Việc làm thiết thực để giữ sạch môi trường Thủ đô
Người dân mang rác thải tái chế ra nơi thu gom.
Trên thế giới, có rất nhiều nước đã tìm ra cách xử lý vấn nạn ô nhiễm rác thải tại các siêu đô thị, biến rác thải thành năng lượng và thậm chí là sản phẩm thu hút du lịch. Theo báo cáo Diễn đàn kinh tế Thế giới, Nhật Bản hiện đang dẫn đầu thế giới về quy trình phân loại rác 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng). Còn tại quốc đảo Singapore, với nhận thức về môi trường cao, đặc biệt trong phân loại rác thải sinh hoạt thành loại tái chế được và loại đốt cháy được, luôn thường trực ở mỗi người dân từ người già đến trẻ nhỏ. Hay như tại Hàn Quốc, bãi chôn lấp rác thu hồi và sử dụng khí ga, đã thu hồi khí gas cho trạm phát điện để giảm phát thải khí nhà kính.
Ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn đông dân luôn là một vấn đề làm đau đầu các cơ quan quản lý. Mỗi ngày chỉ tính riêng tại các đô thị của nước ta có gần 20.000 tấn rác thải sinh hoạt (TP Hồ Chí Minh 9.000 tấn, Đà Nẵng 1.000 tấn, Hà Nội khoảng 7.000 tấn). Riêng tại Thủ Đô, khu xử lý rác Nam Sơn hàng ngày đang gồng mình tiếp nhận gần 5 ngàn tấn rác và khu xử lý rác Xuân Sơn cũng tiếp nhận trên 1 ngàn tấn mỗi ngày. Theo tính toán, các khu xử lý rác này chỉ có thể tiếp nhận rác đến hết năm 2020. Để gia tăng công suất, kéo dài thời gian tiếp nhận tại các địa điểm trên, các cơ quan chức năng đã đưa ra một số giải pháp như lập dự án xây tường chắn đất để nâng cao công suất chứa, nâng cao độ đổ rác tại các khu xử lý,… nhưng đây đều không phải biện pháp lâu dài. Các giải pháp bền vững cũng đã được tính đến và triển khai tại không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước, tuy nhiên cho đến nay, việc phân loại rác thải vẫn đang là một vấn đề chưa được giải quyết hiệu quả. Trên thực tế, việc phân loại rác thải tại nguồn được triển khai tại Hà Nội từ năm 2006 - 2009 do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ đã qua 02 lần thí điểm và chưa thực sự được thành công như ý muốn.
Hiện nay, theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam mới có 15% lượng rác sinh hoạt trong tổng lượng chất thải phát sinh được sản xuất thành phân bón. Tuy vậy, theo khảo sát thực tế, việc tiêu thụ loại phân hữu cơ này cũng không tốt như mong đợi bởi nhiều yếu tố, cả về chất lượng, giá cả lẫn vận chuyển. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là chi phí xử lý rác lớn, không bù đắp nổi chi phí sản xuất. Lượng rác thải lớn, song nhiều nhà máy luôn hoạt động dưới công suất, chất lượng sản phẩm không cao do việc thực hiện phân loại rác tại nguồn chưa thực hiện tốt. Rác thải là nguồn tài nguyên tái chế đang để lãng phí. Theo các chuyên gia của Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, việc áp dụng các mô hình tăng trưởng xanh và các bon thấp, giảm phát chất thải theo đầu người, tăng tái chế… sẽ góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn vệ sinh môi trường và chống biến đổi khí hậu. Ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phan Tuấn Hùng, thực hiện chỉ thị này, Bộ đang hoàn thiện chế tài quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên, thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế loại bỏ tiêu cực đến môi trường, đồng thời thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý. Đi đôi với đó là đề xuất lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần… Trên tinh thần đó, sự xuất hiện của các thùng rác công nghệ đã giúp người dân Thủ đô dần nhận thức rõ hơn về việc phân loại rác trước khi cho vào thùng. Song song với đó, vào quý III năm 