanh Số 74-21

Bình luận: 0