Bảo vệ trẻ em khi tiếp cận internet
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tính tới tháng 01/2020, Việt Nam có khoảng 70% dân số đang sử dụng dịch vụ internet, tăng khoảng 10% so với năm 2019. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Số người dùng Internet như vậy được xem là ở mức cao trên thế giới. Việt Nam cũng có tới khoảng 65 triệu người dùng mạng xã hội. Trong số đó, khoảng 96% người sử dụng tài khoản Youtube và 95% có tài khoản Facebook. Theo một số nghiên cứu, hơn một phần ba trong số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên (trong độ tuổi 15 đến 24, theo số liệu của Unicef). Trên thực tế, nhiều em nhỏ ngay từ độ tuổi mẫu giáo đã được tiếp cận với các dịch vụ internet, đặc biệt là các kênh như Youtube, TikTok,… Với nhu cầu muốn con chơi ngoan để cha mẹ làm việc, dỗ các con ăn,.. và muôn vàn lí do khác nên các bậc phụ huynh ngày nay sẵn sàng để cho con cái tiếp cận với những dịch vụ internet trên bằng nhiều hình thức như Tivi, smartphone,… Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe về cả thể chất, tinh thần ảnh hưởng lớn đến tương lai của trẻ. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với các thiết bị điện tử, trẻ từ 2 đến 5 tuổi nên được giới hạn thời gian sử dụng tối đa trong một giờ đồng hồ và tốt nhất nên có người lớn xem cùng. Với trẻ em, việc học hỏi, trưởng thành thường thông qua các hoạt động học tập, vui chơi, nhằm gia tăng trải nghiệm và phát triển các kỹ năng khác nhau như vận động, ngôn ngữ, nhận thức,… Ví dụ khi tham gia vào các trò chơi như chơi cờ, hay câu đố, cùng đọc sách,… không những giúp trẻ phát triển kỹ năng tương tác xã hội mà còn phát triển tư duy và khả năng sáng tạo. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ kỹ thuật số rất phát triển, khả năng trẻ sở hữu hoặc tiếp cận với chiếc điện thoại vô cùng dễ dàng. Có thể bắt gặp trên khắp mọi nơi từ gia đình cho đến những nơi công cộng hàng triệu đôi mắt thơ ngây đang ánh lên những tia sáng bởi các thiết bị điện tử. Đây chính là những nguy cơ làm suy yếu khả năng ngôn ngữ và tương tác xã hội ở trẻ, chưa kể tới những hệ lụy từ các video, clip với những nội dung không lành mạnh đang tràn ngập trên các dịch vụ internet hiện nay. Qua rà soát, các cơ quan chức năng trong những năm qua đã yêu cầu các dịch vụ internet gỡ bỏ hàng ngàn video xấu độc nhưng việc ngăn chặn này chưa thực sự hiệu quả. Trẻ em sử dụng các thiết bị truy cập internet tham gia mạng xã hội, trong đó đa số là hai mạng xã hội lớn Facebook và Youtube. Với tốc độ mỗi phút có hàng trăm giờ video được đăng tải, cập nhật trên các dịch vụ internet này và với mức độ lan truyền cực nhanh, vậy nên các nhà sản xuất video đã tận dụng triệt để điều này để tăng ảnh hưởng cũng như thu hút người xem để kiếm lợi nhuận.. Các cơ quan chức năng cũng đã nỗ lực rất nhiều trong việc ngăn chặn những video xấu độc này nhưng đây là một công việc rất khó khăn.
Để giải quyết tình trạng trên, rất nhiều biện pháp quyết liệt đã được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện như yêu cầu các dịch vụ internet này mở văn phòng chính thức cũng như đặt máy chủ ở Việt Nam. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan nghiên cứu, xử lý những video có nội dung nhảm nhí, giật gân tràn lan trên mạng xã hội. Đây được coi là một hành động cụ thể, quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lan truyền của những nội dung xấu gây ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ em nói riêng và xã hội nói chung. Nhưng để internet thực sự có những ảnh hưởng có ích đối với người sử dụng, đặc biệt là đối với các em nhỏ, thì ngoài những nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền cũng đòi hỏi hơn nữa sự quan tâm, sát sao hơn của gia đình - là những tấm gương ảnh hưởng trực tiếp đối với sự phát triển của trẻ và là tấm khiên vững chắc bảo vệ cho trẻ em trước những ảnh hưởng của những thông tin không phù hợp tới từ các video. Trong mỗi gia đình cần giáo dục trẻ sử dụng internet một cách đúng đắn, tận dụng được những lợi ích tuyệt vời về học tập, thông tin sẵn có nhưng cũng cần phải bảo vệ các em trước những thông tin xấu độc ảnh hưởng trực tiếp đến tâm hồn trẻ thơ. Công nghệ không gây hại nếu được sử dụng cho mục đích phù hợp. Hãy để điện thoại và internet trở thành công cụ phục vụ cho các mục đích học tập và sáng tạo của trẻ, thay vì ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của trẻ em.
Tiến Đạt
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 32 - 20
Tin tức liên quan
- FAMINUTS HOUSE - THẾ GIỚI CHẠY BỘ CÓ MẶT TẠI KHU ĐÔ THỊ SALA (01:50 09/05/2024)
- Trường Đại học International American cấp bằng Tiến sĩ danh dự cho NTK Quỳnh Paris. (01:53 01/05/2024)
- TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA CỦA PHỤ NỮ, NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ HÒA NHẬP XÃ HỘI TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP LĨNH VỰC LOGISTICS (09:23 01/04/2024)
- “Sài Gòn Chill” đánh dấu sự hợp tác giữa MC Thi Thảo và Nhạc sĩ Đỗ Hoàng Linh (12:40 14/03/2024)
- Nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quyết liệt thực hiện công tác tư pháp năm 2024 (09:20 26/12/2023)