TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
chủ nhật, 05/05/2024

Ai sẽ là người quản lý thị trường, kiểm định chất lượng hàng hóa ở các Trung tâm thương mại kết hợp với khu nhà ở, văn phòng?

20:02 27/08/2020
Logo header Hiện nay trên thị trường đang chào bán rất nhiều loại ghế massage với nhiều công năng được nhân viên bán hàng giới thiệu như: mang lại sức khỏe, hạnh phúc và sự thịnh vượng cho người dân Việt. Dạo quanh thị trường, nhận thấy nơi bày bán những chiếc ghế ưu việt này thường là những trung tâm thương mại lớn và đối tượng khách hàng mà sản phẩm thường nhắm đến các bậc trung niên hoặc những người đã có gia đình, có thu nhập cao bởi giá của những sản phẩm này không hề rẻ. Thông thường một chiếc ghế massage có giá từ 20 triệu đồng – 80 triệu đồng, tuy nhiên cũng có những chiếc ghế lên tới vài trăm triệu đồng và điều mà chúng tôi quan tâm là những sản phẩm này có thực sự chất lượng tương ứng với giá trị của nó đang được chào bán hay không?

Một thương hiệu ghế massage được bày bán tại trung tâm thương mại Royal City ở đường Nguyễn Trãi, Hà Nội

Ghế massage cần được kiểm định chất lượng và xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ

Nhập vai người mua hàng, nhóm phóng viên có mặt tại Trung tâm thương mại Time City dưới tầng hầm của tòa nhà, ghi nhận tại gian hàng có tên là Okinawa, lúc này ở đây có 02 nhân viên tư vấn đứng chào bán sản phẩm. Tại gian hàng này có rất nhiều ghế massage với các chủng loại và thương hiệu khác nhau. Chúng tôi hỏi một sản phẩm ghế massage có thương Okazaki, được biết sản phẩm có giá 179 triệu đồng được lắp ráp tại tỉnh Bình Dương. Quan sát kỹ phần tem nhãn ghi trên sản phẩm đều không thấy thể hiện rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm và không được các cơ quan có thẩm quyền khẳng định chất lượng. Nhìn trên 01 chiếc tem có dòng chữ “R&D in Japan”, chúng tôi thắc mắc không hiểu nghĩa thì được nhân viên bán hàng cho biết: “dòng chữ đó có nghĩa là nghiên cứu và phát triển theo tiêu chuẩn của Nhật Bản”. Khi hỏi về chế độ bảo hành của sản phẩm, thì được trả lời “sản phẩm chỉ bảo hành tại nhà và không có trung tâm bảo hành”; Tương tự như ở Time City, tại tòa nhà Artemis, số 03 Lê Trọng Tấn, tại sảnh tầng 01 của tòa nhà có để vài chiếc ghế massage mang thương hiệu Taisodo. Tại đây, nhân viên bán hàng cũng ra sức chào mời khách qua lại dùng thử và được giới thiệu là sản phẩm có xuất xứ tại Malaysia. Tuy nhiên khi người mua muốn xem giấy tờ của sản phẩm thì nhân viên lại từ chối và cho biết: “những giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thì do Công ty nhập hàng về giữ, nếu khách hàng mua sản phẩm thì mới được cung cấp những giấy tờ đó, còn không thì chỉ được nghe tư vấn qua nhân viên bán hàng thôi”. Quan sát những sản phẩm gắn mác Taisodo cũng không hề thấy có tem nhãn chứng minh nguồn gốc xuất xứ và kiểm định sản phẩm; Ở trung tâm thương mại Royal City và BigC Thăng Long, tình trạng cũng giống như vậy đối với các sản phẩm mang nhãn hiệu Ogawa và Okia. Riêng sản phẩm mang nhãn Okia thì có 01 tem nhãn ghi tên Công ty nhập khẩu là Công ty TNHH thiết bị chăm sóc sức khỏe Toàn Cầu, để tăng sức thuyết phục, nhân viên bán hàng cho chúng tôi xem Giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu (C/O), tuy nhiên giấy này lại không trùng khớp các thông số so với sản phẩm đang được tiếp thị (tức là “râu ông nọ, cắm cằm bà kia”). Chúng tôi ngỏ ý được xem ai ký tờ giấy này thì người bán hàng vội vàng cất đi ngay khiến chúng tôi lại càng thêm nghi ngờ về nguồn gốc, xuất xứ của mặt hàng đang tồn tại ở một trung tâm thương mại uy tín của Hà Nội.

