Việc sử dụng đất nông - lâm nghiệp không đúng mục đích cần phải chấn chỉnh
Tình trạng xâm lấn mặt hồ Đồng Đò diễn ra phổ biến
Khoảng 10 năm trở lại đây, kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu ăn ở, đi lại và hưởng thụ của người dân ngày càng tăng cao. Tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp tại các địa phương trong cả nước có diễn biến hết sức phức tạp. Nếu như ở các tỉnh đồng bằng, người dân đổ đất lấp ruộng, ao, hồ… rồi phân lô, tự ý bán nền thì miền núi lại bị xẻ, bạt đồi, phá rừng lấy đất làm nhà, xây dựng trang trại, khu du lịch. Những vi phạm này làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây lãng phí tài nguyên môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Nhà nước đã có những quy định về việc sử dụng đất theo từng mục đích cụ thể. Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan. Điều 12 của luật này quy định những hành vi bị cấm trong đó có hành vi sử dụng đất không đúng mục đích. Điều 64 cũng quy định về việc thu hồi đất do vi phạm đất đai: Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm. Ngày 10/11/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Điều 7 quy định về việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sẽ bị Nhà nước xử phạt từ 5 triệu cho đến 50 triệu, buộc khôi phục lại tình trạng đất trước khi vi phạm và buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi với diện tích từ 10 ha trở xuống. Theo Điều 208 của Luật Đất đai 2013 quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương, đặc biệt đối với UBND xã còn có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Pháp luật đã quy định rất rõ và cụ thể về vấn đề này tuy nhiên việc tập trung xử lý vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập và khó khăn.
Đơn cử như sự việc đã xảy ra nhiều năm tại khu hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn. Ở đây, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ 28 công trình vi phạm được coi là nghiêm trọng vì được coi là khu nghỉ dưỡng, khai thác kinh doanh, nghỉ cuối tuần được xây dựng trên đất lâm nghiệp và đã được UBND huyện Sóc Sơn quyết định tổ chức cưỡng chế nhưng đến nay quá trình đó đang gặp rất nhiều khó khăn. Về việc này phóng viên đã trao đổi trực tiếp với bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Đội trưởng đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn. Bà Huyền có chia sẻ: “Năm 2019 thanh tra thành phố có kết luận: “Ven hồ Đồng Đò phát sinh 28 công trình vi phạm, đã được lập hồ sơ xử lý và yêu cầu huyện Sóc Sơn xử lý ngay. 28 vi phạm được coi là nghiêm trọng vì là khu nghỉ dưỡng, khai thác kinh doanh, nghỉ cuối tuần. 28 hộ này đều là dân nơi khác. 02 trường hợp là người dân địa phương của thôn Minh Tân, họ có diện tích đất khác ở trong thôn nhưng ra mua ven hồ Đồng Đò. Huyện đã duyệt phương án và có kế hoạch, tuy nhiên trong quá trình thực hiện tổ chức xử lý cưỡng chế, ra thông báo và địa điểm cưỡng chế thì các hộ dân khiếu nại. Khi các hộ dân khiếu nại thì nguyên tắc là chính quyền phải dừng việc cưỡng chế lại. UBND Huyện đã ra quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 là giữ nguyên phương án cưỡng chế. Người dân tiếp tục khiếu nại lần 2 đến UBND Thành phố. Có 8/22 trường hợp khiếu nại lần 2. Người dân có văn bản kêu cứu đến Chính phủ. Chính phủ có Văn bản số 943 ngày 11/6/2019 và văn bản 6313 ngày 10/7/2019 của UBND Thành phố yêu cầu UBND thành phố hà Nội “tạm dừng việc xử lý cưỡng chế để xem xét quyền và lợi ích hợp pháp của công dân liên quan đến người dân đi