TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 25/04/2024

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường có thực sự là “Bài toán” khó?

16:01 01/10/2020
Logo header Mặc dù theo quy định tại Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Những hành vi bị nghiêm cấm là họp chợ, mua bán hàng hóa trên đường bộ; xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường… và Điều 36 của luật này cũng quy định các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35, trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Việc xử phạt những hành vi này cũng đã được nêu rõ trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với hình phạt cao nhất lên tới 40 triệu đồng. Thế nhưng việc sử dụng lòng, lề đường vẫn diễn ra khá phổ biến. Công tác quản lý, đảm bảo trật tự đô thị chưa thực sự hiệu quả và thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường có thực sự là “bài toán” khó?

Cảnh lấn chiếm vỉa hè diễn ra tại một khu phố ở Hà Nội

Yếu tố khách quan là do quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng của chúng ta chưa được đồng bộ, các điểm trông giữ phương tiện hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, cung và cầu chưa phù hợp. Ngoài ra mật độ dân số tại các đô thị tăng, cùng với đó tình trạng ô tô, xe máy đỗ để dưới lòng đường cũng không tránh khỏi do các điểm trông giữ phương tiện tạm thời do Sở GTVT cấp phép cũng quá tải. Thực trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đã xảy ra nhiều năm, đơn cử như thành phố Hà Nội đã có rất nhiều đợt ra quân xử phạt, nhưng sau mỗi đợt thì tình trạng tái diễn, thậm trí phát sinh thêm. Ngày 03/5/2018 UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội trong đó có nội dung: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần đường đô thị ngoài mục đích giao thông phải được sự chấp thuận, cho phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong giấy phép. Trông, giữ xe tạm thời một phần lòng đường phải tuân thủ những quy định cụ thể: Điểm để xe phải cách nút giao thông tối thiểu 20m tính từ mép đường giao nhau, vị trí để xe phải được sơn kẻ vạch rõ ràng; xe ô tô phải đỗ thành hàng thuận theo chiều làn đường xe chạy có chứa điểm đỗ xe; không được cắm cọc, chăng dây, rào chắn dưới lòng đường, không cản trở lối đi dành cho người đi bộ tại các vị trí sang đường. Bố trí điểm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ (Ngày chẵn bố trí đỗ xe bên dãy số nhà chẵn, ngày lẻ bố trí đỗ xe bên dãy số nhà lẻ)…  Bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông; bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình, chủ công trình trên tuyến phố. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hà Nội, thành phố hiện đang có khoảng 6,9 triệu phương tiện giao thông và 1,2 triệu phương tiện từ nơi khác thường xuyên ra vào. Lưu lượng xe không ngừng tăng nhanh không chỉ dẫn đến tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông mà còn gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông tĩnh như điểm đỗ vốn mới chỉ đáp ứng được 8 đến 10% nhu cầu. Sáu tháng đầu năm 2020, Thanh tra Sở GTVT TP. Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 172 điểm trông giữ xe vi phạm, phạt tiền hơn 852 triệu đồng. Trong đó có 120 trường hợp chiếm dụng lòng đường, vỉa hè trông giữ phương tiện và 52 trường hợp tự ý tổ chức hoạt động khai thác bãi đỗ xe khi chưa được cấp phép.

Bãi đỗ xe tại Khu đô thị Định Công, Hà Nội

Tình trạng hàng quán kinh doanh lấn chiếm vỉa hè cũng gây cản trở giao thông, vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa gây mất an toàn giao thông. Chị Oanh ở quận Hoàng Mai chia sẻ: “Tôi và gia đình thường xuyên đi bộ trên vỉa hè, nhưng nhiều nơi không có vỉa hè để chúng tôi phải đi xuống lòng đường rất nguy hiểm, những hàng ăn và bãi trông giữ xe ngang nhiên chiếm lối đi. Tôi thấy rằng cần phải giải quyết được vấn đề cho những người bán, các đơn vị tận dụng vỉa hè làm nơi để phương tiện và tình trạng lấn chiếm lòng đường cần phải xử lý thật nghiêm. Nếu các cơ quan chức năng không quyết liệt thì tình trạng này sẽ kéo dài mãi”. Đây cũng là bức xúc của rất nhiều người dân thường xuyên đi bộ trên vỉa hè trên các đường phố Hà Nội. Có những hè phố được quy hoạch rất đẹp, vừa đảm bảo mỹ quan vừa đảm bảo kinh doanh và người đi bộ vẫn có lối đi, nhưng rất tiếc số lượng đó chưa nhiều, hay không muốn nói là quá ít. Có thể dễ dàng nhận thấy những phố Tây Sơn, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Láng, Phương Mai, Trần Điền… tình trạng vi phạm này công khai gây cản trở người bộ hành và các phương tiện tham gia giao thông.

Thực trạng đang diễn ra ở Hà Nội cũng như các thành phố lớn trên cả nước là quy hoạch bãi đỗ xe, gửi xe đang còn rất khó khăn, nhưng không phải chỉ vì lý do đó để ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, sự an toàn của người dân. Đơn cử như tại khu CT6 Khu đô thị Định Công, sân chơi ở đây đã được sử dụng để làm bãi đỗ xe ô tô. Một người quản lý ở đây chia sẻ: “Ở đây trước là sân chơi, những cư dân ở đây không có chỗ đỗ ô tô nên chúng tôi đã thỏa thuận với phường bố trí để cư dân để ở đây, phí gửi xe là 800.000 đ/tháng”. Sân chơi là nơi để mọi cư dân được sinh hoạt, các trẻ em được vui chơi, bố mẹ được đi bộ xung quanh. Nhưng nay chỉ nhìn thấy toàn ô tô được đỗ kín sân, sát vỉa hè và có những xe còn đỗ ở cả xuống lòng đường, vừa gây cản trở giao thông, vừa gây nguy hiểm cho những xe đi lại. Tại khúc cua khuất tầm nhìn, chỉ cần sơ ý rất có thể xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Điều đáng nói ở đây là nếu như không có chỗ để đi bộ thì cư dân sẽ phải đi xuống lòng đường, gây nguy hiểm cho chính họ và những người tham gia giao thông khi đi qua đoạn đường đó.

Chiếc xe tải chở hoa quả là phương tiện "bán hàng rong" ngang nhiên chiếm lòng đường trên đường Giải Phóng, Hà Nội

Thiết nghĩ khi tai nạn xảy ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc sử dụng vỉa hè, không gian đi bộ để kinh doanh? Câu hỏi này rất cần các cơ quan có thẩm quyền làm rõ, và cũng cần có những phương án hợp lý để vừa đảm bảo được an toàn giao thông vừa có thể quy hoạch hợp lý để người dân có nơi để phương tiện của mình một cách an toàn. Thời gian qua, trật tự lòng, lề đường còn phức tạp cũng có phần trách nhiệm của các quận, huyện, trong đó có vai trò của người đứng đầu. Việc xác định trách nhiệm của chủ tịch UBND các quận, huyện, phường xã trong việc bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn do mình quản lý là cần thiết.

Hiện nay, Nhà nước đang biên soạn dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ để từng bước đưa trật tự lòng đường, vỉa hè đi vào nề nếp, quy củ, tạo bộ mặt khang trang, sạch đẹp cho đô thị nên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương trong việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Tiến Đạt

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 30 - 20

 
Bình luận: 0