TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 03/05/2024

BIDV Chi nhánh Phú Tài và chiêu đảo nợ ngoạn mục (Kỳ 2)

16:27 30/07/2020
Logo header Các cá nhân vi phạm quy định về tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Phú Tài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng còn hệ lụy do các cá nhân này gây ra, thiệt hại vốn Nhà nước lên đến hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Trong khi BIDV là ngân hàng mà vốn Nhà nước sở hữu lên đến 80,99%.

Như đã phản ánh trên Tri thức Xanh số ra ngày 11/6/2020 về chiêu đảo nợ của BIDV Chi nhánh Phú Tài khiến cho bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là Công ty TNHH Vạn Mỹ Phú (gọi tắt là Công ty Vạn Mỹ Phú) vướng mắc công nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng mà cho đến hiện nay vẫn chưa tìm được cách nào tháo gỡ. Để có thông tin khách quan tới bạn đọc, phóng viên đã gửi nội dung đề nghị làm việc tới trụ sở của ngân hàng BIDV, nhưng đã nhiều ngày trôi qua, phía ngân hàng vẫn chưa có hồi đáp; cán bộ được phân công tiếp xúc phóng viên thì điện thoại không bắt máy. Vậy không biết Ngân hàng BIDV có đang gây khó cho phóng viên tác nghiệp hay không?

BIDV CN Phú Tài cho Công ty Hải Thạnh thế chấp vay từ ngày 25/01/2008

Thông qua quá trình tác nghiệp, được biết Công ty Vạn Mỹ Phú cũng rất lo lắng bởi cứ theo lập trình của Ngân hàng, số dư nợ của Công ty từ thương vụ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 02 thửa đất số AI804518 và AI804520 là tài sản đang được BIDV Chi nhánh Phú Tài nhận thế chấp cứ càng ngày càng phình to, trong khi tài sản là quyền sử dụng đất đối với 02 thửa đất mà Công ty này đã nhận chuyển nhượng hợp pháp đến nay đã “vuột” mất khỏi tay mà mất quyền sử dụng. Đã có lần Công ty hỏi cán bộ ngân hàng: Nếu chúng tôi tất toán thì liệu ngân hàng có trả lại chúng tôi tài sản đảm bảo mà ngân hàng đã cầm cố khi làm thủ tục thế chấp cho vay hay không? Thì cán bộ ngân hàng không thể trả lời được. Liệu sự việc cứ bỏ ngỏ như vậy đến bao giờ? Ở một diễn biến khác, khi tiếp cận Công ty TNHH Kim Đại Dương (là bên chuyển nhượng 02 thửa đất nêu trên cho Công ty Vạn Mỹ Phú), người đại diện phát ngôn của Công ty này lại cho biết: “Vào năm 2009, lúc đó ông Trần Lục Lang là Giám đốc của BIDV Chi nhánh Phú Tài có nhờ ông Hoàng Đại Dương - Giám đốc Công ty Kim Đại Dương đứng ra bảo lãnh cho một Hợp đồng vay tín dụng. Lúc ấy, BIDV Chi nhánh Phú Tài muốn cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hải Thạnh (gọi tắt là Công ty Hải Thạnh), địa chỉ tại 44 Trần Hưng Đạo, phường 1, Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, người đại diện theo pháp luật là ông Võ Thụy Linh vay tiền. Vì Công ty Hải Thạnh không có tài sản thế chấp nên ông Lục Lang đã nhờ ông Dương đứng ra bảo lãnh cho khoản vay của Công ty Hải Thạnh thông qua hình thức góp vốn đầu tư dự án, tài sản thế chấp là 02 thửa đất có Giấy chứng nhận QSD nêu trên. Tin lời ông Lục Lang nên ngày 17/7/2009, ông Dương đã giao 02 Giấy chứng nhận QSD đất này cho Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài (người tiếp nhận là ông Từ Khắc Tuấn) theo Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp ngày 17/7/2009 để bảo lãnh cho Công ty Hải Thạnh vay số tiền 40 tỷ đồng (Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 01/2008/HĐ). Sau đó, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài cho biết rằng khoản tiền 40 tỷ cho Công ty Hải Thạnh vay hiện không đòi được do mất khả năng chi trả nên lại một lần nữa nhờ ông Dương ký tiếp một Hợp đồng chuyển nhượng QSD đất đối với 02 thửa đất nêu trên với giá trị chuyển nhượng là 40 tỷ đồng cho khớp với số tiền mà Ngân hàng đã cho Công ty Hải Thạnh vay trước đó. Sau khi thực hiện đề nghị phía Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài, trong cùng ngày 05/4/2010, Công ty Kim Đại Dương nhận được 02 món tiền đổ vào tài khoản với tổng giá trị là 40 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ sau vài phút, số tiền này lại biến mất và được chuyển vào tài khoản của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài mà trước đó Ngân hàng này yêu cầu ông Dương ký khống vào một tờ Ủy nhiệm Chi”. Người đại diện phát ngôn của Công ty Kim Đại Dương khẳng định: “Giao dịch chuyển nhượng QSD đất và Hợp đồng chuyển nhượng QSD đất vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay hoàn toàn là một vở kịch do BIDV Chi nhánh Phú Tài đạo diễn mà trong đó ông Dương - Giám đốc Công ty Kim Đại Dương là người bị hại”. Vậy theo chia sẻ của Công ty Kim Đại Dương nêu trên thì số tiền 40 tỷ đồng mà BIDV Chi nhánh Phú Tài ban đầu cho Công ty Hải Thạnh vay có thực sự đến tay Công ty Hải Thạnh hay chỉ là chiêu trò của BIDV Chi nhánh Phú Tài nhằm chiếm dụng vốn Nhà nước?

