TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 20/04/2024

Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

12:33 03/03/2022
Logo header Ngày 26/01/2022, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 647/VPCP-NN truyền đạt yêu cầu của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để.

Trong hơn 07 năm triển khai Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng các Bộ, ngành, địa phương tích cực tổ chức triển khai Kế hoạch. Nhiều địa phương đã chủ động, tích cực xây dựng Kế hoạch triển khai Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lồng ghép nội dung triển khai Quyết định số 1788/QĐ-TTg trong các chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường theo từng giai đoạn; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai xử lý ô nhiễm triệt để theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành tài nguyên và môi trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trực tiếp tham dự và có ý kiến chỉ đạo, cụ thể như sau:

1. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết, thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản quy định chi tiết, thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội Khoá XIV, kỳ họp thức 10 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực thi thành từ ngày 01/01/2022 thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Trong đó đặt ra các mục tiêu và quan điểm rõ ràng như: Các yêu cầu bảo vệ môi trường phải ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường; lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; tăng cường công bố, công khai thông tin về môi trường;…

Nhà nước thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế. Việc bảo vệ môi trường (BVMT) không chỉ là sự phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải mà các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên. Do vậy, Luật BVMT năm 2020 tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với các dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường, sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, có nguy cơ gây lũ lụt, suy thoái, cạn kiệt dòng chảy, tác động đến các di sản tự nhiên, khu bảo tồn; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình đến thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời, Luật dành riêng Chương VIII để quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm để người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và hài hòa với quy định của quốc tế, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, để tạo động lực phát triển bền vững và nâng cao chất lượng tăng trưởng và sự thịnh vượng quốc gia, Luật cũng đã bổ sung một chương về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho BVMT. Trong đó có quy định các chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước; thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên (đặc biệt là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn); bổ sung chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho BVMT.

Chính vì vậy, việc tổ chức quán triệt và tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT năm 2020 rộng rãi đến Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ pháp luật về BVMT là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu.

2. Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng!

Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để, Phó Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực, kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, thu hút nguồn vốn xã hội hoá và các nguồn vốn hợp pháp khác theo đúng quy định của pháp luật để xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 31/12/2022; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân chây ỳ, chậm trễ trong việc thực hiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ trên.

Hiện nay, trong số 435 cơ sở có tên tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có 370 cơ sở cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 85% (trong đó có 111 cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, 164 bệnh viện, 77 bãi rác, 16 cơ sở giáo dục, lao động và xã hội, 02 cơ sở khác). Hiện nay, cả nước còn 65 cơ sở chưa hoàn thành (hoặc đang thực hiện) các biện pháp xử lý triệt để. Trong đó có 5 cơ sở sản xuất kinh doanh, 1 khu công nghiệp, 6 chợ, 3 lò giết mổ gia súc, 6 bệnh viện, 39 bãi rác, 5 cơ sở giáo dục, lao động và xã hội. 35/50 địa phương hoàn thành trên 70% việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg (trong đó có 24/50 địa phương hoàn thành kế hoạch 100%, chiếm tỷ lệ 48%). (Nguồn: Cổng TTĐT của Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Kết quả đạt được cho thấy toàn thể các cơ quan ban ngành đã nỗ lực triển khai Kế hoạch và tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và thực hiện thắng lợi Kế hoạch. Để đạt được mục tiêu xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 31/12/2022 mà Phó Thủ tướng đã đề ra, yêu cầu cần phải có sự vào cuộc, thống nhất, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của các cơ quan ban ngành, cần có những chính sách thu hút nguồn vốn xã hội hoá, bố trí nguồn lực, kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương.

Hồng Đức

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 158 - 02/2022

Bình luận: 0