TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 08/05/2024

Tuổi trẻ Bệnh viện dã chiến 2.2 ở Nam Sudan chung tay bảo vệ môi trường

19:34 11/06/2020
Logo header Như chúng ta đã biết, môi trường sống vô cùng quan trọng đối với con người và các loài sinh vật khác. Nhưng hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng với mức độ toàn cầu.

Các cán bộ chiến sỹ của BVDC 2.2 thu gom, lượm lặt vỏ chai nhựa quanh phái bộ

Môi trường ô nhiễm, ngập ngụa rác thải đâu đâu cũng thấy, từ thành thị đến nông thôn, từ bờ biển đến lòng các con sông con suối, ao, hồ... Giảm thiểu rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa là vấn đề sống còn và hết sức nhức nhối ở nhiều quốc gia, khu vực. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, một chiếc túi nilon nằm trong lòng đất nó cần phải mất tới hơn 500 năm để phân hủy hoàn toàn. Chính khả năng khó phân hủy của nhựa kết hợp với thực trạng tiêu thụ tăng cao, xử lý rác thải nhựa chưa hiệu quả đã khiến cho ô nhiễm rác thải nhựa đang ở mức báo động.

Nhận thức sâu sắc về tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới đời sống của con người, các cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC 2.2) luôn có những hành động thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường tại nơi đóng quân. Nhận nhiệm vụ từ cuối tháng 11/2019 tại địa bàn Bentiu trong Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan (UNMISS), BVDC 2.2 là đơn vị số 2 của Việt Nam tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc. Tại đây, các chiến sỹ đã vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa làm công tác chuyên môn. Ngay trong 3 tháng đầu triển khai thực hiện nhiệm vụ, vượt qua nhiều sự khó khăn, bệnh viện đã khám và điều trị cho hơn 500 lượt bệnh nhân, trong đó khám và điều trị ngoại trú 513 bệnh nhân, điều trị nội trú 12 bệnh nhân, thực hiện vận chuyển y tế đường không 3 trường hợp lên bệnh viện cấp 3. BVDC 2.2 của Việt Nam là tuyến điều trị cao nhất trong hệ thống y tế của Phái bộ. Trong thời gian vừa qua, ngoài việc cung cấp các dịch vụ y tế chăm sóc cho nhân viên Liên hợp quốc, bệnh viện cũng đã tổ chức nhiều buổi huấn luyện cho cán bộ nhân viên các bệnh viện cấp 1, các đơn vị bạn, nhằm nâng cao nhận thức và các phương pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 trong đơn vị mình. Cùng với đó, các chiến sỹ của bệnh viện còn tham gia vào nhiều hoạt động ý nghĩa mang lại lợi ích cho người dân địa phương. Trước khi BVDC 2.2 lên đường sang thay thế BVDC 2.1 cũng là lúc Chính quyền Nam Sudan có chủ trương giảm thiểu tối đa rác thải nhựa (Less than more plastic). Về điều này, ở buổi Lễ Gặp mặt và Giao nhiệm vụ cho BVDC 2.2, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, UVBCHTƯ Đảng, UVTVQUTƯ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành về việc Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc cũng đã khẳng định: “Giảm thiểu rác thải nhựa, dù khó khăn thế nào cũng phải thực hiện cho bằng được và tôi tin tưởng các đồng chí sẽ vượt qua”.

Mất hàng tháng, “Bản đồ Việt Nam” cũng đã được các chiến sỹ trẻ hoàn thành từ những nắp chai nhựa tưởng chừng như bỏ đi.

