TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 29/03/2024

Truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam góp phần bảo vệ cuộc sống của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước

17:38 27/05/2021
Logo header Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam (22/5/1946 - 22/5/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thân ái gửi tới toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước cùng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác phòng, chống thiên tai những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, thiên tai xảy ra dồn dập với cường độ lớn, phạm vi rộng với diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, tài sản của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Năm 2019, thiên tai trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường với tổng số 600 đợt thiên tai quy mô cấp quốc gia và khu vực. Tại Việt Nam, thiên tai năm 2019 không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai (bão, dông, lốc sét; lũ quét, sạt lở đất; rét đậm, rét hại; nắng nóng; mưa lớn, ngập lụt; trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long…). Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng. Năm 2020 cũng là năm mà thiên tai diễn biến phức tạp, khốc liệt, dị thường ở các vùng miền cả nước. Đã xảy ra 8 cơn bão và 2 cơn áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Trung Bộ, trong đó cơn bão số 9 là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua và kỷ lục về số lượng 4 cơn bão trong tháng 10 (gần 40 năm lặp lại, tính từ năm 1983 đến nay). Ngập lụt đã xảy ra trên diện rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12 và 19/10, đã có trên 317 nghìn hộ/1,2 triệu nhân khẩu bị ngập lụt tại 7 tỉnh (từ Nghệ An đến Quảng Nam). Điều này càng đặt ra cho các đồng chí lãnh đạo, các lực lượng vũ trang, các cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai (PCTT) một nhiệm vụ rất nặng nề.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trình đắp đê sông Đà (Ảnh: Tổng cục Phòng chống Thiên Tai)

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, PCTT là cuộc chiến đấu bền bỉ, liên tục và luôn luôn sẵn sàng, vì vậy trong sự bộn bề gian nan của cuộc kháng chiến trường kỳ, năm nào Người cũng gửi thư nhắc nhở về việc đắp đê, chống lũ, chống hạn, trồng cây gây rừng, không được chủ quan; nhắc nhở các địa phương, các cấp, các ngành và nhân dân nâng cao ý thức, tinh thần chuẩn bị, sát với tình hình diễn biến mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là Đất nước, có đất và có nước thì mời thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu nước mạnh. Nước cũng có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì hạn hán. Nhiệm vụ của chúng ra là làm cho đất với nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Phấn đấu cho một xã hội mà ở đó dân tộc được độc lập, dân quyền được tự do, dân sinh được hạnh phúc là sự nghiệp cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh mong đạt tới.

Lịch sử ghi chép lại, đầu thế kỉ thứ nhất, năm 40 sau công nguyên, vào thời Hai Bà Trưng, con đê đầu tiên ở nước đã được hình thành. Trong suốt thời kì phong kiến, đê là biện pháp chủ yếu để chống lũ, nhưng mức bảo đảm còn thấp. Một năm trước ngày Sắc lệnh 70/SL ra đời, vào những giờ phút quyết định của Cách mạng Tháng Tám, lúc sông Hồng ngày càng lên cao vượt mực nước tất cả các trận lũ lớn nhất từ trước đến nay. Ngày 17/8/1945 mực nước lũ sông Hồng tại Hà Nội đã đến mức nguy kịch đe dọa sự an toàn của Thủ đô và nhiều vùng lân cận. Ngày 20/8/1945 khi mực nước sông Hồng lên đỉnh, hệ thống đê sông Hồng bị vỡ 79 chỗ, làm ngập lụt gần hết các tỉnh đông bằng Bắc Bộ, diện tích bị ngập lụt lên đến 260 ngàn ha. Vì thế trong rất nhiều công việc để xây dựng chính quyền non trẻ vừa giành được sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Trung ương Đảng và Chính phủ mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra ngay nhiệm vụ phải chống 3 thứ giặc là giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm. Từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công, công tác hộ đê phòng lụt được Đảng và Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Mặc dù đất nước còn chồng chất khó khăn, chính quyền cách mạng đã bắt tay khắc phục hậu quả lũ lụt trận lũ tháng 8 năm 1945.

Ngày 01/01/1946 chính phủ liên hiệp lâm thời được thành lập. Chỉ sau đó 10 ngày, sáng ngày 10/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi kiểm tra tình hình hàn khâu các đoạn đê bị vỡ ở hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Người lội nước, đi thăm hỏi từng người và căn dặn những người hậu cần: “Phải làm sao cho từng hộ gạo tới được “Bao tử” của anh em đắp đê. Dân chúng có quyền kiểm soát việc làm đê, đê phòng những lạm dụng có thể xảy ra”. Trong tháng 4 và 5/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 157 ngày 14/4/1948 và Sắc lệnh 194 ngày 28/5/1948, bãi bỏ Uỷ ban hộ đê Trung ương và thành lập ở mỗi Khu, tỉnh, huyện, xã một Uỷ ban hộ đê gồm một chủ tịch, một phó chủ tịch và một ủy viên nhằm phù hợp với tình hình cuộc kháng chiến cứu nước. Người cũng luôn coi việc đắp đê, giữ đê là công việc quan trọng để phòng lụt và chống lụt. Người đã viết nhiều bài về công tác này và đăng trên các báo đương thời. Trong đó, Bác luôn nhấn mạnh các ngành và các địa phương cần coi trọng hơn nữa việc phòng và chống lụt, báo… Trên cương vị Chủ tịch nước, Người cũng thường xuyên đi đến các địa phương để đôn đốc việc cứu đói, tổ chức tăng gia sản xuất, giữ đê, đắp đê, phòng chống lụt bão, bảo vệ mùa màng… Năm 1958, Người đã đi thăm tỉnh Sơn Tây, Người đi kiểm tra hai kè Cố Đô và Vũ Chu. Năm 1960, Bác đã về kiểm tra tuyến đê sông Cầu thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1961, Chủ tịch đã có buổi kiểm tra tuyến đê xung yếu tại xã Đông Mỹ, xã Sở Thượng, huyện Thanh Trì, Hà Nội… Đối với nhân dân vùng bị thiên tai, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt. Cho đến những giây phút nằm trên giường bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm đến tình hình lũ trên sông Hồng và nhắc nhở phải lo cứu dân nếu xảy ra vỡ đê.

Nhân Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam (22/5/1946 - 22/5/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước. Trong thư Thân ái gửi đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước, Chủ tịch nước nhấn mạnh, kể từ khi thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê đến nay, công tác phòng, chống thiên tai đã huy động được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đạt được những thành tựu to lớn. Trong những năm qua, chúng ta ngày càng thực hiện tốt việc chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, góp phần bảo vệ cuộc sống của nhân dân và những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, trước những khó khăn, gian lao bởi thiên tai, bão lũ thì tinh thần yêu nước, đoàn kết, truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc ta lại được phát huy cao độ; nhân dân cả nước cùng chung sức, đồng lòng chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng bị thiên tai; nhiều tấm gương cán bộ, chiến sỹ và đồng bào đã hy sinh quên mình để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, đóng góp to lớn của toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước, cùng các lực lượng phòng, chống thiên tai trong 75 năm qua.

Trước tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay, tôi đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng PCTT, các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTT và cứu hộ, cứu nạn, nhằm giảm đến mức thấp nhất rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần bảo vệ cuộc sống của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước, thể hiện hình ảnh Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế trong những nỗ lực PCTT, biến đổi khí hậu.

Huy Thịnh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 63 - 21

Bình luận: 0