Áp lực từ việc gia tăng dân cư trên địa bàn Thủ đô
Gia tăng dân cư đang gây áp lực lên cơ sở hạ tầng cho Thủ đô.
Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở trên địa bàn Hà Nội, đến 01/04/2019 dân số Hà Nội 8,053 triệu người (2,22 triệu hộ dân cư). Trung bình mỗi năm, dân số Thủ đô tăng thêm khoảng 160.000 người, tương đương một huyện lớn. Điều này được lý giải là do gia tăng cơ học từ người nhập cư. Với tốc độ tăng trung bình 2,2%/năm thì đến năm 2030 dân số Thủ đô được ước tính sẽ vào khoảng hơn 9,7 triệu người (gần bằng dân số dự báo đến năm 2050), vượt quá xa so với dự kiến. Mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước. Con số này so với thủ đô các nước trên thế giới và khu vực ASEAN cũng là rất lớn. Tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, việc này được thể hiện qua tỷ lệ dân số khu vực thành thị tăng nhanh từ 36,8% năm 1999 lên 41% năm 2009 đến năm 2019 đã là 49,2%. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có đến 32 xã, phường, tuy nhiên tại hầu hết các phường, xã này có đến 30% dân số là dân nhập cư. Các quận như Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng và Cầu Giấy là những nơi có mật độ dân số cao nhất thành phố, trong khi đó các quận mới thành lập như Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Hà Đông do dân số tăng nhanh cũng đã trở thành những địa bàn có mật độ dân cư đông đúc không thua kém các quận trung tâm. Tiêu biểu như tại quận Hoàng Mai, trong nhiều năm nay số lượng dân cư trên địa bàn quận đã tăng lên chóng mặt, đặc biệt là sau khi những tòa nhà đầu tiên trong khu HH hoàn thành. Chỉ tính riêng khu vực của 12 tòa nhà chung cư trong khu này đã có khoảng 39.000 nhân khẩu trên 10.000 hộ dân với khoảng 10.000 xe máy và 1.600 xe ô tô các loại. Tính cả Khu đô thị Linh Đàm, con số này lên đến trên 46.000 nhân khẩu và hơn 2.000 xe ô tô. Tình trạng dân cư từ nhiều tỉnh thành đổ xô về đây càng tạo thêm áp lực cho cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải. Khi cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là khi hạ tầng giao thông không phát triển theo kịp tốc độ đô thị hóa gây khó khăn cho công tác công tác đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và trật tự công cộng ở các khu vực này.
Ngay từ đầu năm, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã tổ chức nhiều đợt công tác nhằm chấn chỉnh các hành vi vi phạm trật tự an đô thị. Nhưng chỉ sau một thời gian các hành vi này lại có dấu hiệu tái diễn khi lực lượng chức năng vắng mặt. Theo anh Cường - người dân tại Khu đô thị Linh Đàm cho biết: “Mỗi ngày tôi đi làm qua đây vào những giờ cao điểm thường xuyên bị ùn tắc một phần do lưu lượng xe đông nhưng cũng không thể không nói tới việc nhiều phương tiện giao thông đỗ ngổn ngang dưới lòng đường rồi những cửa hàng buôn bán tràn lan, nhiều người dân ra vào mua bán càng khiến đoạn đường thêm ùn tắc. Thực sự, các cơ quan chức năng tại đây đã nỗ lực trong việc giải quyết, xử lý những trường hợp vi phạm này nhưng ý thức và sự lộng quyền, vượt mặt các cơ quan chức năng của nhiều người đặc biệt là chủ của các hàng quán, chợ cóc, ô tô dừng đỗ tại tuyến đường trục tín hiệu đèn vào bán đảo Linh Đàm, trước mặt các tòa nhà HH1,2,4, khu vực đường Nguyễn Duy Trinh - bán đảo Linh Đàm… đã khiến cho trật tự đô thị nơi đây trở nên rối loạn khó kiểm soát”. Cũng theo những người dân nơi đây, sự tồn tại của những vi phạm trên đã kéo theo hàng loạt những hệ lụy với cuộc sống của họ như mất an ninh trật tự, ATGT, làm phát sinh các điểm ùn tắc không đáng có… Với xu hướng người di cư đến Hà Nội tiếp tục tăng khi nguồn lực để xây dựng các công trình hạ tầng đang còn khó khăn, quỹ đất đai ngày càng bị thu hẹp… thì tình trạng như nêu trên được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn không chỉ với riêng quận Hoàng Mai mà còn với toàn thành phố trong thời gian tới.
Trước tình hình đó, Hà Nội đang nỗ lực đưa ra định hướng quy hoạch tạo ra quy mô, cơ cấu thành phần dân cư về lâu dài. Việc thực hiện di dời các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục trong khu vực nội thành Hà Nội ra ngoại thành cũng đang được các cơ quan trên địa bàn dần triển khai. Các vấn đề phát triển nhu cầu du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp cảnh quan tạo xu hướng giúp người dân sống gần gũi với thiên nhiên cũng được gia tăng từ đó tránh được những ô nhiễm nơi đô thị đông đúc cũng là xu hướng đáng quan tâm để một mặt mở thêm cơ hội nghề nghiệp tại các vùng nông thôn quanh Hà Nội, phát triển ngành nghề truyền thống, mặt khác thu hút ngược nguồn lực tài chính, con người về các khu vực này. Ngoài ra, cũng để giúp giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng, giao thông của Thủ đô trong thời gian tới, Hà Nội đã và đang hướng tới việc phát triển những ngành công nghệ cao, cần đội ngũ trí thức tham gia nghiên cứu thực tiễn để đưa giải pháp hiệu quả, cùng với đó là hạn chế phát triển các ngành nghề thu hút nhiều lao động phổ thông, ít “chất xám” và có giá trị gia tăng không cao. Đồng thời, để đô thị ngày một phát triển theo hướng văn minh - hiện đại, không chỉ đòi hỏi nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng mà người dân Thủ đô cũng cần phải có ý thức hơn nữa trong từng hành động, việc làm của mình.
Nguyễn Hân
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 35 -20
Tin tức liên quan
- FAMINUTS HOUSE - THẾ GIỚI CHẠY BỘ CÓ MẶT TẠI KHU ĐÔ THỊ SALA (01:50 09/05/2024)
- Trường Đại học International American cấp bằng Tiến sĩ danh dự cho NTK Quỳnh Paris. (01:53 01/05/2024)
- TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA CỦA PHỤ NỮ, NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ HÒA NHẬP XÃ HỘI TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP LĨNH VỰC LOGISTICS (09:23 01/04/2024)
- “Sài Gòn Chill” đánh dấu sự hợp tác giữa MC Thi Thảo và Nhạc sĩ Đỗ Hoàng Linh (12:40 14/03/2024)
- Nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quyết liệt thực hiện công tác tư pháp năm 2024 (09:20 26/12/2023)