Sau 06 tháng hoạt động tại địa bàn, khó khăn với việc làm quen khí hậu, thức ăn, sinh hoạt là vậy, lại cộng thêm thực hiện chủ trương giảm thiểu rác thải nhựa của chính quyền sở tại, BVDC 2.2 cũng đã xây dựng kế hoạch này từ trong nước và đang áp dụng tương đối tốt. Cụ thể, hầu hết mọi người không ai dùng túi nylon trong sinh hoạt hằng ngày, thay vào đó là những chiếc giỏ xinh xắn làm từ mây, tre, nứa hay hộp nhựa, hộp inox bền đẹp có thể sử dụng lâu dài mà không hề gây tác động tới môi trường. Những bao bì nylon đựng xà phòng, các loại túi giấy bóng đựng dụng cụ y tế sau khi sử dụng, đều được xử lý triệt để tại lò đốt rác. Ngoài những hành động từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon trên, Trung úy QNCN Vũ Anh Đức, Dược sĩ Khoa Dược - Trang bị còn nhặt nhạnh, mày mò cắt gọt những vỏ chai nước uống, vỏ can nước lau sàn, vỏ chai xà phòng, vỏ lon bia... thành những vật dụng nhựa tái chế hữu ích, có tác dụng trồng cây, trang trí tạo thêm không gian xanh cho bệnh viện, anh còn sưu tầm rất rất nhiều những chiếc nắp chai nhựa, tự tay viết chữ, tô màu lên đó để làm Bảng chữ cái alphabet, làm đồ chơi (ô tô, robot...) để tặng cho những đứa trẻ bên khu Trại tị nạn P.O.C. Mọi người trong BV còn trêu đùa gọi anh là “Đức đồng nát”, “Trung úy ve chai”, bản thân anh thấy vui vì được ưu ái tên gọi đó, miễn là có thể làm được việc gì đó có ích cho cộng đồng.

Tập thể cán bộ, chiến sĩ BVDC 2.2 và các bạn quốc tế đứng trước tấm bản đồ Tổ quốc mang đầy ý nghĩa
 

Đặc biệt thời gian gần đây, những hành động mang tính xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng biển đảo của Trung Quốc, ngang nhiên tôn tạo xây dựng trái phép trên các bãi, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là chủ đề nóng trong nghị trường quốc hội, làm dư luận trong nước cũng như quốc tế hết sức quan ngại. Cũng chính vì lý do này, anh đã cùng một nhóm những người bạn dày công sưu tầm và chọn ra những chiếc nắp chai mới nhất, phù hợp màu sắc nhất và mất hàng tháng trời để hoàn thiện tác phẩm “Bản đồ Việt Nam”. Tấm bản đồ mang tính biểu tượng dải đất hình chữ S, không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa “giảm thiểu rác thải nhựa” - Slogan của đất nước sở tại, mà còn có ý nghĩa chính trị, mang tính chất tuyên truyền địa giới hành chính của Tổ quốc ta tới bạn bè quốc tế. Điều này cũng góp phần cổ vũ, khích lệ, động viên, khơi dậy tinh thần yêu nước của đồng bào trong nước cũng như nước ngoài để họ luôn nhớ về quê hương (liền một dải) như một phần máu mủ ruột thịt của mình. 

Những hành động tuy nhỏ, nhưng đầy ý nghĩa lớn lao của chàng “Trung úy ve chai” đã lan tỏa tới nhiều cán bộ nhân viên trong BVDC và đương nhiên khi ai nhìn thấy chai hay nắp chai nhựa thì đều rửa sạch bỏ túi rồi mang về “đóng góp” cho đồng chí Vũ Anh Đức để những vật dụng vô tri tưởng chừng bỏ đi ấy lại được chế tạo thành các dụng cụ hay những món đồ chơi nho nhỏ dễ thương. Và cũng chính từ những hành động thiết thực đó của các chiến sĩ BVDC 2.2 mà hình ảnh tốt đẹp của lực lượng QĐND Việt Nam ngày càng phát huy, cũng như khẳng định trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế và đặc biệt để lại nhiều ấn tượng cộng đồng dân cư địa phương.

Trọng Nghĩa - Lê Tuấn Anh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 14 - 20

Bình luận: 0