TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 02/05/2024

Xin đừng “bức tử” một dòng kênh

16:08 30/07/2020
Logo header Kênh nhà Lê nằm trên địa phận huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An là một tuyến đường thủy đầu tiên, được khởi đào từ năm 983, thời Tiền Lê (981-1009). Từ đó, các triều đại về sau liên tục đào thêm nhiều con sông, nối các sông tự nhiên thành một tuyến đường thủy kéo dài từ Ninh Bình vào đến Hà Tĩnh. Ngoài công dụng về giao thông, thủy lợi Kênh nhà Lê còn tạo nên một không gian sinh thái gắn kết môi trường sống. Nhưng nay thì dòng kênh này đã và đang dần mất đi giá trị sinh thái tự nhiên do tác động của sự phát triển…

Những đoạn kênh được phủ kín bởi bèo tây

Theo sử liệu thì chưa đầy 3 năm sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lê Đại Hành đã dẹp xong cuộc nổi loạn trong nước, đồng thời thực hiện sự nghiệp vĩ đại phá Tống (năm 981), bình Chiêm (năm 982). Trong công cuộc Nam tiến đánh Chiêm Thành để bảo vệ và mở mang cương thổ, Nhà vua đã cho khơi mở tuyến đường thủy nội địa đầu tiên mà dân gian vẫn quen gọi là Kênh nhà Lê. Với tầm nhìn chiến lược cả về quân sự và kinh tế, Lê Đại Hành đã cho đào kênh từ sông Mã qua núi Đồng Cổ theo trục Nam - Bắc đến sông Bà Hòa, rồi từ đó khơi dòng vào Nghệ An. Đoạn kênh nhà Lê tại Nghệ An dài 128km, bao gồm: kênh Mơ (nối liền sông Hoàng Mai và Sông Thơi), kênh Dâu (nối sông Thơi với sông Hàu), kênh Mỹ Giang (nối sông Thơi với sông Bùng), kênh Đạu và kênh Sắt (nối sông Bùng với sông Cấm), kênh Gai, kênh Chính Đích, sông Vĩnh (nối sông Cấm với sông Lam)... chảy qua nhiều huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An như Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thành phố Vinh, Hưng Nguyên...

Trong lịch sử xây dựng và phát triển Nghệ An, Kênh nhà Lê tại địa phận này đã có nhiều đóng góp về mặt giao thông, thủy lợi, góp phần hình thành nên nhiều làng quê đông đúc trù phú như làng Ngọc Huy, làng Xuân Úc (thị xã Hoàng Mai), làng Phú Đa (huyện Quỳnh Lưu), làng Đức Thịnh, làng Vạn Phần (huyện Diễn Châu) và góp phần đáng kể vào phát triển nền kinh tế nông nghiệp, thương nghiệp, thủ công nghiệp... Di tích lịch sử Kênh nhà Lê tại Nghệ An (thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 2405/QĐ-BVHTTDL ngày 07 tháng 7 năm 2016 xếp hạng Di tích Quốc gia. Thế nhưng, đi dọc con kênh lịch sử này theo Quốc lộ 1A, đoạn từ xã Nghi Diên đến xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, chúng tôi cảm thấy nuối tiếc vì mức độ ô nhiễm đến thảm hại và dòng kênh đã bị “xâm hại” nghiêm trọng. Hai bên bờ, cây cối, cỏ dại mọc um tùm, rác thải lấp đầy mặt Kênh. Trước kia, dòng Kênh nước trong veo, Kênh có chiều rộng từ 10 đến 12 mét, sâu khoảng 3 đến 4 mét, thuyền bè đi lại dễ dàng, thì nay dòng nước đen sì, chiều rộng bị thu hẹp lại chỉ còn chừng từ 3 –đến 4 mét. Hàng chục ngôi nhà mọc lên kiên cố sát bờ kênh, phần diện tích lấn chiếm này được sử dụng làm nhà ở, tập kết vật liệu xây dựng v.v.

Ông Lê Hồng T - Một người dân huyện Diễn Châu cho biết: “Trước kia con Kênh này nó sạch, chúng tôi đi chăn bò, thả bò gần bờ kênh, nô đùa cùng nhau và xuống tắm ở đó rất mát, nhưng bây giờ thì dòng nước ở Kênh đen sì, bẩn và hôi. Mỗi khi có việc xuống gần thì mùi hôi nồng bốc lên rất khó chịu nên chúng tôi cũng nhanh chóng đi khỏi khu vực đó”. Đập vào mắt chúng tôi là một cây cầu vượt bắc qua con đường Quốc lộ 1A và Kênh nhà Lê tại địa phận xã Nghi Diên huyện Nghi Lộc, điều đáng nói là cây cầu vượt đường Quốc lộ 1A và con Kênh là các cọc bê tông đóng trên mặt dòng kênh, làm thay đổi về hiện trạng của dòng kênh, và giảm lưu thông dòng chảy của con kênh, cũng như sự di chuyển thuyền bè như ý nghĩa và mục đích của Vua Lê Đại Hành đã khi cho thực hiện đào con kênh này. Hiện tượng xâm phạm vào di tích trong khi đã được quy định tại Điều 4 của Nghị định Số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010  của Chính phủ quy định đối với di tích lịch sử - văn hóa, những hành vi được coi là xâm phạm di tích bị nghiêm cấm là: “Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích; Làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích”. Đi dọc theo Kênh nhà Lê thuộc khu vực xã Nghi Yên huyện Nghi Lộc chúng tôi ghi nhận được rất nhiều đoạn bị bèo tây phủ kín mặt nước và có những đoạn đất sạt lở bồi xuống dòng Kênh nên đoạn này bị thu hẹp lại dòng chảy. Những nhà dân trồng cây hai bên bờ Kênh nhiều năm qua nên tình trạng sạt và bồi đất ra dần lấn chiếm lòng dòng kênh, xâm phạm tổn hại nghiêm trọng đến di sản quốc gia đã có hơn một nghìn năm tuổi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm và ô nhiễm Kênh nhà Lê bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết cũng như thiếu ý thức của một số người dân. Bên cạnh đó, còn tồn tại một nguyên nhân lớn - đó chính là sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương nơi dòng Kênh đi qua, chưa hiểu hết về giá trị lịch sử của một công trình di sản văn hóa dẫn đến tình trạng để người dân xâm hại hành lang công trình thuỷ lợi kênh mương, vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ di sản Văn hoá.

Trụ cột của cây cầu vượt qua đường quốc lộ đã cắm thẳng vào giữa dòng lòng Kênh

Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm gìn giữ, bảo tồn và có trách nhiệm nhanh chóng tiến hành kiểm tra, có biện pháp xử lý kiên quyết những vi phạm theo quy định. Có như vậy mới trả lại môi trường cảnh quan sạch đẹp cho dòng Kênh. Sự thay đổi hay tồn tại của dòng Kênh lịch sử này phụ thuộc nhiều vào sự bảo tồn và gìn giữ của thế hệ hôm nay.

Lê Dũng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 21 - 20

Bình luận: 0