Cty Kim Đại Dương đã bàn giao 02 thửa đất cho BIDV CN Phú Tài
 
Khi Cty Hải Thạnh không thanh toán được khoản vay thì Cty Vạn Mỹ Phú đã chuyển tiền và nhận chuyển nhượng 02 thửa đất từ Cty Kim Đại Dương.

Nói về khoản vay 40 tỷ mà Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài cho Công ty Vạn Mỹ Phú vay thông qua tài sản thế chấp là 02 Giấy chứng nhận QSD đất số AI804518 và AI804520, đại diện Công ty Vạn Mỹ Phú cho biết: “Theo quy định, đối với các giao dịch cho vay tín dụng được thế chấp bằng quyền sử dụng đất, để đảm bảo tín dụng vay thì Ngân hàng phải thực hiện thủ tục Đăng ký giao dịch đảm bảo tại Văn phòng Quản lý đất đai và cấp Giấy chứng nhận QSD đất. Nhưng tôi không biết vì sao mà trong suốt cả một thời gian dài BIDV Chi nhánh Phú Tài không thực hiện công việc đó; kể cả việc sau khi thủ tục chuyển nhượng hợp pháp đã hoàn tất, tôi có đề nghị được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định thì Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài lại nói rằng: để tìm khách hàng rao bán kiếm lời, khi đó sang tên một thể. Cũng vì tin tưởng phía Ngân hàng đang giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng 02 thửa đất của chúng tôi mà chúng tôi cũng thuận theo. Trong thương vụ này, ngoài phải nộp vào số tiền ban đầu, Công ty Vạn Mỹ Phú còn è cổ trả lãi một thời gian dài, nhưng cho đến khi nào chúng tôi mới dứt điểm được vấn đề này?

Rồi tiếp đó là hàng loạt các hợp đồng tín dụng được BIDV Chi nhánh Phú Tài và Cty Vạn Mỹ Phú thực hiện xoay quanh việc món vay 40 tỷ đồng thế chấp bởi 02 thửa đất để rồi đến nay Cty Vạn Mỹ Phú đã mắc nợ cả gốc lẫn lãi nhiều tỷ đồng mà 02 Thửa đất thế chấp nêu trên vẫn không thuộc về BIDV Chi nhánh Phú Tài.

Từ những vấn đề nêu trên, khi mà giờ đây ông Trần Lục Lang - Nguyên Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài đang chịu án phạt của pháp luật do hệ lụy cho ông này gây ra thì Ngân hàng BIDV vẫn phải có trách nhiệm giải quyết, chứ không thể để các doanh nghiệp tiền mất, tật mang như hiện tại được. Tuy nhiên theo phản ánh của đại diện Công ty Vạn Mỹ Phú thì: “Phía Ngân hàng BIDV chỉ quan tâm đến khoản nợ khổng lồ của công ty đối với Ngân hàng mà không hề truy xét xem Công ty có phải “con nợ” thực sự của món vay do cán bộ ngân hàng “vẽ” ra hay không. Rất nhiều lần Công ty đã đề nghị bằng văn bản với Giám đốc mới của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài liệt kê giao dịch của món vay thế chấp bằng 02 thửa đất nêu trên, nhưng BIDV Chi nhánh Phú Tài không thực hiện được (?).Vậy nên, trên thực tế, Công ty Vạn Mỹ Phú phải được đánh giá là “người bị hại” mới là đúng”. Tri thức Xanh sẽ tiếp tục phối hợp các cấp có thẩm quyền để làm rõ và thông tin tới bạn đọc trong những số ra tiếp theo.

Hiền Anh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 21 - 20

Bình luận: 0