2020, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) đã tổ chức phối hợp với UBND các quận cùng với công ty TNHH quốc tế Unilever và tổ chức xã hội mGreen thực hiện Chương trình “Ngày hội đổi rác tái chế lấy quà tặng” (GREEN DAY), nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác dài hạn giữa Unilever và URENCO: “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và tái chế rác thải nhựa” từ năm 2020 đến 2025. Các điểm đổi quà sẽ được tổ chức thường xuyên, liên tục vào sáng thứ 7 hàng tuần, thời gian từ 7h00 - 11h00 trên địa bàn 04 Quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Người dân có thể mang trực tiếp rác tái chế để đổi quà hoặc thông qua ứng dụng mGreen tích điểm, đổi quà. Đây là hoạt động mang ý nghĩa tuyên truyền rất cao để mỗi người dân có thêm nhận thức và thay đổi thói quen về tầm quan trọng của việc phân loại rác thải tại nguồn, từ đó tạo ra thói quen phân loại rác trước khi đổ, bỏ. Bà Đinh Hòa Lan (URENCO chi nhánh quận Đống Đa) cho biết chương trình Đổi rác tái chế lấy quà tặng đã được triển khai ở quận Đống Đa từ ngày 05/9/2020 và được thực hiện vào Thứ bảy hàng tuần. Hiện nay, trên địa bàn quận có 02 điểm đang thực hiện là số 04 Hoàng Cầu - đây là điểm cố định và điểm còn lại sẽ thay đổi mỗi tuần trên địa bàn quận. Chương trình này hiện tại vẫn đang được triển khai và chưa có kế hoạch kết thúc. Theo kế hoạch hành động đã được ký kết, URENCO sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thu gom, vận chuyển, tái chế các loại rác thải, Unilever là đơn vị đối tác chiến lược, hỗ trợ tài chính, đồng hành cùng URENCO triển khai hoạt động thu gom và thực hiện công tác tuyên truyền, truyền thông giúp người dân hình thành và duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn. Rác sau khi được phân loại sẽ được thu gom riêng biệt bằng 3 phương án: Công ty môi trường đô thị thực hiện thu gom hằng ngày, bằng xe rác 2 ngăn; người dân dùng app mGreen để thông báo cho người đến thu gom rác tái chế và đổi quà tại nhà, hoặc đổi rác tái chế lấy quà tại các điểm thu gom cố định vào thứ bảy hằng tuần. Tại đây, các hộ gia đình có thể chủ động mang rác tái chế đến để đổi các sản phẩm dùng trong gia đình từ các nhãn hàng. Trong quá trình triển khai, tại các khu vực đổi rác thải lấy quà đã thu gom được hàng nghìn kg rác tái chế. Điển hình như trong ngày GREEN DAY 26/9/2020, URENCO đã phối hợp với UBND các Quận, tập đoàn Unilever và mGreen thực hiện thu đổi được hơn 2.600 kg rác tái chế và đã trao 300 suất quà là các túi đựng rác tái chế của URENCO, các sản phẩm tiêu dùng của tập đoàn Unilever, các sản phẩm bánh, kẹo của Công ty Bánh kẹo Hải Hà. Người dân cũng rất hào hứng tham gia chương trình, thu gom rác tại khu vực sống xung quanh để mang đi đổi lấy quà tại các điểm thu gom. Bà Kim Oanh, người dân tại quận Đống Đa cho biết: “Gia đình chúng tôi trước đây cũng rất ít khi phân loại, đến nay những thành viên trong gia đình và cả các cháu nhà tôi qua chương trình cũng đã có ý thức hơn để phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định. Đây đúng là một chương trình rất ý nghĩa, thiết thực.”.
Có thể thấy, đây là một trong những việc làm cụ thể và thiết thực của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội trong nỗ lực giúp người dân hiểu hơn về “tài nguyên rác”, nâng cao ý thức trong việc phân loại rác của cộng đồng dân cư, để rác thải không là vấn nạn đe dọa tới sức khỏe của người dân và sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Thu Trung
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 35 -20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)