TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 29/03/2024

Tĩnh Gia - Thanh Hóa: Cần rà soát lại hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ dăm và kiên quyết xử lý những sai phạm (kỳ 2)

15:24 14/05/2020
Logo header Từ năm 2018, UBND huyện Tĩnh Gia cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát những công ty sản xuất, kinh doanh gỗ dăm. Kết quả cho thấy: Thứ Nhất: Về Công ty cổ phần Sinh Lộc Phát thì Công ty này đã thuê lại đất của Công ty cổ phần Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa (PTSC Thanh Hóa) và Công ty này không thực hiện sản xuất mà chỉ kinh doanh thương mại (bao gồm các hoạt động thu mua và xuất khẩu); Thứ Hai: Về Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Minh Long 68 thì Công ty này đang sử dụng đất của họ (?).

Xưởng chế biến gỗ dăm Minh Long 68

Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh họ cũng có trách nhiệm đóng góp cho địa phương và hiện nay công ty này đang hoạt động rất tốt. Tất cả các Công ty này đều do UBND tỉnh phê duyệt chủ trương và các sở ngành cấp phép. Việc quản lý họ hoạt động sản xuất, kinh doanh ra sao là do Khu Kinh tế Nghi Sơn. Họ (ý chỉ Khu Kinh tế Nghi Sơn -PV) quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của tận 12 xã thuộc huyện Tĩnh Gia. UBND huyện chỉ tiến hành xem xét, xử phạt vi phạm (nếu có) khi mà Khu kinh tế Nghi Sơn có đề xuất, báo cáo.

Liệu huyện Tĩnh Gia và Khu Kinh tế Nghi Sơn có đang “buông lỏng” quản lý?

Nếu phó mặc trách nhiệm quản lý cho Khu Kinh tế Nghi Sơn thì trách nhiệm quản lý của UBND huyện Tĩnh Gia ở đâu? Thông qua một vài thông tin phóng viên thu thập được thì đối với Công ty cổ phần Sinh Lộc Phát chỉ thuê đất của PTSC Thanh Hóa. Vậy nhưng theo Hợp đồng số 85/HĐ-PTSCTH-SLP ngày 03/10/2012 và Phụ lục Hợp đồng số 01 ký năm 2012 và Phụ lục Hợp đồng số 02 ngày 02/04/2013 giữa PTSC Thanh Hóa và Công ty cổ phẩn Sinh Lộc Phát thì: “1) Thời hạn thuê đất của Công ty Sinh Lộc Phát là 15 năm kể từ ngày ký Hợp đồng dịch vụ với PTSC Thanh Hóa; 2) Mục đích thuê đất là để làm bãi chứa nguyên liệu gỗ cây, làm nhà xưởng chế biến và tái chế dăm gỗ xuất khẩu. Thuê máy băm để băm gỗ và băm tái chế gỗ xuất khẩu (tối thiểu thuê 02 máy); Giá thuê là 07 USD/ m2 chưa bao gồm thuế VAT”. Với những thông tin chi tiết như vậy, kèm theo thực sát của phóng viên tại khu vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Sinh Lộc Phát là hiện tại có máy móc, thiết bị và hoạt động băm gỗ. Thế mà một lãnh đạo UBND huyện Tĩnh Gia đã từng khẳng định: “Công ty này không có hoạt động sản xuất. Tôi khẳng định thế.”. (?)

Công văn gia hạn thời gian hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ thực hiện Dự án nhà máy chế biến lâm sản Minh Long 68

Đối với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Minh Long 68, ngay sau khi phóng viên về đặt lịch làm việc với UBND xã sở tại và UBND huyện Tĩnh Gia thì có người xưng là ở Công ty này gọi điện cho phóng viên, theo thông tin của đại diện Công ty này (người gọi điện) thì Công ty đã có đầy đủ hồ sơ pháp lý. Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, được biết ngày 07/02/2017 theo Quyết định số 379/QĐ-UBND của UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án xây dựng xưởng sản xuất, chế biến gỗ cho Công ty này, nhưng phải đến gần 1 năm sau vẫn chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai thực hiện dự án, nên tháng 06/2018, Công ty này đã phải có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin gia hạn thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý và được UBND tỉnh chấp thuận cho gia hạn thêm 50 ngày. Điều đáng nói ở đây là dù chưa hoàn thiện những thủ tục pháp lý theo quy định để thực hiện triển khai dự án nhưng Công ty Minh Long 68 đã mua gom đất của người dân, xây dựng nhà xưởng và hoạt động sản xuất kinh doanh trái với quy định pháp luật từ nhiều năm qua. Hơn nữa cần lưu ý là đất tự mua gom và đất để thực hiện dự án là 2 loại đất khác nhau. Theo hồ sơ thì năm 2016, khi Đoàn kiểm tra của UBND huyện Tĩnh Gia đã tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh và việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực dăm, gỗ đối với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Minh Long 68 cho thấy nguồn gốc đất hiện đang xây dựng nhà xưởng chế biến, sản xuất và kinh doanh của Công ty này bao gồm các loại đất: Đất có rừng trồng sản xuất ( ký hiệu RST), đất trồng cây lâu năm (ký hiệu LNK), đất sông ngòi, kênh rạch, suối (ký hiệu SON). Các thửa đất này được Nhà nước giao cho người dân quản lý và sử dụng. Tuy nhiên những hộ gia đình này lại cho Công ty Minh Long 68 thuê lại. Vậy có được coi là Công ty này mua lại đất của dân và họ có quyền sử dụng (?!). Trong các thửa đất này có cả đất trồng rừng. Vậy Công ty này đã phá rừng xây nhà xưởng như thế nào? Các cấp quản lý từ địa phương đến cấp tỉnh có biết hay không? Chưa kể việc Công ty này thuê lại đất của người dân khi đã thực hiện xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc và sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay chưa?

Xưởng chế biến trông như bãi tập kết của Công ty Sinh Lộc Phát

Thông qua phản ánh sơ bộ về một vài Công ty có hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ trên địa bàn huyện Tĩnh Gia cho thấy trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc quản lý đất đai, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn cần phải được xem xét.     

Huy Thịnh và Nhóm PVĐT

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 10 - 20

Bình luận: 0