khai hoang vùng kinh tế mới Đồng Đò”. Sau khi giải quyết hết kiến nghị của công dân, UBND Huyện có báo cáo số 91 cho phép tiếp tục xử lý cưỡng chế. Người dân tiếp tục kiện ra TAND Thành phố và hiện nay TAND thành phố khởi kiện 2 nội dung: Khởi kiện Quyết định 2100 năm 2008 của UBND thành phố về quy hoạch rừng. Người dân cho rằng quy hoạch rừng chồng lấn với khu dân cư và khởi kiện quyết định hành chính của UBND huyện và quyết định giải quyết khiếu nại của UBND Thành phố. Hiện nay tòa án đang thụ lý nhưng chưa xét xử. Người dân tiếp tục kiến nghị lên Thủ tướng, Thủ tướng có Văn bản 100 yêu cầu Hà Nội xem xét lại yếu tố lịch sử. Thanh tra Chính phủ có văn bản báo cáo Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội giao cho các sở ngành: Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, sở Tài nguyên & Môi trường xem xét các yếu tố và hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp GCN QSD đất”. Việc cưỡng chế 28 công trình vi phạm đất rừng đã có quyết định từ lâu nhưng do người dân cảm thấy chưa thỏa đáng nên đã khiếu kiện đến các cơ quan chức năng. Khu ven hồ Đồng Đò hiện đang chờ các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cuối cùng, tuy nhiên theo như phóng viên đã quan sát và tìm hiểu sự việc tại thôn Minh Tân thì thấy rằng, những công trình vi phạm lấn chiếm đất rừng, xẻ núi, lòng hồ, ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên vẫn đang hoạt động như không có vấn đề gì xảy ra (?)
San lấp đất để xây dựng công trình phục vụ du lịch
Những ngọn đồi bị xẻ ra để làm đất xây dựng có dấu hiệu trái phép
Phần lớn những công trình phục vụ hoạt động du lịch vẫn hoạt động, không chỉ có vậy, đất ở đây cũng đang được vô tư rao bán, chuyển nhượng (?). Theo như tìm hiểu thì hình thức mua bán ở đây được sử dụng thông qua giấy viết tay và không được thông qua UBND xã. Giá đất ở đây tính trung bình từ 3 đến 6 triệu đồng/m2. Việc giao dịch quyền sử dụng đất này hiện tại đang có dấu hiệu chưa đúng theo quy định của pháp luật và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Đất đang được giá nên những quả đồi tại đây cũng đang được san bằng không thương tiếc, xây dựng để bán. Có nhiều lô đất tại đây đã được quây hàng rào và thực hiện việc san lấp. Đã có quy định về việc cưỡng chế nhưng ở đây vẫn thực hiện các hoạt động xây dựng những công trình mới. Những sự việc này xảy ra ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái tại hồ Đồng Đò, việc bán đất bừa bãi sẽ gây nên việc có thể bị sạt lở do xẻ núi để lấy đất và lòng hồ hiện tại đang bị xâm lấn không ngừng để mở rộng đất mà còn cho thấy sự coi thường pháp luật. Những sự việc này xảy ra ngang nhiên và chưa thấy có sự can thiệp của các cấp chính quyền. Câu hỏi đặt ra việc người dân tại thôn Minh Tân mất nhiều năm để có thể chứng minh quyền sử dụng đất của mình có thực sự đơn giản như vậy? Vai trò và trách nhiệm của UBND huyện Sóc Sơn và UBND xã Minh Trí cũng cần phải được xem xét một cách đúng mức. Theo như bà Huyền thì 28 công trình này phần lớn là do người dân từ nơi khác đến để đứng tên.
Thiết nghĩ: Việc quy hoạch huyện Sóc Sơn nói chung và thôn Minh Tân nói riêng cần phải được thực hiện, xem xét kỹ càng để giúp người dân được hưởng những quyền lợi chính đáng trên mảnh đất được Nhà nước giao và chính họ xây dựng nên. Nhưng đằng sau đó có phải là những lợi ích phía sau cũng rất cần được cân nhắc cho đúng mức, đúng quy định.
Tiến Đạt
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 31 - 20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)