Gian hàng mang tên Okinawa tại Trung tâm thương mại Time City, ở Minh Khai, Vĩnh Tuy, Hà Nội

Theo quy định của Nhà nước về nhãn hàng hóa số 43/2017/NĐ-CP đã ban hành ngày 14/4/2017 quy định rất rõ về nhãn hàng hóa, bao gồm những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên hàng hóa gồm: Tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa. Đối với những sản phẩm nhập khẩu và tem nhãn chỉ có tiếng nước ngoài thì phải bổ sung nhãn phụ. Nhãn phụ phải thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu. Pháp luật đã quy định như vậy, thế nhưng số ít những sản phẩm nêu trên mà phóng viên ghi nhận được trong quá trình tác nghiệp lại cho thấy sự buông lỏng quản lý của các đơn vị cho thuê mặt bằng kinh doanh. Cũng chính vì thế mà giá trị thực của các sản phẩm này cũng khó mà xác định được. Như tại Trung tâm thương mại Time City, nhân viên bán hàng sẵn sàng giảm 60% giá trị của sản phẩm miễn sao bán được hàng. Cụ thể như đối với sản phẩm ghế massage được hỏi có giá 179 triệu đồng, sau khi được chiết khấu với lý do “xuất ưu đãi của nhân viên” thì sản phẩm chỉ còn giá trị gần 80 triệu đồng. Vậy đây có phải là chiêu thức đánh vào tâm lý ham rẻ của khách hàng nhằm tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay không? Tìm hiểu về quy định được bày bán sản phẩm tại Trung tâm thương mại Royal City, được biết tại đây chỉ cần có tư cách pháp nhân và ký cam kết về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ là sẽ đủ điều kiện để kinh doanh. Vậy nhưng không biết các trung tâm này có kiểm chứng các giấy tờ, pháp nhân do các đơn vị thuê mặt bằng cung cấp với các sản phẩm được bày bán hay không? Nhỡ đâu giấy tờ một đằng, còn sản phẩm một nẻo thì ai sẽ chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng?

Tem nhãn được dán trên ghế massage hiệu Okazaki tại Trung tâm thương mại Time City

Thông tin về chính sách các mặt hàng như ghế massage, tấm massage chân, đai massage, xe đạp chạy bộ không thuộc danh mục cấm nhập khẩu hay nhập khẩu có điều kiện theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ nên các Công ty có thể nhập khẩu mặt hàng này như các loại hàng hóa thông thường khác. Ngoài ra, căn cứ và Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng Ban hành kèm theo Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/03/2006 của Thủ tướng Chính phủ thì các mặt hàng trên không thuộc danh mục phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu. Hồ sơ thủ tục hải quan được thực hiện theo quy định tại Điều 16, 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính. Có lẽ đây là kẽ hở mà các công ty nhập khẩu có thể vin vào nhằm đưa những sản phẩm không đúng với nguồn gốc xuất xứ của nó ra thị trường chào bán. Thiết nghĩ, đây là một trong những mặt hàng giúp tăng cường sức khỏe cho nhân dân thì nên được kiểm tra, kiểm định chất lượng, nguồn gốc xuất xứ một cách cẩn thận, có như vậy mới đảm bảo được quyền lợi cho người tiêu dùng. Tri thức Xanh sẽ tiếp tục phối hợp cùng lực lượng chức năng để làm rõ những vấn đề nêu trên và thông tin tới bạn đọc trong những số ra tiếp theo.

Anh Đạt

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 25 - 20

Bình luận: 0